Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Nghệ nhân ẩm thực Lê Thị Thiết: " Chúng tôi sẽ tìm lại những món ăn dân gian đã bị mai một"

Chủ Nhật 20/03/2022 | 15:38 GMT+7

Trò chuyện với nghệ nhân Lê Thị Thiết – Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định (NDCCA) về chủ đề ẩm thực, lúc nào chị cũng hào hứng, say sưa trkhiến chúng tôi cứ bị cuốn theo. Ẩm thực với chị không chỉ là công việc mà còn là cơ duyên, niềm đam mê và trăn trở. Và khi đã trăn trở có nghĩa là phải có khát vọng để nó được vươn xa. Bởi vậy, Hành trình “khảo sát xây dựng di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu 5 tỉnh phía Bắc” sắp được diễn ra vào ngày 25.3.2022 tại Nam Định sẽ là khởi động cho quá trình dài hơi đó.

Nghệ nhân Lê Thị Thiết trình bày mâm cỗ xuân Thành Nam

PV: Thưa chị, với vai trò là đơn vị đầu mối tổ chức Hành trình khảo sát xây dựng di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu 5 tỉnh phía Bắc tới đây, chị có thể cho biết “hành trình” đang được triển khai như thế nào?

Nghệ nhân Lê Thị Thiết: Trước tiên, Hành trình khảo sát xây dựng di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu 5 tỉnh phía Bắc là một trong những dự án của Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) trong 3 năm tới để có thể định chuẩn, sơ lược tìm kiếm trong dân gian những món ăn sớm bị mai một để bảo tồn, phát triển. Đây cũng là tâm huyết của nghệ nhân dân gian các vùng miền, muốn gìn giữ trao truyền cho thế hệ trẻ để không bị thất truyền. Đặc biệt, đối với các địa phương đang đẩy mạnh phát triển du lịch thì không thể thiếu được ẩm thực, chính ẩm thực mới là yếu tố để du khách nhớ địa danh nhiều hơn. Chính vì lẽ đó mà cá nhân tôi cũng như các thành viên trong Ban nghệ nhân cùng VCCA thực hiện chương trình kết nối này.

Đề án này vốn dĩ đã được ấp ủ từ lâu, thế nhưng, do tình hình dịch bệnh Covid -19 kéo dài mà bị gián đoạn. Chính vì vậy, khi có thông tin mở cửa hoàn toàn du lịch, chúng tôi đã nhanh chóng tiếp tục triển khai để kết nối vùng miền, trước tiên là 5 tỉnh phía Bắc, từ đó để phát triển và ghi danh món ăn của từng vùng.

Cũng bởi lẽ bị gián đoạn quá lâu, thế nên, tôi đang háo hức mong chờ “hội tụ” cùng các nghệ nhân để cùng nhau trao đổi, tìm kiếm, góp phần gìn gữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Về phía NDCCA, hiện tại các thành viên cũng đang hoàn tất các công việc, chuẩn bị các món ăn cho hành trình sắp tới.

Nghệ nhân Lê Thị Thiết mong muốn thông qua hành trình khảo sát ẩm thực 5 tỉnh sẽ tìm lại được những món ăn dân gian bị mai một

PV: Trong hành trình này, các tiêu chí dành cho món ăn được lựa chọn là như thế nào?

Nghệ nhân Lê Thị Thiết: Trước hết, nó sẽ phải đảm bảo các yếu tố: Ngon - Lành - Đặc sắc. Sau đó, Ban định chuẩn, Ban nghệ nhân của VCCA cùng các nhà nghiên cứu, các chuyên gia ẩm thực vùng miền, địa phương sẽ cùng nhau đóng góp đánh giá.

Đặc biệt, tiêu chí để lựa chọn món ăn còn bao gồm các giá trị về lịch sử, văn hóa, dinh dưỡng, tính phổ biến với cộng đồng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mời các doanh nghiệp đồng hành cùng khảo sát sơ bộ vùng nguyên liệu, khả năng cung ứng các sản phẩm của địa phương và có hiệu quả cho kinh tế hay không. Giá trị cốt lõi ở mỗi món ăn mà chúng tôi hướng đến chính là khả năng tạo lập chuỗi giá trị liên kết cho sản phẩm để cùng nhau phát triển…. Qua các giai đoạn đánh giá phải nói kì công, khắt khe trên mới đưa ra danh sách tiêu biểu. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa ẩm thực Việt Nam, tạo lập hình ảnh ấn tượng, đặc sắc thuần Việt để thu hút du khách trong và ngoài nước.

PV: Được biết, Nam Định sẽ là “điểm dừng chân” đầu tiên của Hành trình này. Với tư cách là chuyên gia ẩm thực, Chủ tịch NDCCA; chị có thể bật mí một số món ăn mà Hiệp hội mình sẽ giới thiệu hoặc những món mới khiến mọi người “trầm trồ” hay gây bất ngờ?

