Hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh”: Để Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là khẩu hiệu

VH- Ngày mai 18.9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội), Báo Văn Hóa và Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh sẽ phối hợp tổ chức hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh”.

Đây là lần thứ hai hội thảo có chủ đề mang tính thời sự này được hai đơn vị phối hợp tổ chức, thu hút sự tham gia của nhiều nhà quản lý, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp... để cùng bàn thảo những câu chuyện thiết thực, sát sườn về vấn đề văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh.

Hội thảo cùng chủ đề nêu trên đã được Văn Hóa, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp tổ chức lần đầu tiên vào tháng 12.2017. Tại đây, nhiều vấn đề đã được thẳng thắn đề cập, thảo luận, phân tích đã làm sâu sắc thêm tầm quan trọng cũng như những giải pháp để xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh trong tình hình mới.

Hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh”: Để Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là khẩu hiệu - Anh 1

 Một chuyên gia nước ngoài trình bày tham luận tại cuộc hội thảo, năm 2017

Đây là sự sống còn của doanh nghiệp

Cũng trong hội thảo năm 2017, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ khẳng định: Văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh chính là chìa khoá mang lại thành công cho doanh nghiệp.

“Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định lấy ngày 10.11 hằng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Tại lễ công bố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu những nội dung quan trọng về xây dựng văn hóa doanh nghiệp như: Xây dựng và phát triển nền tảng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam gắn với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy tích cực, đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh; làm lành mạnh môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật...”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ lưu ý trong phát biểu của mình.

Đại diện đơn vị chủ trì hội thảo, bà Chu Thị Thu Hằng, Tổng Biên tập Báo Văn Hóa cũng nhấn mạnh, văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh đang trở thành nhân tố tác động mọi khía cạnh, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Câu chuyện đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp ngày càng có ý nghĩa thời sự khi thực tế liên tiếp xảy ra những scandal khiến dư luận bức xúc. Điều này cũng cho thấy, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay không phải là câu nói cửa miệng để khoe mẽ mà luôn gắn liền với lợi nhuận, triết lý kinh doanh, là sự sống còn và phát triển của mỗi doanh nghiệp…

Cũng tại hội thảo nói trên, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, nhiều ý kiến của các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp đã thẳng thắn chỉ rõ thực trạng không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp; vì đồng tiền mà đánh cược cả niềm tin đang dần cạn kiệt từ phía khách hàng. Theo chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, ẩn sâu trong vấn đề văn hóa, đạo đức kinh doanh là triết lý thị trường, triết lý phát triển của các doanh nghiệp và triết lý về cuộc sống. Với ý nghĩa này, chữ doanh nhân và doanh nghiệp sẽ được viết đúng nghĩa là văn hóa, đạo lý, đạo đức trong cách làm ăn.

Sự đổ bể của những doanh nghiệp từng là thương hiệu đình đám trên thị trường được đưa ra làm minh chứng để một lần nữa khẳng định sự cần thiết sống còn của văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh”: Để Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là khẩu hiệu - Anh 2

Toàn cảnh hội thảo

Làm sao để Văn hóa doanh nghiệp phát huy trong hoạt động của mình?

Ở khía cạnh này, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, trong quá trình xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp đưa ra những cam kết và phải thực hiện đầy đủ các cam kết đó. Đó là những cam kết có trách nhiệm, dựa trên những mong ước của khách hàng. Tuy nhiên, thực tế lại có không ít doanh nghiệp đưa ra cam kết không dựa trên mong muốn, lợi ích cộng đồng, thực chất là chỉ dựa trên lợi ích cá nhân của doanh nghiệp. Đó là tác nhân ảnh hưởng đến sự bền vững của mỗi thương hiệu.

Tiếp nối mạch vấn đề mang nhiều giá trị thực tiễn, nhằm tiếp tục làm rõ và đưa ra những giải pháp thiết thực, hội thảo về chủ đề “Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh” năm nay tiếp tục được Văn Hóa phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức. Hội thảo mong muốn sẽ tạo thêm một diễn đàn nóng bỏng, quy tụ những tiếng nói có trọng lượng, uy tín nhằm đóng góp những ý kiến, đưa ra nhiều góc nhìn thiết thực về vấn đề thời sự luôn được xã hội quan tâm: Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh.

Hội thảo sẽ tiếp tục phân tích, đánh giá, thảo luận về chủ đề có nội hàm rộng nói trên, thông qua những nội dung thiết thực và có ý nghĩa sát sườn đối với đời sống xã hội nói chung và với sự tồn tại, phát triển của các doanh nghiệp nói riêng như: Làm sao để Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là khẩu hiệu? Đạo đức kinh doanh củng cố và gia tăng uy tín cho thương hiệu doanh nghiệp...

Với sự tham gia của nhiều chuyên gia uy tín, nhiều doanh nhân thành đạt, Hội thảo sẽ tiếp nối mạch vấn đề cũ nhưng cũng đồng thời đưa ra nhiều nội dung mới mẻ, góc tiếp cận phù hợp bối cảnh cuộc sống đương đại. Các diễn giả sẽ trình bày tại đây những tham luận, ý kiến có giá trị thực tiễn cao như: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo sức mạnh cạnh tranh doanh nghiệp trong thời kỳ 4.0; Xây dựng văn hóa tại các doanh nghiệp Thuỵ Điển và những tác động đến phát triển doanh nghiệp; Những bất cập của văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập - nguyên nhân và giải pháp; Đánh bóng thương hiệu một cách chuyên nghiệp và thực chất - Tuân thủ và ứng xử đàng hoàng với pháp luật; Tương quan giữa đạo đức kinh doanh và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay; Đạo đức kinh doanh củng cố và gia tăng uy tín cho thương hiệu doanh nghiệp... 

 MỘC AN; ảnh: TR HUẤN

Ý kiến bạn đọc