Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

​Không gian văn hóa đi bộ: Đừng là... “cái chợ khổng lồ”

Thứ Tư 30/05/2018 | 10:08 GMT+7

VH-  Trong số các không gian đi bộ hiện có ở Hà Nội, ngoài không gian quanh Hồ Gươm đã ít nhiều có dấu ấn thì người dân vẫn băn khoăn với những không gian còn lạc điệu, nơi giống cái chợ, nơi chỉ đơn thuần giống như con đường không có xe cộ chạy qua...

 Phố đi bộ Trịnh Công Sơn

Không chỉ là ngăn xe, cấm đường

Chỉnh sửa bất cập của các không gian đi bộ đang hoạt động vì vậy đã là mong muốn của nhiều chuyên gia kiến trúc, văn hóa, quy hoạch đô thị... Bởi cứ vận hành như một thói quen mà bỏ qua các yếu tố định hình bản sắc thì những khu phố này sẽ không thực sự thuyết phục được du khách.

Tuyến phố đi bộ đầu tiên của Hà Nội- khu phố cổ Hà Nội đã từng được kỳ vọng là không gian văn hóa đặc trưng, có sức hút với du khách. Nhưng dù được triển khai từ khá lâu song tuyến phố xuyên qua những ngôi nhà nhiều nét cổ kính đã không thỏa mãn được những trông chờ. Hoạt động trong các khung giờ buổi tối các ngày cuối tuần, đi bộ ở khu phố cổ không khác gì ở khu chợ đêm, chủ yếu bán hàng Trung Quốc. “Phố đi bộ mà như... đi chợ!”. Không ngoa. Bởi ở đó có đủ các thể loại: quần áo, gương lược, mỹ phẩm, túi cặp, phụ kiện điện thoại..., những mặt hàng không nhãn mác được bày bán lan tràn. Du khách háo hức trải nghiệm nhưng rồi nhiều người cũng đã thất vọng khi những yếu tố bản sắc chẳng thấy đâu, thay vào đó là cảm nhận cả dãy phố chỉ như một hội chợ... thanh lý đồ giảm giá.

Cho đến khi UBND TP. Hà Nội cho phép quận Hoàn Kiếm mở rộng hoạt động đi bộ ở sáu tuyến phố thuộc khu vực bảo vệ cấp I của Di tích quốc gia phố cổ Hà Nội vào năm 2014 (gồm: Hàng Buồm, Mã Mây, Đào Duy Từ, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện) thì mới thấy manh nha hình nét của một không gian đi bộ với những nét văn hóa, ẩm thực đặc trưng của Hà Nội. Đáng chú ý là các hoạt động văn hóa, nghệ thuật như hát xẩm ở đền Quán Đế (phố Hàng Buồm), chầu văn trên phố Mã Mây… được du khách đặc biệt yêu thích.

Sau mở rộng tuyến phố đi bộ khu vực phố cổ, UBND tiếp tục cho phép quận Hoàn Kiếm mở rộng tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm. Với các hoạt động văn hóa gắn kết cộng đồng, múa hát, biểu diễn nghệ thuật cùng nhiều trò chơi dân gian truyền thống, không gian đi bộ quanh Hồ Gươm đã trở thành điểm đến thú vị của Hà Nội vào mỗi dịp cuối tuần.

Theo KTS Trần Huy Ánh, không gian văn hóa đi bộ không chỉ đơn giản là việc giao thương, mua bán, ngăn xe, cấm đường mà phải tạo ra không gian sinh hoạt văn hóa, kết nối du khách bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để xóa bỏ sự nhạt nhòa thì tại các không gian đi bộ cần có nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức chuyên nghiệp và thường xuyên hơn. Đa dạng hóa các hình thức hoạt động cũng là cách để du khách mong muốn quay trở lại nhiều lần.

Cần có nhiều điểm dừng chân

Mới đây, phố đi bộ Trịnh Công Sơn sau khai trương cũng được kỳ vọng sẽ mở ra một không gian văn hóa nghệ thuật mới của Thủ đô, góp phần giảm tải cho phố đi bộ Hồ Gươm. Tuy nhiên, với những gì diễn ra thời gian đầu thì dường như kỳ vọng này vẫn còn khá xa.

