Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Khu di tích văn hoá Sa Huỳnh ngoài trời (Quảng Ngãi): Xem lại trách nhiệm ửng xử với di sản

Thứ Tư 08/05/2019 | 10:22 GMT+7

VHO-  Gọi là Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh nhưng phần lớn “trong ruột” là ảnh chụp quang cảnh, còn những khu vực khai quật khảo cổ trơ trọi nền đất không bảng chỉ dẫn. Ngay trên chính cái nôi vùng lõi của nền văn hóa Sa Huỳnh, nhiều người khi đến đây tham quan cũng cảm thấy thất vọng vì cách quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản nơi đây.

 Khu di tích văn hóa Sa Huỳnh hoang vắng bên bờ biển Long Thạnh

Nằm trong quần thể di sản văn hóa Sa Huỳnh, Khu di tích văn hóa Sa Huỳnh ngoài trời trên địa bàn nhiều xã thuộc huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) được xem là điểm nhấn trưng bày, tái hiện nền văn hóa cổ xưa của người Việt. Khu di tích xây dựng giới thiệu, bổ sung cứ liệu lịch sử cho các nhà nghiên cứu, đồng thời giới thiệu cho du khách về với “cái nôi” Sa Huỳnh. Tuy nhiên, sau hai năm đi vào hoạt động, nhiều nhà nghiên cứu, khách tham quan, người dân sở tại đến và không trở lại vì ngán ngẩm.

Nhà trưng bày văn hóa toàn… ảnh

Trong khuôn viên 400m2, Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh ở thôn Long Thạnh (xã Phổ Thạnh) trưng bày khoảng 500 hiện vật, ảnh, tài liệu theo chủ đề lịch sử phát hiện, nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi, Việt Nam; sự giao thoa văn hóa Sa Huỳnh với các nền văn hóa khu vực Đông Nam Á 3.000 năm trước. Tuy nhiên, phần lớn ở đây được trưng bày bằng hình ảnh khai quật, cảnh quan thiên nhiên, địa điểm phát hiện di tích văn hóa Sa Huỳnh.

Đối diện cửa chính vào nhà trưng bày là nhóm ảnh chủ đề lịch sử phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh. Ở đây có năm bức ảnh màu cỡ lớn với lời chú thích về di tích, địa điểm phát hiện di chỉ, hiện vật cư dân sa Huỳnh. Tuy nhiên, nội dung ảnh lại là vườn ngô xen lẫn cỏ héo úa của di tích xóm Ốc, cánh đồng tỏi ở di tích khảo cổ Suối Chình đảo Lý Sơn; đồi cát cỏ xanh cùng đôi bò ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn hay cảnh quan ở Thôn Tre huyện miền núi Tây Trà. Bên cạnh nhóm ảnh lịch sử văn hóa Sa Huỳnh là năm ảnh nhiều kích cỡ giới thiệu toàn cảnh vùng biển Sa Huỳnh, di tích khảo cổ gò Ma Vương…

 Hố khai quật phục dựng chỉ là nền đất, không mô tả, không thuyết minh

Chỉ tay lên những ảnh màu, ông Trần Văn Trung, Trưởng thôn Long Thạnh 2 thắc mắc: “Mấy cái địa điểm di tích này toàn là ảnh chụp cảnh quan thôi. Ảnh bò ăn cỏ ngay chỗ khai quật, cảnh núi huyện Tây Trà, đảo Lý Sơn. Mình hiểu nôm na nhưng treo như vậy là không đúng. Lịch sử phát hiện cả nền văn hóa mà ảnh có bấy nhiêu thì kỳ quá”. Đi vào sâu phía bên trong nhà trưng bày tiếp tục là những ảnh cảnh khai quật và bên dưới là những tủ trưng bày hiện vật về văn hóa Sa Huỳnh.

