Sống thấp thỏm bên vùng sạt lở

VHO- Chỉ sau hơn 1 tuần mưa lớn kéo dài, nước sông đã ăn sâu vào các con đường tỉnh lộ, đường liên thôn liên xã và “ngoạm” luôn sân vườn của các hộ dân hạ du sông Bồ. Nhiều gia đình ở huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) đang sống thấp thỏm bên miệng “tử thần”.

Sống thấp thỏm bên vùng sạt lở - Anh 1

Sạt lở sát mép nhà dân ở xã Quảng Phú

Cuối làng Niêm Phò (xã Quảng Thọ, Quảng Điền), mực nước sông vẫn còn cao, một số điểm vẫn còn ngập úng; nhưng nguy hiểm nhất là những hộ dân đang sinh sống ven sông Bồ. Căn nhà của gia đình ông Nguyễn Ngân, 54 tuổi đang ở rất gần khoảng cách mặt nước. Mấy ngày mưa lớn vừa qua, cả nhà phải huy động người đắp bao cát ở phía sông để tránh nước lớn gây sạt lở sập nhà. Cách đây mấy năm, phía bên cạnh nhà ông còn có thêm 2 gia đình khác sinh sống và có tồn tại một con đường dân sinh, nhưng sạt lở ăn nhanh khiến các gia đình đó cũng phải di dời đi nơi khác và con đường dân sinh cũng bị xóa sổ. Ông Ngân cho biết: “Mỗi lần mưa lũ là gia đình tôi và những người dân ở trong vùng rất lo sợ. Cứ sau đợt lũ thì lại bị sạt lở vào một đoạn, dân sắp mất hết đất vườn và nguy cơ cũng mất luôn nhà ở. Từ mùa mưa năm 2017 đến nay, sông Bồ qua đoạn này đã ăn sâu vào 5 mét”.

Cách nhà ông Ngân không xa là ngôi miếu của làng - nơi tổ chức các nghi lễ của địa phương cũng đã bị sông “ngoạm”. Dân trong làng đã phải di dời miếu đến nơi khác để thờ. Hiện ngôi miếu cũ này đã bị sập xuống sông hơn một nửa công trình.

Con đường tỉnh lộ 8A là điểm lưu thông huyết mạch dẫn về Nhà lưu niệm đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng có điểm sạt lở ăn sâu rất nguy hiểm. Nhiều cây trồng ven sông đã nghiêng đổ xuống nước. Ông Nguyễn Văn Lương, một hộ dân sinh sống cạnh tuyến đường này nói rằng: đợt lũ vừa qua đường đi này ngập 0,5 mét, sông thì ăn sâu vào sát đường nên rất nguy hiểm. Nếu cứ mưa lũ kéo dài mà không được xây kè thì con đường này không còn lưu thông được nữa.

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, ông Trần Kim thông tin rằng, toàn xã có 8 thôn thì đều bị ngập lụt và sạt lở, trong đó có một số điểm rất nghiêm trọng ở thôn Niêm Phò, Tân Xuân Lai, Phước Yên... gây ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân. Trước mắt, xã vận động người dân chặt bỏ những cây trồng lớn ven sông để tránh sập, đồng thời yêu cầu bà con ven sông di dời khẩn khi nước lớn để đảm bảo an toàn tính mạng. Về lâu dài, sẽ kiến nghị cấp trên thực hiện tái định cư cho các hộ dân ở vùng nguy hiểm. “Tại khu vực thôn Niêm Phò, những năm qua sông Bồ đã ăn sâu vào bờ khoảng 20 mét. Nhiều diện tích đất sản xuất và nhà dân cũng đã “trôi” theo dòng nước”, ông Kim nói.

Sống thấp thỏm bên vùng sạt lở - Anh 2

 Nước sông Bồ đã “ngoạm” vào đất vườn của nhà dân xã Quảng Thọ

Không chỉ ở xã Quảng Thọ, nhiều địa phương khác ở hạ du sông Bồ cũng đang bị “hà bá” đe dọa như xã Quảng An, Quảng Phú, Quảng Thành. Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền: Toàn huyện hiện có 9 điểm sạt lở rất nguy hiểm kéo dài hàng trăm mét, nếu mưa lớn trở lại thì buộc phải di dời khẩn cấp các hộ dân ở ven sông Bồ. Hiện, một số điểm tại xã Quảng Phú và xã Quảng An, nước sông đã ăn sâu và sạt lở đất đến mép nhà dân, nhiều cây trồng đã ngã đổ xuống sông.

Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đợt mưa lũ (từ ngày 8 đến 17.12) vừa qua, những con sông chính trên địa bàn bị sạt lở với chiều dài gần 9km, trong đó vùng sông Bồ sạt lở nặng với chiều dài 2,25 km, có đoạn ăn sâu vào 5 mét. “Giải pháp trước mắt và khẩn cấp là phải đảm bảo an toàn cho người dân, như: Làm biển báo, biển cấm đi lại ở vùng nước lớn, sạt lở; sơ tán các hộ dân ven sông có nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn khi mưa to và khi thủy điện Hương Điền thông báo xả lũ; xử lý khẩn cấp một số đoạn sạt lở để đảm bảo hạ tầng giao thông... Tuy nhiên, về lâu dài thì các địa phương phải bố trí quỹ đất đưa dân vào tái định cư an toàn”, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh nói.

Cũng theo ông Hùng, nếu xử lý hết các điểm sạt lở ven sông và ven biển của toàn tỉnh thì phải cần nguồn kinh phí khoảng 2.000 tỉ đồng. Địa phương không đủ nguồn lực nên cũng chỉ thực hiện xử lý ở các điểm sạt lở khẩn cấp.

 SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc