Giữa xứ “cờ hoa” nhớ thương tô phở Việt

VH- Tôi mở một quán ăn trên đất Mỹ và món ăn tôi chọn đầu tiên để đưa vào thực đơn là phở - cái hồn của ẩm thực Việt Nam.

Giữa xứ “cờ hoa” nhớ thương tô phở Việt - Anh 1

Là con gái gốc Bắc, học chuyên ngành báo chí tại TP.HCM nhưng cơ duyên lại đưa tôi đến sống và lập nghiệp tại Hoa Kỳ. Định cư ở bang Colorado của xứ sở cờ hoa hơn 3 năm, tôi có dịp thưởng thức nhiều món ngon của nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng không hiểu tại sao, dù có ăn bất kì món cao lương mỹ vị gì ở nhà hàng Âu hay Á thì trong lòng tôi cứ mãi nhớ về những món ăn của quê nhà, dù nó không có tên gọi cầu kì, nghe “oách lỗ tai”, không trang trí hoa hòe kì công nhìn sướng mắt như nước người thế nhưng mùi vị, thanh sắc từng gói gỏi cuốn tới đĩa bánh xèo bình dị, thanh tao cứ làm tôi nhớ mãi. Suốt thời gian qua, dù công việc bận rộn nhiều lúc tưởng chừng “không có thời gian để thở” tôi và chồng luôn “cam kết” với nhau nhất quyết hạn chế tối đa thức ăn nhanh mà phải sắp xếp thời gian để thay phiên nhau nấu bữa cơm gia đình với những món hoàn toàn của người Việt Nam mình như canh chua, cá kho, thịt rang, cà pháo…

Cuộc sống quanh quẩn ở xứ người chỉ có đôi vợ chồng trẻ không thôi thì cũng buồn tẻ, tôi và chồng làm quen với những người hàng xóm cho có bạn bè, và rồi cứ cuối tuần chúng tôi lại mời họ sang nhà để dùng cơm như lời anh chồng mập mạp của tôi bảo “thắt chặt tình thân thông qua chiếc dạ dày là cách dễ dàng nhất”. Vậy là cứ vào những ngày cuối tuần, những người bạn hàng xóm hơn 10 người sang ngôi nhà nhỏ của vợ chồng tôi dùng bữa. Tôi nhớ như in bữa cơm đầu tiên ai nấy cũng trầm trồ, xuýt xoa “Đồ ăn Việt của vợ anh nấu ngon quá”, hay “Xưa giờ tôi ăn nhiều món Việt nhưng món mà chị nhà nấu là ngon nhất”. Thế rồi, sau bữa cơm tất cả mọi người cùng ngồi lại phân tích mới vỡ lẽ ra từ trước đến nay ở bang tôi ở, nhiều người gốc Á cũng mở quán bán món ăn Việt Nam nhưng họ chỉ là “dân học lỏm và bắt chước nhưng… chưa tới”, nên không thể ngon như người Việt chính gốc tự tay chế biến được. Anh Thomas - kĩ sư cơ khí, một trong số những vị khách ngày hôm đó đề nghị ngay “hay là chị hãy nấu món phở - món mà ngày nào tôi cũng ăn vì rất ngon xem mùi vị khác với phở mà tôi thường ăn tại quán của một ông chủ gốc Hàn Quốc (từng có thời gian học tại Việt Nam) mở thế nào?!”, qua đó nói vui “Anh ta là người Hàn mà còn nấu phở ngon như vậy, tôi tin cô là người Việt chính gốc thì phở của cô phải có gì đặc biệt hơn của anh ta”. Vậy là tuần sau, đúng như lời hứa với Thomas, tôi bắt tay vào nấu phở. Giờ đây, khi viết những dòng này trong tôi vẫn còn nhớ hoài cái cảm giác vui sướng khi đi khu chợ người Việt Nam của bà con hải ngoại nơi đây; bởi tuyệt vời làm sao khi muốn mua gia vị gì nấu phở cũng có, từ những thứ như quế, hoa hồi… để nấu nước dùng, từ cọng hành hoa, tới bánh phở dai, trắng vì mịn; tất cả sẵn sàng phục vụ quý bà gốc Việt xa xứ khát khao nấu một nồi phở đúng vị truyền thống về cho chồng, con, người thân cùng thưởng thức.

