Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Di sản tư liệu phải “sống” thì bảo tồn mới bền vững

Thứ Sáu 21/12/2018 | 10:22 GMT+7

VHO- Nhấn mạnh di sản không phát huy được giá trị thì công tác bảo tồn, lưu trữ không hiệu quả, bền vững, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ VHTTDL phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước khẩn trương nghiên cứu phương án số hóa tài liệu lưu trữ một cách đơn giản, thuận tiện nhất, trước hết là các di sản tư liệu.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm nơi lưu trữ Mộc bản triều Nguyễn

Tới thăm Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (TP Đà Lạt), sáng 20.12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc phát huy giá trị, đưa các di sản tư liệu đến với công chúng.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, hiện 4 Trung tâm Lưu trữ quốc gia đang bảo quản hơn 30 km giá tài liệu được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức Trung ương thuộc các chế độ khác nhau; của các cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử. Những tài liệu này phản ánh toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội Việt Nam từ thời kỳ phong kiến đến nay. Những tài liệu còn lưu giữ lại được cho đến ngày nay là khối tài liệu quan trọng và có giá trị đặc biệt trong Phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam.

Đặc biệt, trong đó có khối tài liệu “Mộc bản triều Nguyễn” được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới (năm 2009); khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận Di sản Tư liệu thế giới (năm 2017); tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa giai đoạn 1945 - 1946 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia (năm 2016). “Bên cạnh làm tốt công tác lưu trữ thì vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là làm sao đưa khối tài liệu đang bảo quản, trước hết là di sản tư liệu đến với công chúng để phát huy giá trị các tài liệu lưu trữ, góp phần giáo dục truyền thống, niềm tự hào dân tộc”, ông Đặng Thanh Tùng trăn trở.

Đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của cán bộ, nhân viên tại các trung tâm lưu trữ trong công tác bảo quản, lưu trữ khối lượng tư liệu rất lớn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh giá trị văn hóa, lịch sử to lớn trong các tài liệu lưu trữ. “Trước đây, nhiều người hình dung công tác văn thư, lưu trữ là bạt ngàn công văn, giấy tờ, ít người hiểu rằng đây còn là một chuyên ngành khoa học không chỉ có tính hành chính mà còn mang trong đó giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc. Những năm gần đây, anh em làm văn thư, lưu trữ đã cố gắng đưa vào tư duy mới không chỉ là lưu trữ đơn thuần mà bước đầu đã gắn với việc phát huy giá trị của các khối tài liệu, bằng nhiều cách khác nhau, để phục vụ công chúng, nhà nghiên cứu…”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng với sự phát triển của khoa học công nghệ, công tác lưu trữ phải bước sang một giai đoạn mới hoàn toàn, trong đó, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, nhanh chóng số hóa toàn bộ các tài liệu lưu trữ, trước hết là các di sản tư liệu. Đây còn là cơ sở để ngành lưu trữ Việt Nam và Pháp có thể hợp tác nhằm chia sẻ, “hợp nhất” toàn bộ khối tài liệu, tư liệu lịch sử của Việt Nam đang được lưu trữ tại hai quốc gia.

“Lưu trữ không chỉ phục vụ công tác nghiên cứu mà cán bộ lưu trữ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong hỗ trợ, gợi mở những hướng nghiên cứu mới, hay tự triển khai các đề tài độc lập. Ngay đối với Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn,... cũng có nhiều giá trị cần được làm sáng tỏ ngoài việc đây là tư liệu công văn hành chính của Nhà nước mà còn thể hiện tinh thần minh bạch hóa, công khai hóa những gì chính quyền đang làm đến với người dân hay chất liệu để làm mộc bản, các loại sơn, mực được cha ông sử dụng để chống ẩm mốc, mối mọt…”, Phó Thủ tướng gợi ý.

Nhấn mạnh di sản không phát huy được giá trị thì công tác bảo tồn, lưu trữ không hiệu quả, bền vững, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ VHTTDL phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước khẩn trương nghiên cứu phương án số hóa tài liệu lưu trữ một cách đơn giản, thuận tiện nhất, trước hết là các di sản tư liệu như “Mộc bản triều Nguyễn”, “Châu bản triều Nguyễn”, bảo vật quốc gia,... trên tinh thần xã hội hóa… đưa đến công chúng thay vì “số hóa rồi lại bỏ vào kho”; đưa những tư liệu số hóa lên Hệ tri thức Việt số hóa để làm nền tảng cho các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo…

Đ.NAM - V.DƯƠNG

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top