Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Giấc mơ không xa của đảo Ngọc

Thứ Hai 29/04/2019 | 14:18 GMT+7

VHO- Khi lên tầu cánh ngầm từ Hà Tiên ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang), chúng tôi mới biết mình dại. Đúng lúc sóng cuộn từ phía nam vào bờ. Biển động. Mưa xối xả. Mấy bà lên tầu chắp tay cầu ông trời bớt giận. Tầu mới quay mũi rời thành phố Hà Tiên, lớp sóng đầu tiên hất mũi tầu nhô vọt lên, mọi người đều bật ngửa.

Biệt thử nghỉ dưỡng Mũi Ông Đội

Cả trăm hành khách đều phải ôm cột, hay vịn chắc vào ghế phía trước, phòng va đập, ngã xuống sàn. Những đợt sóng nhấp nhô đẩy con tàu bồng bềnh, lúc bật lên, khi lại tụt xuống, chóng cả mặt.

Những câu chuyện lướt sóng

Tôi cũng nắm chặt chiếc cột sắt kế bên đường đi cho đỡ say sóng. Quái lạ, một anh bộ đội trả phép về đảo, không hề rung rinh cứ đứng giữa đường đi lối lại, cười. Tầu lắc kiểu gì anh ta cũng không hề ngã. Chân anh cứ nhún theo con tàu mỗi khi sóng bật mạnh. Nhưng lại có người nhắm tịt mắt coi như quên thiên hạ. Mới ra độ mươi hải lý đã có bà nôn thốc nôn tháo. Tôi vội quay mặt đi vì thấy xoáy tít cả trời đất. Lạ nữa là mấy ông đi buôn hàng vẫn nói cười rôm rả, chả biết sóng là gì.

Một người ghếch chân lên ghế kể, hồi đảo Phú Quốc bắt đầu có điện từ năm 2014, các đại gia nườm nượp kéo đến. Dân rỉ tai nhau: Họ định “cướp” đảo hay sao đó. Dân hoang mang lo sợ, không khéo phải cõng nhau lên rừng, mất đất cho dự án hết. Hóa ra không phải. Sau đó, thấy chẳng mần được chi, thế là họ lại ùn ùn bỏ đi. Dân thở phào. Một ông nói chen vào: Nhưng từ khi sân bay Phú Quốc có đường bay thẳng sang Nga lại hay. Mọi người làm du lịch khá phết. Dân đảo gặp du khách Nga cứ nghiêng mình chào, nói oang oang: “Khơ ra sô! Khơ ra sồ!...”.

Tay tôi ôm ghì lấy cột sắt, nhưng lại dỏng tai hóng chuyện, cho quên say. Một ông lại kể: Thì Phú Quốc có ba cái nhất nước, bảo sao dân không giàu. Một con sóng hất mũi tàu dựng lên. Tôi ngỡ bị lộn nhào. Vậy mà ông ta vẫn thao thao rằng: “Nào nhất là giống hạt tiêu, nuôi trai lấy ngọc, lại nhiều mắm ngon”. Có lý. Người ta gọi đảo Phú Quốc là đảo Ngọc vì thế. Nhưng thực ra, tôi lại quan tâm đến những bãi tắm biển dài, lượn quanh đảo. Có người nói đẹp nhất là bãi Sao. Cát ở đó trắng. Nước biển trong vắt nhìn thấy cả chân mình. Nghe thấy mê. Tò mò, tôi cũng cố góp chuyện, với hai người đàn ông vài câu. Tôi hỏi có phải ở đó cát còn mịn như kem không. Không ngờ anh bộ đội ngoái lại trả lời tắp lự: “Bãi Sao nổi tiếng cả thế giới”, rồi anh ta khẳng định, cát ở bãi Trường còn đẹp hơn, “Bãi Trường là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh”. Cũng mịn như kem lại có pha màu hồng nhạt như kem đào tiên ấy chứ. Tôi nghe cũng thấy mát cả ruột gan.

