Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Đạo diễn trẻ “liều mình” với "Người tốt nhà số 5"

Thứ Sáu 30/11/2018 | 09:21 GMT+7

VHO- Nhiều đạo diễn, nghệ sĩ tên tuổi của sân khấu kịch nói có mặt trong đêm diễn ra mắt vở Người tốt nhà số 5 của đạo diễn trẻ Tạ Tuấn Minh (Nhà hát Kịch Việt Nam) đều ghi nhận vở kịch đã vươn ra khỏi giới hạn của một “bài tốt nghiệp” chuyên ngành đạo diễn sân khấu. Đạo diễn, NSND Hoàng Dũng, ông trùm trong bộ phim truyền hình Người phán xử đã hào hứng giành những nhận xét đầy ưu ái cho “đàn em”: “Người tốt nhà số 5 là một kịch bản khó dàn dựng ngay cả đối với một đạo diễn gạo cội, thế nhưng Tạ Tuấn Minh đã thành công khi tìm ra được cách thể hiện phù hợp, đặc biệt là cách xử lý không gian sân khấu rất sáng tạo đáng ghi nhận”.

 . Một cảnh trong vở

Có thể thấy nhận thấy sự quan tâm chăm chút của ban giám đốc và các nghệ sĩ của Nhà hát Kịch VN đối với vở diễn đầu tay của một đạo diễn trẻ. Vở diễn quy tụ những tên tuổi sáng giá hiện nay của đơn vị như: NSƯT Việt Thắng, Dũng Nam, Thế Nguyên, Khuất Quỳnh Hoa, Thu Thuận, Thanh Hường, Tuấn Vũ, Khánh Linh… Tạ Tuấn Minh cho rằng anh là người may mắn khi mà được ban giám đốc ủng hộ cho địa điểm, sân khấu tập luyện và công diễn, được họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng và toàn bộ ê kíp diễn viên ủng hộ không hề lấy tiền thù lao. Ngay cả khi anh vào vai mới là đạo diễn thì ngay cả những nghệ sĩ lớn tuổi như NSƯT Việt Thắng cũng rất nghiêm túc khi tập luyện. Khác với Tạ Tuấn Minh thì một số đạo diễn trẻ khác đã phải rất chật vật khi phải nhặt nhạnh các diễn viên ở các đoàn kịch hoặc các diễn viên trẻ chưa tốt nghiệp để tham gia vào bài thi của họ. Bên những sáng tạo tìm tòi từ đạo diễn thì rõ ràng sự chuẩn chỉ của một ê kíp diễn đồng bộ đã tạo nên tính chuyên nghiệp cho tác phẩm như Người tốt nhà số 5. Đó là lý do mà NSND Hoàng Dũng với cương vị thành viên trong Hội đồng chấm thi của Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cho biết ông đã chấm Người tốt nhà số 5 với số điểm cao nhất trong các bài thi tốt nghiệp của lớp đạo diễn cùng khoá với Tạ Tuấn Minh.  

Quả thực, đúng như nhận định của “đàn anh”, NSND Hoàng Dũng, kịch bản Người tốt nhà số 5 rất khó dựng, kén khách bởi ngay những vấn đề đặt ra ngay từ kịch bản với những tình tiết câu chuyện xem từ thời bao cấp như việc sửa nhà phải xin phép cơ quản quản lý mới được sửa, dự án nông nghiệp trồng đậu tương...  Điều quan trọng là Tạ Tuấn Minh đã tìm được chìa khoá nghệ thuật để giải mã kịch bản, đó là khai thác giá trị nhân văn, tầng sâu tư tưởng của tác phẩm để kể một câu chuyện cách đây hàng chục năm nhưng khán giả vẫn không hề thấy “cũ”.