Giữa xứ “cờ hoa” nhớ thương tô phở Việt - Anh 2

Có lẽ chuyện nấu phở với nhiều người không mấy khó khăn bởi thời nay thế giới phẳng, công thức nấu nướng hầu như chỉ cần tra trên mạng là có đủ, thế nhưng để nồi phở của mình khác biệt so với anh chàng Hàn Quốc kia tôi phải có bí quyết riêng và tuyệt chiêu này chính là cách nấu nước dùng làm sao cho ngọt từ thịt nhưng nước phải trong, mà điều này chính mẹ của tôi đã dặn nhiều lần khi ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần tôi vào bếp phụ nấu ăn, cứ được bà nhắc đi nhắc lại. Và cái khoảnh khắc những người bạn Mỹ đưa muỗng nước dùng lên môi, xuýt xoa húp từng ngụm rồi hô lớn lên “Trời ơi, tuyệt quá, vị phở Việt Nam đỉnh của đỉnh đây rồi”, sau đó nhìn nhau và giơ ngón tay cái lên liên tục, tỏ ý khen tôi nức nở. Tôi - một bà nội trợ chỉ biết vội quay mặt đi, cố không để họ thấy những giọt nước mắt sung sướng vì tự hào của mình đang chảy, thầm nói “Quê hương ơi, con xin được cảm ơn vì tất cả, vì ân tình sâu nặng mấy mươi năm nuôi dưỡng con, và cả món phở mà người nước ngoài kia tấm tắc khen mãi!”.

Đêm hôm đó, tôi cứ mãi trằn trọc không ngủ được, bèn hỏi chồng mình “Vị Việt Nam như lời anh Thomas nói là vị gì vậy anh?”. Chồng tôi cũng không thể dùng ngôn từ để lý giải rõ cho tôi hiểu được, chỉ nói nôm na có lẽ đó là cái hồn, cái tâm mà chỉ người Việt chính hiệu mới “nêm” được vào món ăn truyền thống của dân tộc mình. Những ngày sau, tôi cùng chồng lên ý định mở một quán ăn bán toàn món Việt, và món đặc biệt không thể thiếu trong thực đơn của chúng tôi chắc chắn là phở Việt. Trước đó hai chúng tôi đã cùng nhau đi nhiều quán có bán món ăn Việt Nam, tận mặt gặp những ông bà chủ là người Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… và họ bán món Việt như một thứ để phong phú thêm cho thực đơn nhà hàng của họ. Ở đấy các món Việt đã bị họ làm “biến dạng” (từ gia vị cho đến nguyên liệu có ít nhiều có sự thay đổi) như tôi gọi là không còn “đúng chuẩn”. Tôi đã đến, ăn và tìm hiểu để biết họ (không phải là người Việt) đang bán món gì của nước mình, từ đây làm lại thực đơn gồm những thứ liên quan tới món Việt họ bán và điều đương nhiên những món này tôi sẽ giữ nguyên cách chế biến, nguyên liệu, trang trí… đều thuần mùi vị, kiểu cách của người Việt mình. Với quyết tâm và tình yêu cao dành cho những món ăn Việt Nam, vậy là nhà hàng Faifo (địa chỉ: 5055 W. 72nd Ave. Unit Westminster, CO. 80030) của vợ chồng tôi ra đời với sự ủng hộ rất nhiệt tình từ những người hàng xóm đã bị tôi chinh phục bằng món phở Việt Nam ngày hôm đó.

Ngày khai trương quán, tôi không thể tin vào mắt mình khi quán không còn một chỗ trống và cái từ mà những nhân viên phục vụ (người Mỹ gốc Mêxicô) liên tục vào gian bếp hô vang lên với cái giọng lơ lớ: Phơ, phơ, phơ… khiến tôi mắc cười nhưng cố kiềm lại, và những ngày hôm sau tôi đã bỏ ra cả buổi sáng để giúp họ phát âm đúng từ: “phở”, “phở”, “phở Việt Nam”. Đến nay quán đã mở hơn được nửa năm và công việc kinh doanh của vợ chồng tôi vẫn đang phát triển tốt, đáng mừng hơn là tô phở Việt Nam đã trở thành thương hiệu mà bất cứ thực khách nào đến quán cũng gọi để thưởng thức. Những ngày này tôi vô cùng bận rộn với việc kinh doanh của quán, cũng như dành toàn thời gian để chăm sóc cho cô con gái nhỏ mới hơn một tuổi nhưng khi nghe người bạn học chung lớp với mình (giờ đang công tác tại báo Văn Hóa) gợi ý tôi dành thời gian chia sẻ về những cảm xúc của một chủ quán, khởi nghiệp bằng món phở quê hương, tôi đã nhận lời ngay. Bởi với tôi quê hương mình không chỉ có phở nhưng chính phở đã giúp ẩm thực nước nhà ghi điểm tuyệt đối với bạn bè quốc tế không chỉ trên xứ sở cờ hoa này mà còn nhiều nơi khác trên thế giới. Chúng tôi - những người con xa quê, xúc động lắm khi đang bôn ba tại một phương trời xa lạ, ở nơi bất đồng ngôn ngữ, đâu đó lại nghe được những từ ngữ thân thương (dù lơ lớ) như: “Việt Nam”, “áo dài”, “nón lá” và… “phở”, trái tim bỗng dạt dào rung động nhớ Tổ quốc, quê hương thân yêu da diết!

Nguyễn Thị Quỳnh

 (bang Colorado, Hoa Ky)

Ý kiến bạn đọc