Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Đến Chile, gặp bếp trưởng Marc

Thứ Năm 01/03/2018 | 14:53 GMT+7

Marc Mateu-Alsina là một trong những đầu bếp hàng đầu của Chile, dù anh mới 40 tuổi và không phải người Chile.

Đến Chile, gặp bếp trưởng Marc - ảnh 1

Marc Mateu-Alsina là một trong những đầu bếp hàng đầu nổi tiếng của Chile

Santiago, thủ đô của Chile, ở Nam Mỹ nhưng có dáng vẻ vừa hiện đại vừa cổ kính như các thành phố thuộc địa của người Âu trên khắp thế giới.

Nó gợi nhớ đến thành phố Đà Nẵng quê tôi, mà người Pháp đặt tên là Touraine. Tất nhiên Chile là thuộc địa của người Tây Ban Nha.

Người đầu tiên mà tôi nói chuyện và cùng ăn bữa trưa muộn lúc 3 giờ chiều ngay tại khách sạn 5 sao Cumbres Lastarria & Vitacura là bếp trưởng Marc Mateu-Alsina, một người Tây Ban Nha ở Barcelona.

Nhưng anh không nói anh là người Tây Ban Nha mà luôn miệng nói mình là người Catalan. “Cũng như người Việt Nam các ông, tôi là người Catalan, và đối với tôi: không có gì quý hơn độc lập, ” Marc Mateu-Alsina nói khi tôi hỏi anh về Catalan và đội bóng Barcelona, thành phố nơi anh sinh ra.

Có thể nói Marc Mateu-Alsina là một trong những đầu bếp hàng đầu của Chile, mặc dù anh là người nước ngoài (ở Chile) và mới 40 tuổi.

“Hàng đầu” vì anh đã là bếp trưởng tại châu Âu như Pháp, Thụy sĩ, Tây Ban Nha và từ các khách sạn nổi danh thế giới như Ritz Carlton.

“Tôi có thể nói nhiều ngôn ngữ như Tây Ban Nha, Đức, Anh, Pháp , Castilian (ngôn ngữ của người Chile) và Catalan, tất nhiên vì đây là tiếng mẹ đẻ của tôi…,”Marc nói.

Tôi đã gặp nhiều đầu bếp người Việt nổi tiếng ở Việt Nam và thỉnh thoảng ở nước ngoài như anh Đức ở nhà hàng DucBistro ở Hawaii, nhưng tôi không thấy ở họ “tinh thần doanh nghiệp” hay phong cách của nhà quản lý như Marc.

Marc nói: “Năm 2012 tôi đã đầu tư xây dựng nhà hàng La Boqueria ở Santiago, theo kiểu đặc trưng Barcelona, quê tôi, với hơn 30 người làm việc và doanh thu hàng năm trên 1,5 triệu Euros”.

Chị Susana Gonzalez, một nhà báo ẩm thực ở Chile, sau đó có viết cho tôi: “Tôi biết Marc là đầu bếp số 1 ở Chile và Tây Ban Nha, nhưng tôi càng ngạc nhiên hơn vì anh là ông chủ của hầu hết các nhà hàng đẳng cấp nhất ở thủ đô Santiago.”

Hiện vợ Marc trông coi công việc kinh doanh của gia đình. Còn Marc tập trung vào khách sạn Cumbes Lastarria &Vitacura này.

”Tôi cảm thấy khách sạn là tương lai của mình,”Marc nói. Khách sạn Cumbres Lastarria& Vitacura, thuộc loại boutique với chừng 70 phòng nằm trong khu phố đi bộ yên tĩnh, gần gũi với Bảo Tàng Nghệ Thuật quốc gia nằm ngay bên cạnh.

Đến Chile, gặp bếp trưởng Marc - ảnh 2

Cumbres Lastarria& Vitacura, thuộc loại boutique với chừng 70 phòng nằm trong khu phố đi bộ yên tĩnh.

 Trong khi ăn trưa, Marc không quên giới thiệu từng món đặc biệt của nhà hàng duy nhất bên trong khách sạn.

Thường nhà hàng trong khách sạn 5 sao rất đắt, nhưng ở đây tôi thấy giá không “bay bổng” lắm. Buổi trưa hôm sau chúng tôi tự trả tiền để ăn một bữa trưa với giá khoảng 20 USD cho một người.

Raymond Trần Huy Hiền, giám đốc công ty Daso Logistics, đi cùng tôi trong chuyến hành trình Nam Mỹ, nói anh thật hài lòng với bữa trưa thịt cừu và rượu vang đỏ Carmenere đặc trưng mùi vị Chile mùa nho năm 2014 của Indomita.

