Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Thầy thuốc ở nơi... “sinh đẻ theo mùa”

Thứ Ba 30/04/2019 | 13:45 GMT+7

VHO-  Không ai vận động, áp đặt nhưng ở đây mọi người dù có trình độ hay chưa biết chữ đều tự nguyện “sinh đẻ theo mùa” để tránh khi sinh nở gặp cơn lũ chặn đường vài chục km từ nhà tới trạm xá... Thế nhưng bệnh tật, tai nạn đến với họ có theo mùa không và thầy thuốc ở cái vùng “sinh đẻ theo mùa” này làm việc ra sao?

 Chúng tôi tìm về xã Moray, huyện Sa Thầy (Kon Tum) trong dịp Hội Sân khấu tổ chức đi thực tế…

 Trong chuyến đi thực tế của tác giả

Vào mùa mưa thì… thôi rồi, nước sông Sa Thầy, Pôcô dâng lên cô lập nhiều vùng, đi cấp cứu họa chỉ có trực thăng mới có thể! Nói thế thôi chứ giả dụ nếu có trực thăng thì tìm ra bãi đáp cũng còn là cả một vấn đề.

“Chiêu đãi các bác một chầu mát xa”

Chúng tôi đến Moray vào mùa khô nhưng các anh ở Binh đoàn 15 dù quý khách đến mấy cũng không dám dùng xe sang ngoài việc đưa đi bằng xe U oát để “bò” vào đấy. Có bận trong xã có người bị sốt rét, bệnh xá gọi cấp cứu nhưng xe cứu thương sa lầy phải gọi xe khác đến kéo. Xe đến kéo chưa kịp tới nơi cũng bị sa lầy. Gọi tiếp xe thứ ba nữa thì vừa mất hơn một ngày. Thôi thì trót ốm đau phải cố, còn cái gì tránh được thì quyết mà tránh. Tránh dễ nhất là chuyện sinh sản. Thế là ở đây có luật bất thành văn mà không ai dám “lách luật” là chị em phải đẻ vào mùa khô, chứ đẻ vào mùa mưa nhỡ làm sao thì thời hiện đại cũng bó tay... chấm com.

Lúc lên xe, nhiều anh chị em lòng đều phơi phới trên chiếc xe lăn êm đường nhựa, phóng mắt nhìn ra hai bên ngút ngàn rừng cao su, hồ tiêu, cà phê, để nắng gió Tây Nguyên ùa vào đầy cảm xúc. Lại còn reo lên khi qua những địa danh lịch sử thời kháng chiến như Đắc Tô, Tân Cảnh đầy máu lửa giờ đẹp một cách hiện đại. Thế nhưng rẽ vào đường 14C có 50 km thì đi phải mất 4 tiếng đồng hồ. Nước trên núi đổ xuống băm nát đường như thể ở thành phố người ta làm gờ giảm tốc. Xóc kinh khủng khiến già trẻ trên xe không ai dám ngồi mà cứ chân ấn xuống sàn xe, tay bíu chặt chỗ nào có thể bíu được. Lúc này mới hiểu câu nói của trung úy Vương, trợ lý tuyên huấn đi cùng đoàn khi bắt đầu lên xe “Anh Vấn (lái xe) hôm nay sẽ chiêu đãi các bác một chầu mát xa miễn phí!”.

Nhà văn Bích Ngân đùa: “Ở đây chắc không ai dám bệnh”. Đạo diễn Nguyễn Văn Bộ tán thành, “bệnh nhân cấp cứu đến được bệnh viện chắc các bác sĩ phải mất nửa ngày để sắp xếp lại tim gan lòng phổi cho thứ tự rồi có chữa gì mới chữa”. Mệt thế nhưng khi đến với công ty 78, lòng chúng tôi dịu lại. Đứng trên thung lũng Moray dưới chân núi Chư Moray thỏa sức ngắm núi sông hùng vĩ ai cũng như quên hết những cú xóc nảy người, những cái vặn mình răng rắc trên xe qua chặng đường “mát xa miễn phí”. Không biết có phải vì cảnh núi sông hay tình người ở đây làm những khó khăn vất vả bỗng trở nên nhỏ bé.

Công ty 78 chúng tôi đến là đơn vị quân đội làm kinh tế ngang một lữ đoàn có 2 con dấu, hai tư cách pháp nhân riêng. Làm kinh tế thì là “Công ty 78” nhưng quản lý nhân sự, bổ nhiệm lại theo “Đoàn 78”. Bộ đội đeo sao có mà công nhân quốc phòng cũng có lại thêm cả công nhân lao động là đồng bào dân tộc ở các đội sản xuất. Là ai thì những người chúng tôi gặp đều có nụ cười chân thành cởi mở...

