Quảng Nam: Tạm đóng cửa cơ sở sấy cau gây ô nhiễm

Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) cho biết đơn vị đã lập biên bản xử phạt hành chính, đồng thời yêu cầu tháo dỡ cơ sở sấy cau của Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Tam Lãnh vì gây ô nhiễm khu dân cư, tự ý hoạt động khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Được biết, trước đó, người dân tại hai thôn Bồng Miêu và Trà Sung (xã Tam Lãnh) đã liên tục phản ánh tình trạng cơ sở sấy cau đặt tại thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh của HTXNN Tam Lãnh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Theo người dân thì cơ sở này có diện tích 0,5ha, vận hành theo công nghệ ủ, sấy cau bằng củi cây cao su, khói thải bay ra mù mịt, mùi khó chịu vì đốt bằng củi cao su. Nhất là vào khoảng từ sau 16 giờ chiều đến tối thì tăng công suất hoạt động nên lượng khói thải đậm đặc, nhiều hơn. Chưa kể tiếng máy sấy hoạt động cũng phát ra gây ồn.

Quảng Nam: Tạm đóng cửa cơ sở sấy cau gây ô nhiễm - ảnh 1Khói tỏa mịt mù từ cơ sở sấy cau ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân ở Tam Lãnh

Ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, cho biết UBND xã cũng đã lập đoàn kiểm tra, lập biên bản vi phạm 2 lần đối với cơ sở sấy cau này do chưa chuyển mục đích đất sử dụng và gây ô nhiễm. 
Vì vượt thẩm quyền của xã nên UBND xã đã báo cáo UBND huyện Phú Ninh có hướng xử lý. Phòng Tài nguyên môi trường (TNMT) huyện Phú Ninh đã lập đoàn kiểm tra, qua kiểm tra được biết cơ sở này xây dựng trên diện tích đất rừng do HTXNN Tam Lãnh mua lại của một người dân ở địa phương. Tuy chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng HTX đã xây dựng cơ sở sấy cau và đưa vào hoạt động. 

Quảng Nam: Tạm đóng cửa cơ sở sấy cau gây ô nhiễm - ảnh 2Cơ sở này xây dựng trên đất rừng mua lại  nhưng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã hoạt động

Phòng TNMT huyện đã yêu cầu cơ sở tạm dừng hoạt động, giao UBND xã giám sát và yêu cầu cơ sở tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu, xử phạt hành chính đối với cơ sở này.  Đồng thời yêu cầu cơ sở này phải hoàn tất thủ tục pháp lý theo quy định để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phải có phương án đảm bảo môi trường thì mới được hoạt động trở lại.
Được biết cơ sở này chỉ mới hoạt động được hơn một tháng nhưng hiện đang là đầu mối thu mua số lượng lớn cau tươi của người dân trên địa bàn nên nếu bị đóng cửa cũng là điều đáng tiếc. Nhất là hiện nay, trên địa bàn Tam Lãnh và một số địa phương khác ở Quảng Nam đang có hiện tượng người dân tự phát đầu tư trồng cau với quy mô lớn để bán cau tươi cho các thương lái. Ở nhiều địa phương ở Quảng Nam, các thương lái lùng sục thu mua cau tươi, thậm chí cau non diễn ra rầm rộ với giá rất cao để xuất bán sang Trung Quốc. Hiện tượng ào ạt thu mua cau non, cau tươi với giá cao và sau đó đột ngột dừng lại cũng đã xảy ra 2-3 lần ở Quảng Nam vào những năm trước khiến nhiều người dân ‘khóc ròng” vì phá bỏ các loại cây khác ở đất vườn, đồi để  “chuyên canh” trồng cau. Thương lái cũng “chết đứng” vì “ôm” cau non, cau tươi qua sơ chế để xuất bán. 

Quảng Nam: Tạm đóng cửa cơ sở sấy cau gây ô nhiễm - ảnh 3

Cau tươi gần đây được thu mua với khá cao dẫn đến hiện tượng nhiều người dân tự phát trồng cau qui mô lớn

Khánh Chi

Không khuyến khích phát triển trồng cau ở đất vườn, đồi: 
Được biết, hiện nay trên thị trường quả cau đang được thu mua với giá khá cao, có thời điểm 30.000 đồng/kg cau tươi. Vì thế trên địa bàn xã Tam Lãnh hiện có khá nhiều người dân tự phát đầu tư trồng cau với qui mô lớn. Mới đây, UBND huyện Phú Ninh đã có thông báo ý kiến chỉ đạo cụ thể của UBND huyện về việc quản lý nhà nước đối với phong trào tự phát trồng cau này. 
Ông Nguyễn Đạo, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết người dân cần hết sức cân nhắc trước khi đầu tư trồng cau. Thực tế theo dõi nhiều năm qua cho thấy giá thu mua cau tươi trên thị trường rất không ổn định, có năm quả cau bỏ khô trên cây vì không có người mua. Hiện vẫn chưa có tổ chức, cá nhân nào có đề tài đánh giá về hiệu quả kinh tế của việc trồng cau và cũng chưa có mô hình, dự án thí điểm đánh giá tác động của việc sử dụng đất nông lâm nghiệp để trồng cau. Về mặt quản lý Nhà nước, qui hoạch phát triển sản xuất huyện Phú Ninh không qui hoạch phát triển cây cau. UBND huyện khuyến cáo trồng cau theo hướng tạo cảnh quan là chính, đem lại hiệu quả kinh tế là hướng kết hợp, không sử dụng đất vườn, đồi để trồng cau. 

Ý kiến bạn đọc