Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

“Bánh vẽ” triệu đô và sự lãng phí tài nguyên du lịch(Bài cuối) : Phải có quy hoạch tổng thể

Thứ Sáu 28/09/2018 | 09:43 GMT+7

VH-  Trước thực trạng hàng loạt dự án triệu đô vẫn “đắp chiếu” trong nhiều năm, gây lãng phí lớn về tài nguyên du lịch, các chuyên gia đã chỉ ra rằng trước tiên mỗi địa phương phải xác định được thế mạnh của mình để xây dựng chiến lược riêng rồi chiến lược chung phù hợp với đặc điểm và các điều kiện sẵn có.

 Muốn phát triển các địa phương phải quy hoạch làm sao hướng đến kinh doanh dịch vụ du lịch chất lượng cao Ảnh: LÊ XUÂN

 Chỉ khi lên được quy hoạch tổng thể rồi lựa chọn được nhà đầu tư hợp lý cho mỗi vùng, mỗi tỉnh, bỏ cung cách mỗi địa phương làm một kiểu như hiện nay thì bài toán nan giải trên mới được giải quyết. Ở đây có thể nêu một ví dụ cụ thể như sau. Theo quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt, TP Nha Trang - Khánh Hòa phải dành phần lớn không gian bờ biển để phục vụ cộng đồng, phía đông đường Trần Phú không được xây dựng công trình cao tầng, còn phía tây không xây quá 40 tầng. Tuy nhiên, có thời gian UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép hàng loạt cho những nhà đầu tư xây cao ốc, trung tâm thương mại lên đến 65 tầng, lấn hàng nghìn mét vuông danh thắng vịnh Nha Trang. Lý do mà lãnh đạo UBND tỉnh này biện minh cho việc phá vỡ quy hoạch là để phát triển kinh tế.

Về vấn đề này, theo tiến sĩ Trần Du Lịch, người từng đứng đầu nhóm tư vấn hợp tác phát triển miền Trung thì bài toán phát triển kinh tế không đơn thuần là cấp dự án, có càng nhiều nhà cao tầng càng tốt. Hiện nay xu hướng dịch vụ du lịch trên thế giới không cần số lượng, họ đòi hỏi rất cao về chất lượng. Nôm na là bỏ tư duy ăn xổi, du lịch giá rẻ. Vì vậy, nếu muốn có một ngành du lịch chất lượng ta phải có những định hướng và quy hoạch rõ ràng. Cũng theo vị tiến sĩ này, các tỉnh duyên hải miền Trung cần ít nhất một lần ngồi lại với nhau để bàn về quy hoạch kiến trúc chung ngành du lịch. “Cái quan trọng nhất mà mỗi tỉnh ở duyên hải miền Trung phải nhìn thấy đâu là thế mạnh của tỉnh mình. Từ đó mới có thể tập trung vào quy hoạch cụ thể, chú trọng đầu tư vào thế mạnh ấy. Như Khánh Hòa chắc chắn là nghỉ dưỡng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam thuộc nhóm du lịch tâm linh, đồng quê, trong khi Ninh Thuận nghiêng về khám phá... Khi xác định được thế mạnh, rất dễ để quy hoạch tổng thể và lựa chọn nhà đầu tư hợp lý cho mỗi vùng, mỗi tỉnh riêng lẻ”, TS Trần Du Lịch nêu quan điểm.