Nhà Trưng bày văn hóa Sa Huỳnh chỉ vỏn vẹn ba bộ sưu tập với hơn 120 hiện vật về Sa Huỳnh. Năm mộ chum lớn trưng bày khu chính diện; các hiện vật nồi, bình hoa bằng gốm, trang sức bằng đá, vỏ ốc, hạt chuỗi đủ kích cỡ được bày biện sơ sài, đơn giản. Giữa không gian rộng lớn của nhà trưng bày, đập vào mắt người xem là 250 bức ảnh đa dạng kích cỡ, màu sắc giới thiệu di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh. “Ảnh nhiều hơn hiện vật, mà hiện vật thì phần lớn giống nhau chỉ khác kích cỡ. Còn lại là ảnh cảnh quan thôi. Đến bảo tàng hay nhà trưng bày là mình xem hiện vật nó như thế nào, ra sao để biết chứ còn ảnh màu đẹp mới chụp thì xem có ý nghĩa gì đâu”, du khách Nguyễn Văn Việt thất vọng.

Cách nhà trưng bày 300m là di tích khảo cổ học Long Thạnh trên gò Ma Vương. Tại đây, hai hố khai quật có diện tích 223m2 và nhà bao che rộng 320m2 xây dựng ngay vị trí phát hiện Kho Chum Sa Huỳnh từ những năm 1909. Hố khai quật phía Nam gò Ma Vương phục dựng 16 ngôi mộ táng của cư dân Sa Huỳnh; hố khai quật phía Bắc phục dựng tầng văn hóa Sa Huỳnh 3.000 năm trước. Thế nhưng, bên trong di tích hố khai quật nhiều tầng đất nông, sâu được phục dựng bằng những mảnh gốm vụn vỡ xỉn màu, nằm rải rác. Tại đây không bảng chỉ dẫn, không lời thuyết minh, mô tả, di tích được phục dựng trơ trọi trên nền đất “đánh đố” người xem.

“Tôi nhiều lần đưa bạn ở phương xa về đây tham quan. Nói thật là nhìn hố di tích trơ trọi này không hiểu gì cả. Nếu may mắn gặp người của bảo tàng hay đoàn chuyên gia thì mình hỏi còn biết được về di tích. Còn không thì chịu. Tôi cũng không dám giới thiệu với bạn bè, người quen vì ngại quá”, anh Trần Thanh Hùng ngán ngẩm.

Bên trong nhà trưng bày chủ yếu là ảnh

Khu di tích không cần người đến…

Khu bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa Sa Huỳnh được xây dựng trên diện tích 20 ha ở Gò Ma Vương, thôn Long Thạnh 2, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. Khu bảo tồn gồm các hạng mục bảo tồn ngoài trời, nhà trưng bày bổ sung di tích, di vật thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh từng được các nhà khảo cổ khai quật ở Quảng Ngãi trong vòng 100 năm qua.

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 32 tỉ đồng từ nguồn vốn mục tiêu Quốc gia và ngân sách tỉnh Quảng Ngãi. Xây dựng từ năm 2012 kéo dài đến 2017 đi vào hoạt động, Khu bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Sa Huỳnh được giới thiệu là điểm nhấn kết nối với “Con đường di sản miền Trung” tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế”.

Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động năm 2017 đến nay, khu di tích này không được như “bánh vẽ” của dự án. Chỉ tính từ giữa năm 2018 đến nay, di tích này đón chưa đến 200 khách tham quan. Khu di tích phục vụ nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa Sa Huỳnh, thu hút khách du lịch nhưng chỉ mở cửa từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần. Ngày cuối tuần đóng cửa, không đón khách. Ông Nguyễn Rồi, bảo vệ khu di tích Sa Huỳnh ngoài trời cho biết: “Thứ Bảy hay Chủ nhật mà vào xem thì phải liên hệ trước, xin ý kiến lãnh đạo ngoài thành phố cho phép thì mới mở cửa. Khách đi đoàn thường có người hướng dẫn, khách đi đột xuất thì tui kiêm luôn hướng dẫn cho khách. Mình biết gì thì nói nấy thôi”.

“Nhiều cơ quan và anh em biết tui là trưởng thôn họ liên hệ nhờ vào tham quan. Mình phải chạy qua liên hệ bên nhà trưng bày nhưng Chủ nhật nội quy không đón khách thì lỡ đi rồi cũng về thôi chứ không mở cửa. Nội quy người ta quy định từ trên tỉnh xuống sao mình làm trái được. Không dám mở cửa là vậy”, Trưởng thôn Long Thạnh 2 băn khoăn. 

NAM MINH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top