Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Quyết định tương lai  Mỹ - Triều ?

Thứ Sáu 22/02/2019 | 10:18 GMT+7

VHO- Hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Việt Nam ngày 27- 28.2 được đánh giá có thể là thời điểm mang tính quyết định.

Tổng thống Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore

Mỹ - Triều có thể đạt thỏa thuận hạt nhân lớn

Cả Mỹ và Triều Tiên đều có những kỳ vọng nhất định sự nhượng bộ của bên còn lại trước khi hai nhà lãnh đạo tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh này. Ông Trump đang chờ đợi những bước tiến đáng kể trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên, đổi lại Washington sẽ đưa ra cam kết bảo đảm phát triển kinh tế cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên liệu có dễ dàng từ bỏ năng lực hạt nhân - vũ khí phòng vệ then chốt cho sự tồn vong của chính quyền Bình Nhưỡng hay không? Liệu hội nghị thượng đỉnh sắp tới có mang lại bất kỳ tiến triển thực sự nào cho mục tiêu phi hạt nhân hóa hay không?.

Yêu cầu chính của Mỹ là Triều Tiên sẽ từ bỏ các vũ khí hạt nhân của nước này, đặc biệt là tên lửa đạn đạo liên lục địa, sau khi Bình Nhưỡng từng tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa có tầm phóng tới Mỹ vào năm 2017. Nếu phi hạt nhân hóa thành công bán đảo Triều Tiên, đây sẽ là thành tựu ngoại giao lớn đối với Tổng thống Trump. Thành tựu này giúp Tổng thống Trump chuyển hướng tập trung của công chúng Mỹ ra khỏi những vụ bê bối trong nước, đồng thời nâng cao uy tín của ông trong chiến dịch tái tranh cử tổng thống vào năm 2020 cho nhiệm kỳ thứ hai.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đạt được mục tiêu “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, đầy đủ và có thể kiểm chứng” Triều Tiên? Trước hết, Washington muốn Bình Nhưỡng thống nhất một “thời gian biểu” cụ thể cho việc phi hạt nhân hóa và có bước đi cụ thể để đạt được mục tiêu này, chẳng hạn quay trở lại Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT), công bố đầy đủ chương trình hạt nhân và chấp thuận để thanh tra viên quốc tế tới Triều Tiên.

Tổng thống Trump rõ ràng đang tìm cách hoàn thành nhiệm vụ phức tạp trên thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng ông Trump có thể “bị quá sức” và Triều Tiên lái đàm phán theo ý muốn của họ. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có một danh sách dài những điều ông mong muốn, bao gồm nới lỏng các lệnh trừng phạt, chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, giảm bớt sự hiện diện của quân đội Mỹ và Hàn Quốc, được Mỹ thừa nhận chính thức về ngoại giao, hiệp ước hòa bình và hỗ trợ phát triển kinh tế.

Việc nới lỏng các lệnh trừng phạt và hỗ trợ kinh tế, là một phần đặc biệt quan trọng đối với chính quyền Kim Jong-un. Triều Tiên đã quyết định chuyển trọng tâm sang cải cách kinh tế sau khi thử thành công tên lửa đạn đạo vào tháng 11.2017. Triều Tiên tin rằng họ đã hoàn thành chương trình vũ khí, xóa bỏ một bãi thử hạt nhân và dừng các vụ thử tên lửa trong hơn một năm qua. Điều Triều Tiên đang chờ đợi bây giờ là đề xuất từ Mỹ.

Nhiều dự đoán lạc quan

Bình Nhưỡng được dự đoán là sẽ đưa ra các nhượng bộ về hạt nhân đủ để Tổng thống Trump cảm thấy hài lòng, nhưng sẽ không nhượng bộ sâu thêm. Triều Tiên được cho là sẵn sàng đón các thanh tra viên từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tới tổ hợp hạt nhân chính của nước này tại Yongbyon, phía bắc Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, chính quyền Kim Jong-un vẫn chưa đánh tín hiệu cho thấy sẵn sàng quay trở lại hiệp ước NPT hay dỡ bỏ tổ hợp Yongbyon. Sau các động thái nhượng bộ của Triều Tiên, Mỹ có thể đồng ý đưa ra tuyên bố kết thúc chiến tranh. Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do các bên mới chỉ ký thỏa thuận đình chiến, thay vì hiệp ước hòa bình.

Tuyên bố kết thúc chiến tranh chỉ là một văn kiện chính trị, song không có giá trị pháp lý. Do vậy, việc đưa ra tuyên bố này cũng không làm thay đổi kế hoạch triển khai lực lượng quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc - lực lượng bị Triều Tiên nghi ngờ là nhằm đối phó với Bình Nhưỡng. Một số nhượng bộ khác mà Mỹ có thể đưa ra là cho phép nối lại các dự án liên Triều, chẳng hạn khu công nghiệp Kaesong ở phía bắc khu phi quân sự, hoặc du lịch trên núi Kumgang tại Triều Tiên. Mỹ được cho là vẫn giữ nguyên các lệnh trừng phạt kinh tế với Triều Tiên. Stephen Biegun, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên, hồi tháng trước từng nói Washington “vẫn sẽ duy trì chiến dịch gây sức ép” với Bình Nhưỡng.

