Viên chức sinh con ngoài giá thú có vi phạm pháp luật không?

VHO-Hỏi: Tôi năm nay 35 tuổi, là viên chức nhà nước, đã ly dị và hiện đang sống cùng một người đàn ông độc thân nhưng không đăng ký kết hôn. Tôi muốn sinh một đứa con, vậy tôi có vi phạm pháp luật khi sinh con mà không đăng ký kết hôn không? Con tôi sinh ra có được bảo đảm đầy đủ quyền lợi như những trẻ em khác không? Bà Nguyễn Thị Minh Hòa (Thạch Hà - Hà Tĩnh)

- Trả lời:

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì không có quy định nào cấm việc sinh con mà không đăng ký kết hôn. Đứa trẻ sinh ra mà người cha và người mẹ không có quan hệ hôn nhân, không được đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật được coi là con ngoài giá thú.

Hiện nay chưa quy định xử lý kỷ luật trong trường hợp viên chức độc thân sống chung hoặc có con ngoài giá thú với người độc thân khác. Mặt khác, theo Điều 4 Luật số 25/2004/QH11 của Quốc hội: Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em về không phân biệt đối xử với trẻ em, quy định: “Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung; không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ, đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, ngay từ khi sinh ra, con ngoài giá thú cũng được hưởng đầy đủ các quyền lợi như con trong giá thú, được hưởng đầy đủ các quyền khác về nhân thân được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự như quyền về cư trú, hộ tịch, giám hộ, các quyền về tài sản, thừa kế...

Pháp luật về bảo hiểm xã hội không có quy định nào hạn chế quyền hưởng chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con mà không có đăng ký kết hôn, vì vậy bạn sẽ vẫn được hưởng chế độ thai sản như những phụ nữ khác nếu bạn đáp ứng đủ 2 điều kiện về đối tượng được hưởng chế độ thai sản và thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Theo Luật Minh Khuê

Ý kiến bạn đọc