Còn ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Lửa Việt Tour thẳng thắn nhìn nhận, tại nhiều địa phương việc quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên du lịch biển đảo chưa hiệu quả, còn nhiều bất cập. “Các dự án dọc biển miền Trung “treo” hàng chục năm trước hết là trách nhiệm của chính quyền địa phương, sau đó mới là lỗi của doanh nghiệp. Phía địa phương đã lỏng lẻo trong việc quản lý nên doanh nghiệp mới “cò cưa” như vậy, thậm chí có đơn vị còn biến đất công thành đất tư. “Tôi nhớ trước đây ở Nha Trang có chuyện nhân viên bảo vệ resort không cho khách vãng lai đi dạo vào khu bờ biển, cũng như tắm biển ở khu vực resort này. Tôi hoàn toàn không đồng tình bởi ở các nước trên thế giới, chủ resort chỉ có quyền quản lý khu đất mà họ được quyền sử dụng, chứ bãi biển cùng khu biển phía ngoài là thuộc quyền sở hữu của toàn dân, không có chuyện “khoanh vùng” rồi đơn vị hay cá nhân nào “giành địa phận”. Cái này tự nhiên thành lệ xấu”.

Còn KTS Huỳnh Quang, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế nói rằng, không phải cứ quy hoạch là đúng ngay và đúng hết. Trong quá trình phát triển của vùng đất đó phải có những điều chỉnh cho phù hợp. Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc) đã được quy hoạch từ rất lâu, trong đó khu vực Lăng Cô gần như dành để phát triển về du lịch biển. Tuy nhiên, đã sau rất nhiều năm khu vực này đã không phát triển đúng hướng, do đó cần xem xét, nhìn nhận lại vấn đề quy hoạch ở khu này. “Nên đánh giá lại quy hoạch của vùng Chân Mây - Lăng Cô một cách kỹ càng từ các chuyên gia cũng như nhà quản lý, rồi đưa ra những giải pháp cụ thể. Nếu như chỉ nhìn cục bộ một vài dự án nhỏ đang bỏ dở để tìm giải pháp thì không ăn thua mà phải nhìn trên bình diện lâu dài. Đồng thời lãnh đạo địa phương cũng phải có chiến lược cụ thể để khởi động lại cho vùng đất này. Không cần có quá nhiều nhà đầu tư, nhưng phải tìm nhà đầu tư thực sự có nguồn lực, để tạo ra “điểm tựa” cho các dự án khác xung quanh đó khởi động”, KTS Quang nói.

KTS Huỳnh Quang cũng nhìn nhận, trong nhiều dự án du lịch ven biển hiện nay, định hướng của nhà đầu tư không phù hợp với thực tế nên rất khó phát triển. Chẳng hạn như người ta khai thác biển với các vẻ đẹp tự nhiên, một bãi cát dài trên dải thực vật xanh và đẹp rất hài hòa với thiên nhiên thì vẫn có một số dự án “áp đặt” bằng cách san bằng hết vùng ven biển, tạo ra độ “chênh” nên khó phù hợp để phát triển. Ngoài ra, khi quy hoạch vùng du lịch dịch vụ biển cần phải chú ý đến không gian mở, để tạo ra sự giao thoa hài hòa giữa khách du lịch và cộng đồng cư dân địa phương.

Như thế để có lời giải cho bài toán về việc lãng phí tài nguyên du lịch do các “bánh vẽ” triệu đô vẫn nằm trên giấy, bên cạnh việc vạch ra quy hoạch vùng, còn cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương để rà soát lại các dự án và tìm ra các nhà đầu tư phù hợp, tránh để cảnh đất “vàng” bị bỏ phí.

 ​Cái quan trọng nhất mà mỗi tỉnh ở duyên hải miền Trung phải nhìn thấy đâu là thế mạnh của tỉnh mình. Từ đó mới có thể tập trung vào quy hoạch cụ thể, chú trọng đầu tư vào thế mạnh ấy. Như Khánh Hòa chắc chắn là nghỉ dưỡng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam thuộc nhóm du lịch tâm linh, đồng quê, trong khi Ninh Thuận nghiêng về khám phá... Khi xác định được thế mạnh, rất dễ để quy hoạch tổng thể và lựa chọn nhà đầu tư hợp lý cho mỗi vùng, mỗi tỉnh riêng lẻ.

(TS Trần Du Lịch)

 

Nhóm PHÓNG VIÊN

 

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top