Bằng việc lựa chọn Việt Nam là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Trump muốn gửi thông điệp tới Bình Nhưỡng rằng những quốc gia từng xảy ra chiến tranh với nhau vẫn có thể xây dựng mối quan hệ tích cực, rằng Bình Nhưỡng có thể duy trì chế độ của mình và không cần thay đổi, rằng Triều Tiên có thể tập trung vào cải cách kinh tế, thay vì phát triển vũ khí hạt nhân.

Các chuyên gia cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donal Trump – Kim Jong-un lần hai tại Việt Nam chỉ có thể gặt hái được thành công nếu Tổng thống Mỹ giảm bớt sự tập trung vào việc giải giáp kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Thay vào đó, ông chủ Nhà Trắng nên đặt trọng tâm vào việc thiết lập môi trường an ninh và cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Theo cựu đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Joseph Yun, cộng đồng quốc tế có quyền kỳ vọng vào kết quả của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội. “Cuộc gặp đầu tiên tại Singapore đã thành công trong việc phá vỡ rào cản, do vậy cuộc gặp thứ hai tại Việt Nam phải cho thấy những kết quả. Có hai vấn đề cốt lõi, một là phi hạt nhân hóa và hai là xây dựng tiến trình hòa bình”, ông Yun nhận định

Theo cựu đặc phái viên về Triều Tiên này, tại Mỹ vẫn tồn tại nỗi lo sợ rằng việc tham gia vào lộ trình hòa bình có thể dẫn tới việc Washington phải chấp nhận sự tồn tại của vũ khí hạt nhân tại Triều Tiên. “Nhiều người tại Washington vẫn lo ngại về ý tưởng phi hạt nhân hóa thông qua con đường hòa bình, vì đối với hầu hết người Mỹ, điều đó dường như là sự thụt lùi. Họ cho rằng nên phi hạt nhân hóa trước, rồi sau đó mới hòa bình”, ông Yun cho biết thêm.

Robert Einhorn, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Brookings, nhận định chính quyền Trump “ngày càng thực tế hơn” trong việc xác định những gì là cần thiết cho cuộc đàm phán nghiêm túc diễn ra ở Hà Nội. “Một thỏa thuận tạm thời sẽ cho phép Mỹ và Triều Tiên tiếp tục các cuộc đàm phán để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn mà không cần đặt ra thời hạn. Thỏa thuận này có thể có một số bất lợi, tuy nhiên có thể góp phần hạn chế tốc độ phát triển vũ khí của Triều Tiên, đồng thời mở ra các kênh liên lạc để tiến hành các biện pháp xây dựng lòng tin, từ đó giảm thiểu căng thẳng và tránh tính toán sai lầm.”, ông Einhorn nói.

Lật trang sử mới sau 70 năm

Mặc dù tâm lý chung trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam vẫn là sự lạc quan, song Zhang Fangming, chủ tịch Ủy ban chuyên môn thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Quỹ nghiên cứu chiến lược quốc tế Trung Quốc, cho rằng vẫn có khả năng hai bên tiếp tục “đình trệ” hoặc giữ nguyên hiện trạng.

Một kịch bản khác có thể kéo dài tình trạng bế tắc hiện thời liên quan tới phản ứng của Quốc hội Mỹ với hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Nếu Quốc hội Mỹ vẫn đòi Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân trước hoặc đưa ra tuyên bố toàn diện rồi mới chấp nhận dỡ bỏ trừng phạt Bình Nhưỡng, đàm phán giữa hai bên có thể sẽ không đạt được kết quả khả quan.

Kim Sung-han, cựu thứ trưởng các vấn đề đối ngoại và thương mại của Hàn Quốc cho rằng, Tổng thống Trump có thể đồng ý với một phần phương án nào đó mà Mỹ cho là ổn thỏa để đổi lấy việc nới lỏng trừng phạt Triều Tiên. “Tổng thống Trump có thể chỉ chọn một phần trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, chẳng hạn tên lửa đạn đạo liên lục địa, vì đây là vũ khí đe dọa lớn nhất tới sự an toàn của người dân Mỹ”, ông Kim nhận định.

Thực tế, chỉ cần Tổng thống Trump rời Việt Nam với một cam kết chung về việc lật sang trang sử mới sau 70 năm thù địch với Triều Tiên, ông đã làm được điều mà những người tiền nhiệm chưa bao giờ làm được. 

 CHI MAI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top