Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Những ký ức sống động ở “Điện Biên năm ấy”

Thứ Bảy 04/05/2019 | 10:23 GMT+7

VHO- Triển lãm chuyên đề “Điện Biên năm ấy” đã khai mạc chiều 3.5 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Đây là hoạt động được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 – 7.5.2019), tôn vinh và tri ân cán bộ, chiến sĩ và những người đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, đem đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh, chiến thắng Điện Biên Phủ là một thắng lợi vĩ đại, mang tầm vóc thời đại và ý nghĩa to lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong những năm tháng hào hùng ấy, cùng với những đoàn quân ra trận có nhiều nghệ sĩ đã trực tiếp tham gia chiến dịch. Họ đã ghi lại chân thực, sinh động cuộc sống, lao động, chiến đấu của quân và dân ta qua rất nhiều sáng tác, trong đó tiêu biểu có chùm ký họa của các tác giả Tô Ngọc Vân, Nguyễn Trọng Hợp…

Sau này, mảng đề tài về chiến thắng Điện Biên hào hùng vẫn được nhiều nghệ sĩ thể hiện thành công như hình ảnh người chiến sĩ pháo binh trong tác phẩm “Đẩy pháo” của Phạm Thanh Tâm, “Kéo pháo Điện Biên” của Trần Đình Thọ…; hình ảnh đoàn văn công phục vụ kháng chiến trong tác phẩm “Tiếng hát mùa chiến dịch” của Mai Văn Hiến; các hoạt động trong vùng kháng chiến, hậu phương qua tác phẩm của các họa sĩ Lê Quốc Lộc, Nguyễn Tiến Chung, Mai Văn Hiến…

Triển lãm thu hút đông đảo người xem

Đặc biệt, các nghệ sĩ Lê Lam, Ngọc Chi, Minh Khôi… còn khắc họa rõ nét hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - những người đưa dân tộc ta đến chiến thắng vinh quang. Trải qua những tháng ngày gian khổ, khốc liệt ấy, những chiến sĩ anh dũng trong chiến đấu, hy sinh quên mình cho chiến thắng của dân tộc cũng là đề tài được các nghệ sĩ thể hiện với lòng biết ơn sâu sắc qua các tác phẩm “Tô Vĩnh Diện chèn pháo” của Dương Hướng Minh, “Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng” của Lê Vinh.

Công chúng yêu hội họa được chiêm ngưỡng 39 tác phẩm trên nhiều chất liệu khác nhau, được 27 họa sĩ sáng tác trong và sau thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có nhiều tác phẩm lần đầu tiên ra mắt khán giả. Các tác phẩm đưa người xem về với những tháng ngày gian khổ, khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp và gặp gỡ những con người bình dị mà vĩ đại đã làm nên chiến thắng lẫy lừng này.

“Điện Biên năm ấy” cũng là tên gọi của tác phẩm sơn mài do hoạ sĩ Cao Trọng Thiềm, nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sáng tác năm 1994. Ông chia sẻ, tác phẩm không chỉ là câu chuyện nơi chiến trường, mà còn thể hiện khí thế toàn dân tham gia kháng chiến và tinh thần đoàn kết một lòng, cùng hướng về con đường giải phóng dân tộc.

Nói về “Điện Biên năm ấy”, hoạ sĩ Cao Trọng Thiềm vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc như khi ông được sống và hòa mình trong cuộc chiến đấu khốc liệt, chứng kiến thế hệ cha anh đi trước dũng cảm đồng lòng, sẵn sàng hi sinh cả tính mạng để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Đó chính là vốn tư liệu quý báu được tác giả tích lũy để sau này đưa vào tác phẩm của mình. Đối với họa sĩ Cao Trọng Thiềm, “Điện Biên năm ấy” chính là hình dung, là niềm tự hào của ông về chiến dịch Điện Biên Phủ mà cho đến tận sau này, khi trở về cuộc sống đời thường ông mới có điều kiện để tái hiện.

Hình ảnh các chiến sĩ pháo binh hướng nòng pháo về cứ điểm địch trong tác phẩm "Điện Biên năm ấy" (sơn mài, 1994) của hoạ sĩ Cao Trọng Thiềm

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, một trong những tác giả có tác phẩm trưng bày khẳng định, triển lãm giúp tái hiện một quá khứ anh hùng, một bài học lịch sử sinh động quý báu sẽ còn được ghi nhớ, trân trọng và truyền lại cho thế hệ mai sau. Hoạt động này cũng góp phần giáo dục truyền thống, lịch sử; khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng; bày tỏ lòng tri ân tới các cán bộ, chiến sĩ, những người có công làm nên chiến thắng vĩ đại, để các thế hệ hôm nay và mai sau có được cuộc sống bình yên.

Triển lãm mở cửa từ ngày 3- 10.5.

PHƯƠNG ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top