Dần dần con tàu không còn bị sóng biển hành hạ nữa. Những câu nói hài hước ở ti vi trên tàu, trong các kịch vui đã khuấy động, làm hành khách tỉnh hẳn. Anh bộ đội ngoái lại kể với tôi, Phú Quốc có mấy cái nhất, hơn hẳn các đảo khác. Anh khẳng định đảo rộng nhất, dài nhất ở vùng biển phía Nam. Bãi biển dài nhất nước là bãi Trường, dài hơn 20km. Phú Quốc là đảo có sân bay Quốc tế đầu tiên, hằng năm đón hàng trăm ngàn khách nước ngoài đến thăm. Đồng thời, đảo có nhiều khách sạn 5 sao không kém các thành phố lớn, do các tập đoàn hàng đầu Việt Nam đầu tư xây dựng, với quy mô lớn. Riêng Vinpearl đã có hàng nghìn phòng ở đây. Ấy là chưa nói đến, Phú Quốc là đảo đầu tiên có điện lưới quốc gia, với đường cáp dẫn điện từ Hà Tiên, dài gần 60 km, đi ngầm dưới biển. Lại nữa, anh ta nói Phú Quốc không có tệ nạn xã hội, trộm cắp bao giờ. Anh còn khoe, ẩm thực, hải sản ở phố chợ đêm, vừa rẻ lại vừa ngon. Nếu ai đã trót ngã vào thiên đường ẩm thực Phú Quốc, có khi còn không tìm được lối ra. Tôi cũng không ngờ, dân đảo lại nhớ vanh vách mọi chuyện, rất tự hào về quê hương mình như thế. Tiếng còi tầu hú lên hồi dài chào đảo Ngọc. Ai nấy cùng đứng dậy thở phào, vì thoát khỏi cơn bầm dập của biển khơi, dài hơn nửa trăm cây số.

Về Cội và mơ

Nắng bừng lên vàng rỡ sau cơn mưa. Trời xanh. Mây trắng. Tôi cùng đoàn khách vào Bảo tàng “Cội nguồn”, do một tư nhân thành lập. Mỗi tầng nhà là một lớp lang lịch sử, văn hóa toàn cảnh về đảo Phú Quốc, phát triển cho đến nay. Chúng tôi vừa vào đến cổng đã thấy choáng ngợp bởi sự kỳ công của khu vườn cổ tích này. Bất ngờ tôi giật thót mình khi một chú chim Ó lao từ trên cao xuống, quắp gọn túi bánh ngọt ngay trên tay một cô gái trong đoàn. Hai cánh nó nhanh như chớp. Tôi không hình dung nổi sải cánh nó dài tới gần một mét mà không hề đụng vào người cô ta. Mọi người cũng ngạc nhiên. Lúc này ông Huỳnh Phước Huệ, Giám đốc bảo tàng xuất hiện, hồ hởi chào đón chúng tôi. Về con chim Ó, ông giải thích đây là một trong những loại chim ở Phú Quốc, được ông nuôi để bảo tồn. Chúng hay đùa giỡn với khách như vậy đó.

 Nhà tù Phú Quốc thu hút nhiều khách du lịch quốc tế và nội địa

Bước vào sảnh bảo tàng, ngay trước mắt du khách là câu đối của giáo sư Vũ Khiêu viết tặng. Những con chữ, thể hiện qua nghệ thuật thư pháp rất ấn tượng: “Chắt lọc tinh hoa kim cổ lại. Nêu cao nguồn cội nước non này”. Gọi là ông giám đốc cho oai, chứ Huỳnh Phước Huệ còn trẻ. Năm 1995, khi bắt đầu nhặt nhạnh để lập bảo tàng này, anh mới ngoài 20 tuổi. Anh có ước mơ giản dị, khi còn trên giảng đường đại học ở TP Hồ Chí Minh, sẽ trở về quê hương lập nghiệp. Những ngày đầu tập làm du lịch, anh hay sưu tầm ốc biển, chế tác cho đẹp, rồi tặng lại du khách. Huệ muốn khoe vẻ đẹp của hòn đảo. Sau này nuôi trai lấy ngọc, giàu có sung túc, nhưng Huỳnh Phước Huệ vẫn tranh thủ cùng vợ lang thang đào bới, nhặt nhạnh, tìm mua những dị vật, kỳ quái rải rác trong các gia đình. Khởi nghiệp bảo tàng từ đó. Suốt 15 năm. Ngày đêm tự học, nghiên cứu về khảo cổ, vừa khổ công tìm kiếm, tốn kém bạc tỷ, Huỳnh Phước Huệ bất ngờ cho ra mắt phòng trưng bày văn hóa và di tích lịch sử, mang tên “Cội Nguồn” năm 2002. Đó là tiền thân bảo tàng văn hóa lịch sử, độc đáo nhất trên đảo Phú Quốc này.

