Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Chỉ đạo nghệ thuật sân khấu: Không khéo sẽ…“gieo vừng ra ngô”

Thứ Hai 01/10/2018 | 09:53 GMT+7

VH- “Vai trò chỉ đạo nghệ thuật ở các Nhà hát Hà Nội hiện nay” vừa được đưa ra “mổ xẻ” nhằm làm rõ trách nhiệm của người chỉ đạo nghệ thuật ở các nhà hát Thủ đô hiện nay đang ở đâu khi nó ngày càng đánh mất vị trí trong công chúng.

Bàn về vai trò của người chỉ đạo nghệ thuật, lại một lần nữa những người đang ở vai trò này tại các nhà hát ở Thủ đô đều vắng bóng tại hội thảo…

 Một vở diễn của Nhà hát Kịch Hà Nội

Khi chỉ đạo nghệ thuật có cũng như không?

Đây không phải là lần đầu lãnh đạo nhà hát và chỉ đạo nghệ thuật “quay lưng” lại với hội nghề nghiệp. Có lẽ vì vậy mà NSND Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội phải khẳng định, “dù sao với trách nhiệm là một Hội nghề nghiệp là tạo dựng mọi giá trị của những người hoạt động sân khấu nên chúng tôi tổ chức hội thảo vì thấy nó rất cần thiết…”.

Để một nhà hát tồn tại và có nhiều vở diễn hay thì vai trò chỉ đạo nghệ thuật rất quan trọng và cần thiết. Người chỉ đạo nghệ thuật trước hết phải là người giỏi về trình độ, đặc biệt là trình độ nghệ thuật, tạo phong cách của một nhà hát và phải có nghề, hiểu nghề, có mối quan hệ sâu sắc với những người như tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ để nhà hát phong phú về vở diễn và rất Hà Nội. Hiện nay bộ máy nhân sự của các nhà hát vẫn diễn ra tình trạng, cứ là giám đốc, hay đoàn trưởng là chỉ đạo nghệ thuật. Tại các nhà hát, người lãnh đạo đơn vị, có khi chuyên môn khác vẫn kiêm luôn vai trò chỉ đạo nghệ thuật.

NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cho biết, sân khấu của chúng ta hiện đang có một vấn đề lớn là các nhà hát đang rất thiếu phong cách riêng, chính xác là thiếu cán bộ chỉ đạo nghệ thuật thực sự. Người chỉ đạo nghệ thuật thông thường là giám đốc các nhà hát. Về mặt chuyên môn, điều đó không đúng. Vậy nên sân khấu đang bị tình trạng “xem một đoàn biết được nhiều đoàn”. Các nhà hát chưa xác định được đâu là thế mạnh riêng của từng đơn vị nên chỉ chạy theo cái mà nơi khác đã thành công. Chủ trương đó không sai, nhất là trong tình trạng các nhà hát đang phải dùng hài kịch để lấy ngắn nuôi dài. Nhưng chỉ chạy theo thị hiếu, hoặc lấy những cách chọc cười tức thời ấy làm mục tiêu thì không đúng.

PGS.TS Trần Trí Trắc thì nhận định, chỉ đạo nghệ thuật của các nhà hát ở Hà Nội là “con đẻ” của cơ chế bao cấp và là cán bộ “3 trong 1”, vừa là nghệ sĩ, chiến sĩ vừa là cán bộ quản lý. Tác giả Lê Quý Hiền cho rằng, tình trạng thiếu người chỉ đạo nghệ thuật đích thực không chỉ là hiện tượng của riêng sân khấu Thủ đô Hà Nội. Bởi lẽ, các phần giới thiệu vở diễn, bên cạnh những thành phần sáng tạo còn có thêm dòng “chỉ đạo nghệ thuật”. Họ thường là giám đốc nhà hát, có khi còn là giám đốc Sở, thậm chí có giám đốc nhà hát vốn là phụ trách tài chính mới được bổ nhiệm cũng là “chỉ đạo nghệ thuật”. Người chỉ đạo nghệ thuật như thế khó có thể đảm bảo vai trò của họ trong thực tế.

 ​ Người chỉ đạo nghệ thuật thông thường là giám đốc các nhà hát. Về mặt chuyên môn, điều đó không đúng. Vậy nên sân khấu đang bị tình trạng “xem một đoàn biết được nhiều đoàn” (NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội)

 

Chỉ đạo nghệ thuật bế tắc…

Ai cũng nhận thấy, mỗi nhà hát rất cần một phong cách riêng và để có một phong cách riêng, cần có một kịch mục tạo nên diện mạo nhà hát thì vai trò của chỉ đạo nghệ thuật rất quan trọng. Tác giả Lê Quý Hiền đưa ra thực tế, hiện nay rất ít đơn vị nghệ thuật sân khấu phía Bắc tạo được một dàn kịch mục phong phú, hấp dẫn mà chỉ là một kịch mục mang tính “ăn đong”. “Một “sân khấu quyền lực” khi mà đạo diễn trẻ không có chức quyền, ít khi được giao dàn dựng và lãnh đạo đoàn luôn là đạo diễn, đến khi hết quyền thì vai trò đạo diễn cũng hết luôn”, Lê Quý Hiền nhấn mạnh.

Việc lựa chọn kịch bản dựng vở nhiều khi dựa theo sự thân quen và đạo diễn nhận kịch bản như hình thức khoán trắng. Vở diễn như một công trình và kịch bản như bản thiết kế đã được duyệt. Phòng nghệ thuật của nhà hát như bộ phận giám sát công trình nhưng khi vở ra mắt lại khác xa kịch bản được duyệt. Khi kết cấu bị thay đổi như thế, kịch bản thiếu tính thống nhất. Đạo diễn tham gia vào kịch bản như thầy cầm tay trò viết, cuối cùng chữ chả phải của thầy mà cũng chả phải của trò. Hàng loạt những vấn đề bất cập đặt ra tạo cho vị trí chỉ đạo nghệ thuật ở các nhà hát không riêng của Thủ đô mà của cả nước, đặc biệt là khu vực đoàn công lập trở nên mờ nhạt, bế tắc.

Có rất nhiều những gợi mở để tạo dấu ấn cho vai trò chỉ đạo nghệ thuật ở các nhà hát được dẫn ra tại cuộc hội thảo lần này: Xây dựng quy chế, quy trình lựa chọn kịch bản và ê kíp sáng tạo, quy định rõ trách nhiệm của từng thành phần, trách nhiệm cá nhân giám đốc, chỉ đạo nghệ thuật của nhà hát đối với chất lượng tác phẩm; Hội đồng nghệ thuật duyệt vở cũng cần thay đổi cách đánh giá bởi không phải tác phẩm nào hội đồng thấy tốt là bán được vé, là hấp dẫn khán giả; Cần có các biện pháp quảng bá tác phẩm đến công chúng; Việc lựa chọn kịch bản và dàn dựng tác phẩm hiện nay khó có thể phó mặc cho các “chỉ đạo nghệ thuật” nếu không có thể sân khấu đặc biệt là sân khấu truyền thống sẽ rơi vào tình trạng “gieo vừng ra ngô”…

Và nói gì thì nói, sân khấu đang rất cần những chỉ đạo nghệ thuật thực sự có tài năng và tâm huyết, dám làm, dám chịu và phải thực sự nhạy bén dàn dựng ra những tác phẩm nghệ thuật không những có chất lượng mà còn phải thật sự hấp dẫn, đáp ứng được thị hiếu công chúng hôm nay. 

 TRẦN TRUNG

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top