Đạo diễn đã rất thành công với công tác làm việc với diễn viên

 Người tốt nhà số 5 là một xã hội thu nhỏ, những người sống ở đó đủ các loại người, nghề nghiệp, tuổi tác khác nhau, mỗi người một quan niệm sống, một “cái tôi” chưa thực sự hoà hợp với “cái chúng ta”. Ai cũng có những mặt tốt và cũng có những điều chưa tốt. Hiệp, nhân vật trung tâm của vở kịch thuộc lớp người trẻ, có hoài bão, có trách nhiệm nghề nghiệp, sống nhân hậu và mong muốn mọi người sống tốt với nhau. Chỉ vì Hiệp không chịu “thức thời”, nên trong cách nhìn nhận của một số người, Hiệp là một gã gàn dở, ương bướng. Khi được rủ làm điều xấu anh không chịu, thậm chí không ngần ngại vạch ra cái xấu. Không chịu nổi người tốt này, những người xung quanh cùng nhau tìm cách hại anh. Sau khi Hiệp bị đẩy ra khỏi ngôi nhà chung ấy, họ mới cảm thấy anh rất cần cho mọi người bởi cuộc sống không thể thiếu lòng khoan dung và sự độ lượng. “Làm người tốt khó, sống với người tốt cũng khó. Chúng tôi không đủ tốt để sống với anh ấy và anh ấy cũng không đủ xấu để sống với chúng tôi”, lời của một nhân vật trong kịch cho thấy sự trăn trở về lòng tốt, về cách cư xử giữa con người với nhau sao cho hợp lẽ đời.

 Nếu sa vào những tình tiết và những vấn đề thời sự thì Người tốt nhà số 5 sẽ có phần lạc lõng so với không khí của cuộc sống hiện đại với thời đại của công nghệ số, của việc ứng dụng cách mạng công nghệ 4.0. Nhưng đạo diễn và ê kíp sáng tạo đã khai thác được những tư tưởng tiến bộ, hiện đại mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của tác giả về triết lý con người và cuộc sống khi đặt ra vấn đề rất thời đại: Liệu người tốt có cần thiết không? Nhiều khi tốt cho vấn đề này lại có thể làm nguy hại cho vấn đề khác thì sao? Trong kịch, Hiệp đại diện cho lớp trí thức trẻ của đất nước với mong muốn làm thay đổi tư duy cũ, cách làm cũ nhưng anh đã vấp phải một loạt những rào cản bởi nhận thức, bởi số đông những con người xung quanh không có sự đồng cảm, chia sẻ... Ranh giới con người tốt hay xấu trong kịch cũng mong manh, ngay cả người tốt chưa chắc đã hoàn hảo và cũng sẽ phải tự nhận thức và thay đổi.

NSND Hoàng Dũng, NGƯT Phan Trọng Thành  chúc mừng đạo diễn Tạ Tuấn Minh sau đêm diễn

Được biết, hoạ sĩ thiết kế vở, NSƯT Doãn Bằng đã bỏ công nghiên cứu và đã cùng giải mã với đạo diễn để tìm ra một không gian đầy sáng tạo. Trên sân khấu là những tổ kén lớn, trong tổ kén lớn lại là những tổ kén nhỏ... Tất cả những cư dân trong ngôi nhà chung như một xã hội thu nhỏ với nhiều tầng lớp từ trí thức cho tới hộ kinh doanh sản xuất. Những con người ấy bị rối rắm trong những tổ kén lớn và tổ kén riêng, sân khấu từ trang trí cho tới âm nhạc cho tới hành động kịch của các nhân vật đều tạo nên sự bức bối, khó chịu, thậm chí nhức mắt... Đây là một thành công của kịch khi muốn đưa tới ý tưởng làm sao để những con người trong ngôi nhà ấy có thể phá bỏ đi cái tổ kén của mình thì mới có thể phát triển. Có rất nhiều xử lý khá thành công và sáng tạo như việc kết hợp những âm thanh của cuộc sống như tiếng hút thuốc lào, tiếng nước chảy, tiếng ồn ào... hay thiết kế trang trí với những giọt nước xoáy thẳng vào đầu các nhân vật tạo sự bức bối, bế tắc trong tư tưởng của chính các nhân vật trong kịch. Cảnh tâm sự của vợ chồng Bình và Mây khá giỏi bởi những mảnh ghép tạo nên chiếc giường thẳng đứng.

 “Tu dưỡng tốt hơn, chịu khó xem, chịu khó đọc và cảm hơn với cuộc sống bằng sự chân thành và rung động... Chắc chắn bạn ấy còn tiếp tục thành công”, đó là lời nhắn nhủ của đạo diễn đàn anh, NSND Hoàng Dũng giành cho đạo diễn trẻ của vở Người tốt nhà số 5. Có thể thấy Người tốt nhà số 5  là màn trình làng khá ấn tượng trong nghề đạo diễn của đạo diễn trẻ Tạ Tuấn Minh và những gì mà anh thể hiện cho giới sân khấu có quyền hy vọng có thêm một tên tuổi góp mặt vào thế hệ đạo diễn sân khấu trẻ tương lai.

HIỀN LƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top