 Bác sĩ bệnh xá 78 thăm khám cho người dân

Mỗi lần như thế bon làng như có hội

Bệnh xá 78 nằm ở phía bắc sông Sa Thầy sát biên giới Campuchia bắt vào sông Pôcô chảy ngược sang nước bạn rồi đổ vào dòng Mêkông. Các thầy thuốc ở đây quản lý sức khỏe của chừng 4 ngàn người trên một địa bàn to hơn tỉnh Thái Bình. Xã Moray đã 2 lần nhận danh hiệu AHLLVTND và những thầy thuốc ở đây có phải cũng là những anh hùng với những chiến công thầm lặng?

Họ là những thầy thuốc mặc áo lính nhưng nhiệm vụ của những chiến sĩ quân y ở đây đâu chỉ khám chữa bệnh cho CBCS trong đơn vị mà quan trọng hơn cả là phối hợp khám chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc, góp phần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu như ốm đau không nhờ thầy thuốc mà nhờ thầy mo cúng Giàng, cúng con ma. Bệnh xá 78 ở Moray là một trong 5 bệnh xá của Binh đoàn 15 có sự đầu tư của Bộ Y tế được Quân y Binh đoàn xây dựng với chủ trương kết hợp quân dân y. Có thể nói mô hình quân dân y kết hợp đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, nơi biên giới hải đảo là một trong những ví dụ đẹp nhất, sinh động nhất của sự sáng tạo và ưu việt của nền y tế nước ta, Bệnh xá 78 nằm trong cái “mạch” ấy, tiếp thu sự hỗ trợ chi viện của Quân y Binh đoàn, Bệnh viện 15, các cơ quan y tế dân sự và tại cái điểm heo hút sát biên giới này lại tỏa sáng, là niềm tin cậy của đồng bào. Số lượng bệnh nhân đến khám ở đây cứ năm sau nhiều hơn năm trước và sự đông dần ấy cũng là điều kiện tốt để thầy thuốc thêm kinh nghiệm, trau dồi tay nghề, nâng cao trình độ.

Tôi thật sự ngạc nhiên khi một bệnh xá của một Công ty có tới trên 20 giường bệnh với máy siêu âm, X quang, máy theo dõi tim thai, máy hấp điện… Bạn đọc nghe đến từ “bệnh xá công ty” dễ nghĩ đấy là “y tế cơ quan”. Đúng là thế nhưng “cơ quan” ở đây lại là doanh nghiệp quân đội mà quân đội luôn gắn với dân thành ra bệnh xá 78 còn là bệnh xá của dân. Thầy thuốc của bệnh xá nằm trong đội hình Binh đoàn 15 nên Binh đoàn - Tổng công ty phát triển có mặt ở đâu thì lính quân y có mặt ở đó. Bệnh xá 78 gần biên giới nhất và cũng là xa “tổng hành dinh” nhất nên tất nhiên cũng là nơi khó khăn nhất. Ngoài chuyện khám chữa bệnh cho đồng bào, các thầy thuốc ở đây còn phải bám trụ trên địa bàn bằng cả tỉnh Thái Bình để cùng ăn, cùng với CBCS, nhân viên, người lao động để chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, tẩm màn chống muỗi, khám thai định kỳ, hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch… Tất tần tật đến tay người thầy thuốc mặc áo lính ở vùng biên.

Thầy thuốc dưới xuôi làm những việc trên cũng đủ “mệt” dù loa thôn, loa phường hỗ trợ thông báo ngày ấy, giờ ấy bà con ra trạm y tế với đường đất thuận lợi không xa. Còn ở đây làm gì có loa thông báo và nhân viên y tế cứ phải đến từng nhà, từng nhà. Mỗi cái “từng” ấy có khi mất cả ngày trời leo dốc vượt suối mà chưa chắc bà con dân tộc đã thông ngay. Thầy thuốc ở đây còn phải học thêm cả tiếng dân tộc. Đồng bào ở Moray có các thầy thuốc đeo quân hàm luôn bên cạnh nên ngày càng hiểu biết và có ý thức hơn trong việc phòng chống bệnh tật, xây dựng nếp sống vệ sinh khoa học. Dân ngại xa, tin vào thầy mo ở gần nhưng thầy mo cũng được thầy thuốc quân đội cứu nên chính thầy mo được cứu lại là… người tuyên truyền cho dân. Bây giờ, mỗi bận anh em bệnh xá 78 đến các bon làng khám bệnh, phát thuốc, tiêm chủng hay truyền thông tư vấn sức khỏe là mỗi lần bon làng như có hội. Bà con kháo nhau, nô nức đến điểm tập trung để được khám bệnh, nhận thuốc, để được nghe thầy thuốc bộ đội nói về sức khỏe, phòng chống sốt rét, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống HIV/AIDS…

LÊ QUÝ HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top