Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: Làm gì để người dân đồng thuận?

Thứ Sáu 21/12/2018 | 10:13 GMT+7

VHO- Mới đây, một cuộc tọa đàm nhằm đánh giá lại các cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động cải tạo chung cư cũ đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự đông đảo của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp…

 Cải tạo chung cư cũ cần giải quyết nhiều vấn đề để hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư và người dân

Những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế chính sách và thực tế hiện nay như chưa có sự đồng thuận trong phương án đền bù, tái định cư; công tác giải phóng mặt bằng; hay quy định khống chế quy hoạch chiều cao xây dựng của khu vực trung tâm… đã được các chuyên gia làm rõ để từ đó đề xuất những giải pháp giải quyết vấn đề trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.

Cần có cơ chế đồng thuận cộng đồng

Theo các chuyên gia, bài toán khó hiện này đó là làm thế nào để giải quyết được lợi ích giữa doanh nghiệp thực hiện và người dân. Đây cũng là những khó khăn tồn tại trong thời gian vừa qua, khiến cho hoạt động cải tạo chung cư cũ vẫn giậm chân tại chỗ. Do đó, cần có cơ chế chính sách của Nhà nước để làm hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân. Ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Reenco Sông Hồng cho biết, với việc cải tạo chung cư cũ, làm sao để doanh nghiệp có lãi và người dân phải có lợi. Đây là một vấn đề cần đặc biệt quan tâm giải quyết khi việc đền bù cho người dân vẫn chưa được đảm bảo.

Theo ông Điệp, hiện nay trong nội đô có quy định không được tăng mật độ xây dựng, không được tăng mật độ dân số. Mặc dù Hà Nội đã có cơ chế đặc thù giao cho các tập đoàn lớn, tổng công ty nhưng vẫn chưa triển khai được nhà ở xã hội khi cải tạo các chung cư cũ, vì không được tăng chiều cao, không được tăng dân số thì không có lời. Trong khi đó, người dân không chấp nhận đền bù 1-1.

Một số chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, nên xây dựng lộ trình cải tạo và tiến hành phân loại chung cư: Cái nào cần làm trước, cái nào cần làm sau. Đồng thời, phải có sự phối hợp ba bên: Người dân, nhà đầu tư và chính quyền. Trong đó, ở một số nơi, sự đồng thuận chưa tốt, ảnh hưởng đến tiến độ của nhà đầu tư. Về vấn đề này ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, rất nhiều nhà đầu tư đã đề nghị cần có cơ chế đồng thuận cộng đồng. Nếu nhận chuyển quyền sử dụng đất đạt 70% số lượng người trên thực tế đề nghị Nhà nước thu hồi quyền sử dụng đất của phần còn lại nếu số còn lại chưa đồng thuận. Nghị định 84/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi đã cho phép áp dụng cơ chế này trong trường hợp thuộc diện Nhà nước thu hồi đất nhưng nhà đầu tư không thực hiện cơ chế Nhà nước thu hồi đất mà xin thực hiện cơ chế thỏa thuận. Nhưng đến nay cơ chế đồng thuận theo đa số không được thực hiện.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, phải có sự phân biệt khác nhau về thời kỳ xây dựng, vị trí địa lý, kỹ thuật xây dựng, chất lượng cuộc sống của người dân trong từng khu dân cư và đối chiếu với chính sách của Nhà nước qua từng thời kỳ... Chỉ khi nhận diện rõ được những điều này thì mới có khung chính sách cho từng loại chung cư. Ông Nghiêm cũng đưa ra nhiều giải pháp. Theo đó, các địa phương cần có trình tự thực hiện các dự án cải tạo chung cư cụ thể khác nhau, không thể có một khung chính sách chung cho tất cả các loại chung cư; phải xây dựng một tiêu chí đồng bộ. Mặt khác, cần xem xét lại chỉ tiêu diện tích sàn ở trên/người. Ngoài bồi thường hỗ trợ tái định cư, cần có chính sách mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trên địa bàn toàn thành phố, và thuận lợi cho những người tự nguyện muốn ra khỏi chung cư. Đặc biệt, nên thành lập cơ quan độc lập trực thuộc của UBND thành phố, phụ trách việc cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư. Cuối cùng, theo ông Nghiêm, việc lập quy hoạch các khu chung cư phải là tổng thể cả khu vực, và phải do cơ quan Nhà nước lập kế hoạch chi tiết và phê duyệt, đồng thời có đề xuất giải pháp cân bằng lợi ích giữa các bên.

Khó khả thi vì cần 100% người dân đồng ý

Về thực trạng cũng như quá trình triển khai cải tạo chung cư cũ, ông Bùi Tiến Thành, Phó trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết theo quy định trong Luật Nhà ở, đặc biệt Nghị định 101 với chung cư nguy hiểm cấp D thì nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội không nhiều. Hà Nội hiện có 1.579 chung cư cũ và phân loại thành 4 cấp. Với nhà chung cư cấp D (cấp hư hỏng nặng, nguy hiểm), Sở Xây dựng đã tham mưu thành phố ra quyết định di dời và ra phương án tạm cư để đảm bảo an toàn cho người dân trong thời gian phá dỡ nhà chung cư. Đối với 6 nhà chung cư nguy hiểm thì trong đó có 3 chung cư có nhà đầu tư tham gia xây dựng, trong đó 2 nhà cấp D sắp hoàn thành. Hiện còn 4 nhà chung cư cấp D trên địa bàn quận Ba Đình thành phố chưa triển khai được, vì chưa có sự đồng thuận của người dân.

“Quy định đối với các nhà chung cư cũ không phải nguy hiểm cấp D tại khoản 3 Điều 110 của Luật Nhà ở phải nhận được sự đồng thuận của 100% các hộ dân, thì UBND TP Hà Nội mới được tiến hành cải tạo xây dựng lại, thế nhưng việc lấy được sự đồng ý của 100% người dân gần như không khả thi. Nên chúng tôi kiến nghị điều này, để làm sao đảm bảo 70% các hộ dân, chủ sở hữu đồng thuận thì sẽ tiến hành cải tạo”, ông Thành cho biết thêm.

Để người dân đồng thuận khi cải tạo chung cư cũ, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, khi cải tạo chung cư cũ cần tính ở góc độ tổng thể. Có 4 yếu tố cần chú trọng: Quy hoạch; vốn; kế hoạch cụ thể, cải tạo nhà chung cư nào trước, chung cư nào làm sau; chính sách bồi thường. Ông Khởi cho rằng, hiện nay Hà Nội đang vướng trong khâu bố trí tạm cư trước khi tiến hành đầu tư. Bên cạnh đó, một số trường hợp người dân không tin tưởng vào năng lực tài chính, năng lực làm việc của nhà đầu tư. Do đó, cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp cần có sự chung tay đóng góp ý kiến từ các nhà khoa học, nhà đầu tư và của chính các cư dân đang sinh sống tại các chung cư cũ trên địa bàn để tìm ra hướng tháo gỡ.

 HOÀNG ANH

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top