Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Dầm mình giữa lòng sông săn lộc trời

Thứ Ba 30/04/2019 | 14:10 GMT+7

VHO-Chỉ cần một bộ đồ lặn với các dụng cụ đơn giản, những ngư dân ở quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) có thể ngụp lặn dưới đáy sông Hàn vài tiếng đồng hồ ở độ sâu 7 đến 10m để săn Bợp bợp, là một loại thủy sản chỉ có ở sông Hàn.

 Các thuyền đi bắt Bợp bợp đều là thuyền nhỏ

Công việc này luôn ẩn chứa những nguy hiểm, một chút sơ suất có thể đánh đổi cả tính mạng. Vậy nhưng với nguồn lợi cao mà loại thủy sản này mang lại cũng như vì miếng cơm manh áo mà suốt hơn 20 năm nay, những ngư dân ở đây vẫn bất chấp tất cả để quyết gắn bó với nghề.

Lộc trời ở đáy sông Hàn

Theo những ngư dân ở đây thì Bợp bợp là một loại thủy sản thường sinh sống trong môi trường nước lợ ở một khu vực và một thời gian nhất định. Trong đó mùa Bợp bợp xuất hiện nhiều nhất là vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 4 âm lịch. Ở Đà Nẵng, có duy nhất một nơi mà loài thủy sản này sinh sống là dưới đáy sông Hàn, đoạn từ cầu Thuận Phước đến cầu Trần Thị Lý. Chúng thường sống ở độ sâu khoảng từ 7 đến 10m. Còn lại những vùng khác dù môi trường nước giống nhau nhưng lại không có.

Cách đây khoảng gần 20 năm, do dụng cụ còn thô sơ nên những người làm nghề này đòi hỏi phải có kinh nghiệm sông nước, nhất là khả năng lặn và sức khỏe tốt, có thể chịu đựng được áp lực của nước. Tuy vậy, người lặn lâu nhất cũng chỉ được vài phút mà thôi. Đặc điểm khác biệt của nghề này so với việc đánh cá ngoài biển là mất nhiều thời gian, người “săn” phải trầm mình dưới nước vài giờ đồng hồ chứ không chỉ đứng trên thuyền rồi thả lưới là bắt được. Bên cạnh đó, năng suất không cao nên số người theo nghiệp bắt Bợp bợp này cũng chỉ tính trên đầu ngón tay.

“So với những người làm nghề lặn sông “săn” Bợp bợp ở đây thì tôi cũng thuộc vào hạng người có thâm niên. Tính đến bây giờ cũng ngót nghét 20 năm trong nghề rồi. Trước đây cũng có nhiều người làm nghề này nhưng thu nhập ít quá nên họ vay vốn đóng tàu lớn ra khơi đánh cá còn nhà tôi không có điều kiện nên vẫn bám trụ. Hồi trước, làm việc thì vất vả lắm nhưng thu nhập cũng không đáng là bao, chỉ đủ tiền trang trải cho cả nhà 5 miệng ăn sống qua ngày. Nhưng đến bây giờ đã khác nhiều, có thêm máy móc hiện đại hỗ trợ nên hiệu quả cao hơn. Thu nhập không chỉ đủ ăn mà cũng có phần dư dả”, ông Tồn (54 tuổi, một ngư dân ở An Hải Bắc, Sơn Trà) cho biết.

Một ngày làm việc của các thợ “săn” Bợp bợp thường bắt đầu từ 5h sáng đến khoảng 2h chiều thì về cập âu thuyền Thọ Quang để nhập hàng cho các thương lái. Vào mùa này, lượng Bợp bợp nhiều nên mỗi thuyền trở về đều thu được ít nhất khoảng 50kg các loại lớn nhỏ.

 Bất chấp nguy hiểm, các thợ lặn vẫn quyết gắn bó với nghề

Đổi hiểm nguy để săn lộc trời

Dù nguồn lợi cao nhưng công việc này không phải dễ dàng. Lượng thuyền tham gia săn bắt Bợp bợp ngày một đông trong khi đó diện tích mặt nước lại có hạn khiến cho những ngư dân cần phải tranh thủ thời gian để tìm cho mình một vị trí thuận lợi để neo đậu thuyền trước khi bước vào công việc. Mọi thứ dụng cụ cần thiết đều phải được chuẩn bị từ chiều tối hôm trước để hôm sau khi trời bắt đầu hửng sáng là có thể lên đường. Thậm chí, bữa ăn sáng của những ngư dân làm nghề này cũng phải tranh thủ lúc thuyền dong khơi.

Dụng cụ mà các thợ lặn sử dụng để “săn” Bợp bợp vô cùng đơn giản gồm một bộ đồ lặn, ống thở và máy trợ thở để có thể lặn được lâu hơn. Sau quá trình kiểm tra lại độ an toàn của ống thở để đảm bảo không bị thủng và chạy thử máy thở một lần, thì điều không thể thiếu trước lúc các thợ lặn trầm mình xuống sông là uống một chén nước mắm để xuống nước cho đỡ lạnh.

Một thợ lặn giỏi với sự trợ giúp của ống thở có thể lặn sâu xuống đáy sông ở độ sâu 7 đến 10m trong khoảng 3 giờ đồng hồ, còn thông thường thì khoảng 1 tiếng là phải ngoi lên để người khác thay thế. Một đợt lặn như vậy người thợ lặn phải dùng tay mò mẫm trong bóng tối để móc Bợp bợp trong lớp bùn lên. Công việc này cũng không đơn giản, bởi dưới đáy nước sâu không thấy gì rất dễ gặp phải những tai nạn thương tâm. Vậy nhưng suốt bao nhiêu năm qua, vẫn chưa có ai có suy nghĩ bỏ nghề. Bởi họ biết rằng, dù công việc của mình luôn ẩn chứa những hiểm nguy rình rập nhưng nếu không làm nghề này họ phải làm gì hơn khi nỗi lo cơm áo luôn thường trực. Đó là nguồn sống là cả tương lai của con em họ. 

TIÊU DAO- MINH NGỌC

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top