Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Truyền lửa đam mê nghệ thuật

Thứ Sáu 26/04/2019 | 14:34 GMT+7

VHO- Hình ảnh những bạn trẻ say sưa biểu diễn những trích đoạn tuồng cổ, hô bài chòi, hát dân ca,… trên sân khấu ngoài trời không còn xa lạ với du khách đến TP Hội An vào những đêm phố cổ.

 Cách đây ba năm, Trung tâm Văn hóa - Thể thao & Truyền thanh -Truyền hình TP Hội An (gọi tắt Trung tâm) tổ chức miễn phí lớp truyền vai hát bội (còn gọi hát tuồng) cho thiếu nhi vào tối thứ Bảy hằng tuần tại số nhà 39 Nguyễn Thái Học. Lớp học được sự hỗ trợ từ Quỹ Hoàng Châu Ký, được thực hiện theo di nguyện của cố GS Hoàng Châu Ký, người được xem là bậc thầy của bộ môn nghệ thuật này tại Quảng Nam – Đà Nẵng nhằm khôi phục, bảo tồn bộ môn nghệ thuật này từ trong những người trẻ.

Cùng gánh trách nhiệm truyền vai hát bội ấy là gia đình nghệ sĩ Lê Phú Hải và Hồ Thị Ánh Hoa (68 tuổi, làng Nam Diêu, phường Thanh Hà, TP Hội An). Gánh diễn được gầy dựng lại với năm thành viên là người vợ - cô Hồ Thị Ánh Hoa - đào chính và những người bạn diễn ngày xưa. Căn nhà nhỏ của hai vợ chồng cũng chính là nơi họ tập tuồng xưa tích cũ, lưu cất những dụng cụ hóa trang, trang phục, dụng cụ sân khấu… và cũng là nơi họ tập luyện, truyền dạy cho những đứa trẻ trong làng vì mê tuồng, vì tò mò mà tìm đến.

 Thầy Hải và cô Hoa thị phạm cho học trò ở lớp truyền vai hát bội được quỹ Hoàng Châu Ký tài trợ

Tối thứ Bảy hằng tuần, Đêm phố cổ 14 Âm lịch hằng tháng, gia đình thầy Hải - cô Hoa lại mang gánh tuồng của mình xuống phố, để cùng con cái, bạn bè mình trình diễn những khúc tuồng xưa. Ngoài lớp dạy tuồng định kỳ tối thứ Bảy ở phố cổ, gánh tuồng gia đình cũng cố gắng duy trì lớp dạy tuồng cho khoảng 10 bạn trẻ trong làng.

Điều đáng mừng là sức hút của nghệ thuật tuồng ngày càng lan tỏa, nhen nhóm với nhiều bạn trẻ ở Hội An. Những bạn trẻ theo học tuồng ở thầy Hải -cô Hoa cũng đã nắm bắt kỹ năng hát, vũ đạo và có thể biểu diễn mê say những trích đoạn tuồng kinh điển như Lê Lai cứu chúa, Trần Quốc Toản ra quân, Kim Liên tiễn mẹ, Hát giáo tuồng... Cái gánh tuồng gia đình có tuổi đời hơn 40 năm của vợ chồng thầy Hải - cô Hoa và những “nghệ sĩ chân đất” ở làng Nam Diêu bây giờ đã có thể yên tâm vì có một thế hệ trẻ tiếp ngọn lửa tuồng. Nhiều bạn trẻ trong đoàn là học trò của lớp tuồng. Nhắc đến những “học trò - người con” của “gánh tuồng” đặc biệt này, những nghệ sĩ của gánh tuồng không giấu được sự hãnh diện, yêu thương. Từ 15 bạn thiếu nhi tham gia lớp học ban đầu, trong đó phần lớn xuất thân từ làng Nam Diêu, hiện lớp học còn 9 bạn và đều đã thực sự là bạn diễn, có thể cùng diễn với thầy - cô những trích đoạn như Hạ sơn, Múa kiếm, Kim Liên tiễn mẹ, Hát giáo tuồng, Lê Lai cứu chúa; Trần Quốc Toản ra quân...

Lớp học hát dân ca đường phố do Trung tâm mở miễn phí cho các em thanh thiếu niên có niềm đam

 nmê bộ môn này tại số nhà 106 Bạch Đằng duy trì nhiều năm qua và ngày càng thu hút nhiều bạn trẻ tìm đến. Từ những lớp học này, nhiều “tài năng nhí” trong nghệ thuật dân ca, hô bài chòi, hò khoan đối đáp được các thầy cô phát hiện, bồi dưỡng, khuyến khích để ươm mầm thành những diễn viên kế cận để tham gia các buổi biểu diễn phục vụ du khách.

Anh Nguyễn Văn Quý, người trực tiếp đứng lớp giảng dạy hát dân ca, cho biết các bạn trẻ đến lớp học này sẽ được các thầy cô-vốn là những diễn viên trong đội biểu diễn nghệ thuật của Trung tâm sẽ chỉ dạy, hướng dẫn những tiết tấu cơ bản đến phức tạp. Từ những buổi học cơ bản với những làn điệu như hò Quảng, hò khoan, xàng xê, xuân nữ,… các thầy cô sẽ tìm ra những bạn có tư chất, đam mê, có thể tiến xa với dân ca, bài chòi, hò khoan đối đáp đặc trưng của xứ Quảng và tiếp lửa để các em có thể phát triển hơn.

Bên cạnh đó, tại các xã, phường cũng mở các lớp dạy hát dân ca, ngành giáo dục TP cũng đưa chương trình dạy hát dân ca vào các trường THCS, phối hợp với Trung tâm mở lớp dạy nhạc cụ dân tộc cho các em học sinh có nhu cầu... Từ những lớp học “ươm mầm dân ca” này, nhiều bạn trẻ đã trưởng thành và nhiều bạn như Vĩnh Phúc, Ngọc Trinh, Kiều Oanh… đã đạt được các giải thưởng cao ở những cuộc thi hát dân ca cấp thành phố, cấp tỉnh. Từ đó cũng phát hiện các em có năng khiếu gửi đi đào tạo, có những chính sách khuyến khích để thu hút vào làm việc tại các đội biểu diễn nghệ thuật của Trung tâm, gầy dựng lực lượng nòng cốt cho phong trào văn nghệ quần chúng tại địa phương, đào tạo lớp diễn viên, nhạc công kế cận tham gia các chương trình biểu diễn, quảng bá nghệ thuật truyền thống dân tộc đến với du khách. 

KHÁNH CHI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top