Đến nay, bảo tàng có tới 5.000 cổ vật, bày khắp 5 tầng nhà, rộng hơn 10.000 mét vuông. Nhìn mới thấy choáng. Nào là gỗ hóa thạch, rêu hóa thạch, đồ đá, đồng, gốm, gỗ, lũa… Rồi cả xương động vật quý hiếm, cũng được đào bới những vùng đất, trong rừng sâu, hay vớt dưới biển. Các nhà nghiên cứu đã kiểm định, trong số này có tới hơn 1.000 đồ cổ, có giá trị cao. Nhất là những dao đá, dìu đồng từ

 xa xưa cách đây hàng ngàn năm. Nhiều đồ được khai quật trên đảo gắn với nền văn hóa Óc Eo, thể hiện con người đã từng sống ở đảo cách đây chừng 2.000 năm. Đó chính là giấc mơ khai phá kho báu văn hóa đảo Phú Quốc mà Huỳnh Phước Huệ theo đuổi hơn 20 năm qua. Nhìn bộ xương cá núi, cá voi khủng bày chật cả gian phòng mới thấy đó là một giấc mơ lãng mạn không tưởng của con người tài hoa này.

Những người anh hùng trên đảo

Nhà tù Phú Quốc rộng tới 40 ha, gồm 4 khu nhà giam, nhốt hàng vạn tù binh. Có thời điểm cao nhất (năm 1972) nhà tù chật ních tù nhân, lên đến 40.000 người. Giặc Pháp rồi đến giặc Mỹ đều coi đây là trại giam tù binh cộng sản. Vậy mà năm 1956, hơn 100 tù nhân đã vượt ngục, trốn về đất liền. Sóng to gió lớn nhưng họ kết bè chạy thoát. Họ là những người cộng sản kiên trung. Trong đó có những cán bộ cao cấp của tỉnh Kiên Giang. Đến năm 1969, lại có đoàn tù nhân cộng sản vượt ngục. Lần này số lượng tù nhân vượt biển còn cao hơn trước. Họ đã thành công. Đến năm 1973, trao trả tù binh theo hiệp định, có tới hơn chục ngàn chiến sĩ, sĩ quan quân đội được trở về quê hương. Nhưng cuối cùng, 4.000 chiến sĩ đã thiệt mạng trong trại giam Phú Quốc.

Khi chứng kiến toàn bộ những mô hình tra tấn của giặc Mỹ, ai nấy đều thấy nghẹn thở vì phẫn nộ. Những hàng rào thép gai còn đó. Hàng trăm chuồng cọp giam hãm người chiến sĩ vẫn hiện diện như ngày nào. Rồi kia, những chiếc thùng phuy nhốt người, trong nắng lửa như rang như đốt. Nhưng tất cả chiến sĩ thà hy sinh chứ không đầu hàng. Tình cờ, chúng tôi gặp cựu binh Nguyễn Tài Triệu, người Hà Nội, một tù nhân được trao trả hồi năm 1973 ở nhà tù. Ông đang trong hành trình thăm lại chiến trường xưa. Giọng ông sang sảng như ngày nào hô anh em ra chống đối những đòn tra tấn dã man của giặc Mỹ. Chống đối âm mưu thủ tiêu cán bộ. Ông đứng trước tượng đài kỷ niệm sự hy sinh của đồng đội nói, họ là những anh hùng của đất nước này. Đúng như lời thơ của chiến sĩ đã được khắc ghi trên bia đá: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc. Hồn bay lên thành linh khí quốc gia”.

Có lẽ, chính những đặc ân mà thiên nhiên ban tặng cho Phú Quốc, vì văn hóa và lịch sử độc đáo, lâu đời và những con người hồn hậu nơi đây đã làm Phú Quốc trở thành một thiên đường nghỉ dưỡng, một điểm đến mà hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước mơ ước được đặt chân đến một lần trong đời. 

 CHUNG TỬ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top