Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Xét xử vụ "đánh bạc nghìn tỉ": Lòng vòng đùn đẩy trách nhiệm

Thứ Hai 19/11/2018 | 09:11 GMT+7

VHO- Ngày 17.11, phiên tòa xét xử vụ đánh bạc nghìn tỉ bước sang ngày xét xử thứ 6 với việc HĐXX làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến cơ sở pháp lý cho việc vận hành của hệ thống game bài đánh bạc trực tuyến và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm đối với đường dây đánh bạc này.

 Bị cáo Phan Sào Nam

Trách nhiệm “thuộc phạm vi của Bộ, ngành khác”?

Sáng 17.11, phòng xử án “nóng” lên khi hàng loạt các công văn của các Bộ, ngành liên quan đến việc vận hành, hoạt động của hệ thống game bài trực tuyến có sử dụng hình thức thanh toán bằng thẻ cào thông qua các cổng thanh toán trung gian được HĐXX công bố.

Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Thùy Hương lần lượt công bố các công văn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tại các văn bản này, mặc dù khẳng định việc kinh doanh game bài RikVip/Tip.Club là sai quy định về quản lý dịch vụ internet và thông tin trên mạng, nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông lại cho rằng: “Việc cho phép sử dụng thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông để thanh toán cho dịch vụ game bài RikVip/Tip.Club thuộc phạm vi của các bộ, ngành khác như Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Công thương” (công văn số 207/2018/CV-BTTTT gửi cơ quan điều tra).

Trong khi đó, văn bản trả lời của Bộ Công thương (trả lời về việc cung cấp phạm vi sử dụng, thẩm quyền cấp phép và trách nhiệm quản lý đối với các thẻ cào viễn thông, thẻ game) khẳng định, đây là lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ TT-TT.

Còn theo văn bản của NHNN trả lời thì NHNN không có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến việc quản lý nhà nước đối với các loại thẻ cào viễn thông, thẻ game. NHNN cho rằng cơ quan này chỉ quản lý đối với thẻ ngân hàng. Về thẻ Vcard và các loại thẻ viễn thông, NHNN cho rằng, theo tìm hiểu của cơ quan này, hiện nay Bộ TT-TT đã giao cho Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử nghiên cứu biện pháp quản lý việc sử dụng thẻ cào điện thoại, thẻ game cho thanh toán điện tử đối với các nội dung số và game online, nhằm mục đích hạn chế dùng thẻ cào thanh toán các dịch vụ không hợp pháp của Việt Nam, do đó đề nghị tham khảo thêm ý kiến của Bộ TT-TT.

Chính vì các Bộ, ngành tự thấy trách nhiệm “thuộc phạm vi của Bộ, ngành khác” nên trong quá trình vận hành và khai thác của hệ thống game bài này “một số cơ quan chức năng vào kiểm tra nhưng không thấy có kết luận xử lý” - bị cáo Phan Sào Nam đã nói tại Tòa. Bị cáo Phan Sào Nam còn khẳng định: Nếu ngay ở giai đoạn đầu, khi các cơ quan chức năng quản lý kiểm tra có cảnh báo về việc game không được cấp phép thì sẽ không có hậu quả như vụ án hôm nay.

Niềm tin vào công ty bình phong

Trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử trong phiên xử ngày 17.11, bị cáo Phan Sào Nam khai nhận: Nam thân quen với Hoàng Thành Trung (người điều hành chính của hệ thống game bài đánh bạc, một mắt xích quan trọng của vụ án, hiện đang bỏ trốn và bị cơ quan công an truy nã) từ nhiều năm trước khi hợp tác mở hệ thống game bài đánh bạc. Do đó, khoảng cuối năm 2014, đầu năm 2015 Hoàng Thành Trung nói có đội ngũ kỹ thuật, có thể viết game bài nên muốn hợp tác và Nam đồng ý. Nhưng thời điểm đó, Nam biết rất khó được cấp phép phát hành game bài nên đã tìm đến Nguyễn Văn Dương (Nam quen biết qua mối quan hệ xã hội) và Dương “hứa” có thể giúp phát hành được.

Sau đó, các bên đã ký kết hợp đồng để vận hành và khai thác hệ thống game bài đánh bạc. “Khi hợp đồng ký, chúng tôi thống nhất, bên công ty Nam Việt sẽ cấp bản quyền phần mềm game bài cho VTC online, sau đó VTC online sẽ cấp bản quyền game bài này cho CNC để CNC phát hành”, Nam khai.

Mặc dù trong khi thực hiện hợp đồng, Nam hiểu là hệ thống game bài này chưa được cấp phép, nhưng tin tưởng vào sự khẳng định của Nguyễn Văn Dương, rằng công ty CNC là bình phong của C50, vừa làm kinh tế nghiệp vụ và trinh sát ngoại tuyến nên Phan Sào Nam đã rất yên tâm trong việc vận hành và khai thác hệ thống game bài này. Niềm tin của Phan Sào Nam về “công ty bình phong” này càng được khẳng định khi “Bị cáo hiểu là dù không có phép, nhưng có thể phát hành, anh Dương cũng rất tự tin nên 2 bên đã ký hợp đồng rất chính thống và khẳng định trách nhiệm của 2 bên”.

Bị cáo Nam cũng khai, trong quá trình thực hiện hợp đồng ký kết với CNC, bên VTC online cũng từng bị Công an, Thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra; VTC online cũng đã cung cấp đầy đủ hồ sơ cho đoàn Thanh tra, sau đó không thấy bị xử lý. Thời gian các đoàn kiểm tra, Nam có thông báo đầy đủ thông tin cho Dương và Dương nói sẽ làm việc với các cơ quan này. “Bị cáo hiểu là sự phát hành game bài này được sự ủng hộ của lãnh đạo”, Phan Sào Nam khẳng định.

Như vậy, có thể thấy, do sự thờ ơ của nhiều Bộ, ngành liên quan, sự “bảo kê” của một số cán bộ có chức quyền như Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa nên một hệ thống đánh bạc trực tuyến quy mô lớn đã ngang nhiên hoạt động trong nhiều năm với số tiền doanh thu khổng lồ lên đến hàng nghìn tỉ đồng. 

 NGUYỄN HOÀNG

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top