Tôi hỏi: “Anh thấy khách sạn có cơ hội phát triển lớn không?”

“ Cơ hội rất nhiều vì khách mỗi ngày một đông. Ông biết đấy, Chile là xứ trồng nho và làm rượu vang. Vì vậy khách sạn cũng xoay quanh văn hóa… vang. Nhưng cơ hội lớn hơn là chính sách của chính phủ Chile muốn xây dựng một ngành du lịch rượu vang bài bản. Hệ thống khách sạn ở Chile cũng nằm trong chuỗi cung (supply chain) của ngành du lịch vang,” Marc nói thêm.

“Ngoài công việc quản lý nhà hàng anh có tham gia đào tạo đầu bếp trẻ không?” Tôi hỏi.

Marc nói mà không cần một giây suy nghĩ:” Đó là công việc yêu thích của một người bước vào tuổi 40 như tôi,” –“Anh còn trẻ mà?”.- “Tôi đã chín muồi đủ để dạy cho lớp trẻ, vì ông biết đấy, nghề nấu bếp là thực hành, nhưng những ai có lý thuyết bài bản, sẽ nổi lên như bậc thầy.” Anh đã học trường dạy nấu ăn 4 năm.

Tôi hỏi có sự khác biệt nào giữa kiến thức trong nhà trường và thực tiễn? Marc suy nghĩ rồi nói: “Không có gì khác, ít nhất đối với trường hợp của tôi. Các món ăn và công thức vẫn thế. Nhưng nếu có sự khác nhau thì đó chính là kinh nghiệm.”Tôi thích câu trả lời này của Marc.

'Kinh nghiệm là do tích lũy từ thời gian, như người kinh doanh tích tụ vốn vậy, đúng không?' –“Vâng đúng như vậy. Vốn chứ không phải của cải. Kinh nghiệm đó là vốn liếng, là tư bản mà thời gian trao tặng cho người biết tích tụ. Khách sạn Cumbres này là trường đại học tiếp theo của tôi.Thầy dạy là thực khách và những người đồng nghiệp. Tôi dạy họ và họ dạy cho tôi theo cách mà tôi rút ra bài học từ họ.” Marc nói tiếp.

Marc đã có 20 năm làm nghề đầu bếp trong đó một nửa thời gian làm quản lý, nhưng hiện nay anh vẫn dành thời gian tự mình nấu các món ăn cho các con anh vào ngày nghỉ.-

“Vậy tại sao anh thích chọn nghề này, ai dạy anh?”

“ Bà tôi đã dạy và truyền cho tôi tình yêu với các món ăn. Hồi nhỏ tôi cũng mơ thành cầu thủ trong đội bóng đá Barcelona lừng danh, và thực tế tôi đã có cơ hội vào đội trẻ, nhưng tôi bỏ tất cả vì thích nấu ăn.Bà tôi nói không gì vui hơn được nấu những món ngon nhất cho người thân. Nhưng sau khi học 4 năm ở trường cao đẳng tôi thấy hạnh phúc lớn hơn là làm đại diện cho một nền văn hóa ẩm thực.”

“Anh đã làm việc tại nhiều nước, nơi nào anh thích nhất?” “

-Bây giờ ở đây, khách sạn Cumbres Lastarria&Vitacura, nhưng trước đó, tôi thích nhà hàng Catalan ở Paris.” –“Tại sao?” tôi hỏi. “Vì như tôi nói, nấu ăn còn là đại diện văn hóa, nên tôi tự hào truyền bá văn hóa Catalan qua ẩm thực. Tại nhà hàng đó, chúng tôi còn góp phần tranh đấu độc lập cho xứ Catalan.”

Marc nói:”Tôi rất thích Việt Nam vì Việt Nam từng phải đấu tranh để có độc lập. Tôi đã lên kế hoạch đến Việt Nam để du lịch hoặc hợp tác cùng một trường du lịch dạy nấu các món Nam Mỹ hay món Âu cũng như nếm thử vang. Hơn nữa vợ tôi là người Chile, mà Chile cùng chia sẻ biển Thái Bình Dương với Việt Nam. Thật tuyệt vời. Những người sống gần biển thường phóng khoáng vì biển cho họ sự giàu có.”

Nghe Marc nói tôi chợt chùng xuống, vì chúng ta chưa giàu mà biển đã có nguy cơ … cạn kiệt. Rất may, hương thơm của thức ăn châu Âu do tự tay Marc nấu, pha trộn mùi tiêu đen, lẩn mùi bánh mì nướng và gỗ sồi của vang đỏ Carménere đã làm tan nhanh nỗi ngậm ngùi chợt đến

NHÀ BÁO TRẦN NGỌC CHÂU 

nguồn Forbes Vietnam​

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top