“Kỳ vọng rất nhiều, kể cả khai thác ý nghĩa lớn lao về tên tuổi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tuy nhiên trước mắt chúng tôi chỉ nghĩ tập trung tạo khu vui chơi, sân chơi cho người dân”, ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ nói. Qua tuần đầu khai trương, lãnh đạo quận cũng thừa nhận có nhiều thứ cần điều chỉnh.

Nhiều du khách đã cố gắng tìm đến phố đi bộ Trịnh Công Sơn từ những ngày đầu tiên với mong muốn trải nghiệm một không gian văn hóa lãng mạn như tên gọi của nó. Nhưng rồi, không ít người đã lắc đầu ra về. Không gian chật chội. Trên con đường Trịnh Công Sơn, đường Rặng Nhãn không có khoảng không cho trẻ con tham gia vào các trò chơi. Hàng chục gian hàng nghệ thuật, ẩm thực, lưu niệm hoạt động hết công suất nhưng cũng chỉ là các mặt hàng giải khát đơn thuần. Mong muốn một không gian đi bộ ẩm thực có nét đặc trưng của Tây Hồ với bánh Tôm, bún Ốc, sen Hồ Tây… vẫn chưa thể thành hiện thực.

Theo lời nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm, khách du lịch đến với phố đi bộ cần thưởng thức các “đặc sản” văn hóa nổi trội. Muốn níu chân du khách thì phải xây dựng các điểm dừng chân hấp dẫn, là nơi giao lưu văn hóa lý tưởng. Bên cạnh đó, việc bố trí bán hàng phải được tính toán kỹ lưỡng, quản lý tốt các hộ dân kinh doanh, không để bày bán tràn lan hàng hóa, biến không gian văn hóa thành “cái chợ khổng lồ”.

Sự tẻ nhạt của tuyến phố cũng không chỉ bởi nét văn hóa, ẩm thực chưa được khắc họa rõ nét mà còn là việc người dân chưa có nhiều điểm dừng chân để vui chơi. Những du khách lãng mạn còn thất vọng nhiều hơn bởi mong muốn tìm hình bóng nhạc sĩ họ Trịnh ở con phố này cũng không được như kỳ vọng. Góc nhỏ gọi là bích họa Trịnh Công Sơn thật nghèo nàn. Bức chân dung ông đặt ở đường cây cầu nghệ thuật ngăn cách hai hồ nước hơi lạc lõng. Một quán cà phê nhỏ cũng trưng biển cà phê Trịnh, nhưng không gian bài trí chưa hấp dẫn...

Lãnh đạo quận cho biết, thời gian tới tuyến phố này sẽ có nhiều thay đổi. Từ việc mở khu “chợ Tây”, tạo không gian mua bán, trao đổi hàng hóa của người nước ngoài cho đến việc sẽ điều chỉnh kết nối các dịch vụ, không gian xung quanh, lấy phố Trịnh Công Sơn là tâm điểm.

Theo KTS Đoàn Kỳ Thanh, điều cần nhất của không gian đi bộ là việc chính quyền, người dân hiểu đúng về không gian cộng đồng, nhu cầu thực sự và sự tham gia của các bên. Chính quyền không thể tự tạo ra không gian đi bộ theo đúng nghĩa nếu không dung hòa được nhu cầu của du khách, cũng như thu hút được sự tham gia của người dân ở con phố đó. Còn theo KTS Trần Huy Ánh, nếu phố đi bộ quanh Hồ Gươm phải trở thành trường học thực hành cho các công dân về “Văn minh đô thị” thì phố đi bộ Trịnh Công Sơn hay các con phố đi bộ vệ tinh khác cũng phải bám sát vào các tiêu chí đó để du khách đến đây luôn tự hào là công dân văn minh thanh lịch của Thủ đô.

 BẢO NGÂN

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top