Nghệ nhân Lê Thị Thiết: (cười lớn…) Tất nhiên là tôi sẽ có… Xin bật mí một chút trước nhé, còn lại phải bất ngờ mới thú vị. Đặc trưng của vùng đồng bằng sông Hồng đã tạo cho Nam Định kho tàng ẩm thực đặc sắc… Hiện tại, tôi đang lên kế hoạch cùng Sở VHTTDL tỉnh và NDCCA đề xuất về kế hoạch quảng bá, tôn vinh các ẩm thực đã được ghi danh như phở Nam Định, kẹo Sìu Châu hay cá đốt rơm, cá vùi trấu… Đây là những món hầu như mọi người đều quen thuộc, luôn gây thương nhớ và tạo nên thương hiệu. Bên cạnh đó, có những món đặc sắc như bánh mỳ Ba Lan - ẩm thực Nam Định tự hào bởi được đất nước Ba Lan dành tặng riêng xưởng làm bánh mỳ - đây là thứ bánh đã ăn sâu vào tiềm thức và hoài niệm của nhiều người con Nam Định. Thế nhưng, ngày nay món ẩm thực này cũng mai một dần, để sản phẩm này “lên kệ” siêu thị hay phát triển nữa thì chưa có… Hơn nữa, tôi cũng đang trăn trở với thức muối Nam Định. Dịp này, tôi sẽ đề xuất đẩy mạnh giới thiệu quảng bá về muối diêm dân độc đáo của Nam Định bởi muối phơi và kết tinh trên cát không phải nơi nào cũng có được. Loại muối này chứa nhiều vi chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể; thế nên phải làm thế nào để liên kết giữ được nghề muối truyền thống, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm cũng như cuộc sống của người diêm dân bởi công việc làm muối chất chứa bao nhọc nhằn, vất vả.

Đối với nghệ nhân ẩm thực như tôi thì phải nói là muối thật sự giữ vai trò quan trọng trong ẩm thực của Nam Định nói riêng, ẩm thực Việt Nam nói chung; giữ gìn và phát triển nghề muối cũng chính là phát triển gia vị trong ẩm thực, góp phần nâng tầm hương vị  trong văn hóa ẩm thực đa dạng, đậm đà, thơm ngon, tròn vị, khó quên.

Nghệ nhân LêThị Thiết luôn trăn trở với "thức muối Nam Định"- món ẩm thực riêng có ở vùng đất này

PV: Với rất nhiều nỗi niềm cũng như kế hoạch ấp ủ dành riêng cho ẩm thực thành Nam. Vậy, chị có thể cho biết mong ước cũng như kỳ vọng của chị với Hành trình khảo sát xây dựng di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu 5 tỉnh phía Bắc được diễn ra tới đây?

Nghệ nhân Lê Thị Thiết: Đối với cá nhân tôi nói riêng cũng như Ban nghệ nhân VCCA nói chung mong muốn được gắn kết, kết nối cùng các địa phương tạo lập các sản phẩm văn hóa ẩm thực đặc trưng để giao thương ẩm thực - du lịch, tạo chuỗi liên kết cùng nhau phát triển, để mọi người “theo nhau tìm về”.  

Đặc biệt, với riêng Nam Định có bề dày di sản, thì cũng cần cho họ biết văn hóa ẩm thực, ẩm thực dân gian người Nam Định. Tôi cũng mong muốn chính quyền địa phương, các Sở, ban ngành chức năng cùng tổ chức cá nhân, những người gìn giữ ẩm thực Nam Định sẽ khôi phục món ăn để đưa ẩm thực thành Nam trở thành trung tâm vùng, đưa khách du lịch về với Nam Định, về với Đồng bằng sông Hồng nhiều hơn. Đây cũng là cung đường liên kết với nhau để quảng bá cho các nhà đầu tư thấy tiềm năng tạo thành chuỗi cung ứng khép kín giữa ẩm thực - du lịch cùng nhau phát triển, lan tỏa tới các vùng miền khác trong cả nước. Đặc biệt, giai đoạn mở cửa du lịch như hiện nay chính là thời cơ để xây dựng sản phẩm văn hóa ẩm thực - du lịch. Và, sự kết nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng để sản phẩm này tự tin vươn ra thế giới.

“Muốn đi xa thì đi cùng nhau” - khát vọng của tôi chính là muốn vươn xa cùng những nội lực sẵn có trên quê hương, đất nước mình - đó cũng chính là khơi dậy và yêu thêm văn hóa giàu truyền thống Việt Nam.

Xin được trân trọng cảm ơn chị!

HẠNH VÕ (thực hiện)

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top