Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Chuyện về họa sỹ cả đời vẽ chân dung Bác Hồ

Thứ Năm 09/05/2019 | 22:49 GMT+7

VHO-  Tuy không được đào tạo bài bản về hội họa, chưa một lần được gặp Bác Hồ, nhưng họa sỹ Lê Nguyên Thái (nghệ danh Lê Thái) đã vẽ hàng trăm bức tranh về Người.

Con đường đến với nghệ thuật hội họa, tranh cổ động của người nghệ sỹ này tuy tình cờ nhưng đã gắn bó với ông cả cuộc đời. Người họa sỹ có hoàn cảnh xuất thân nghèo khó nhưng có đôi tay tài hoa và niềm đam mê, nhiệt huyết với hội họa. Ông là một trong số những họa sỹ vẽ nhiều tranh chân dung Bác Hồ. Với những cống hiến cho nghệ thuật, năm 2007, họa sỹ Lê Thái được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sỹ Ưu tú.

Họa sỹ Lê Thái bên tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Một ngày đầu tháng 5/2019, khi những cánh phượng đầu hè bắt đầu nở, tôi đến thăm họa sỹ Lê Thái trên con phố Cầu Đất, gần Nhà hát lớn thành phố Hoa phương đỏ. Căn phòng khách vừa là nơi vẽ tranh, vừa là nơi ông nghỉ ngơi. Trong không gian nghệ thuật ấy, người họa sỹ già 81 tuổi chia sẻ về nguồn cảm hứng tạo nên những bức tranh khắc họa hình ảnh lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam: "Bác Hồ với nông dân", ''Bác Hồ với công nhân nhà máy xi măng Hải Phòng'', "Trên đường suối reo"... Đồng thời, người họa sỹ cũng tâm sự về cuộc đời mình.

Họa sỹ Lê Thái sinh năm 1938 trong một gia đình trung lưu tại TP Cảng. Cuộc đời ông gặp nhiều trắc trở, gian truân, cha mẹ mất sớm khi ông còn nhỏ. Sau đó, ông được một người họ hàng nhận nuôi. Trong những năm tháng thơ ấu, ông có niềm đam mê hội họa. Nhà của ông gần nhà văn hóa thành phố. Hàng ngày, cậu bé trèo lên cửa sổ nhìn sang ngắm nhìn các bạn vui chơi, học đàn, học hát. Ở cuối nhà văn hóa, Lê Thái chăm chú vào lớp dạy vẽ. Tình cờ, thầy giáo bước tới, dẫn cậu bévào lớp học. Sau khi cho cậu bé vẽ xong bức tranh đầu tiên, thầy giáo cho cả lớp xem và nói cậu có năng khiếu hội họa. Từ đấy, Lê Thái theo thầy giáo học vẽ. 

Đến năm 15 tuổi, những bức tranh do ông vẽ dần dần mang đường nét của một họa sĩ chuyên nghiệp, công chúng biết đến và đánh giá cao. Từ đó, họa sỹ gắn bó cả cuộc đời mình với công việc vẽ tranh cổ động, đề tài chủ yếu là vẽ chân dung Bác Hồ... Cơ duyên đến với nghề vẽ tranh cổ động, vẽ tranh Bác Hồ đối với họa sỹ Lê Thái thật tình cờ. Trong khi nghiên cứu các tài liệu để vẽ tranh, ông tìm được một bức ảnh của Bác. Hình ảnh Bác với thần thái trang nghiêm, bác ái, hiền hòa. Những cảm xúc đó thôi thúc ông cầm cây cọ vẽ hình tượng của Bác. Từ đó, ngày nào ông cũng luyện tập để vẽ chân dung Bác Hồ qua các bức tranh, ảnh sưu tầm....

Một số bức tranh về Bác Hồ

Năm năm 1957, nhân kỷ niệm 2 năm Ngày giải phóng Hải Phòng, nhạc sĩ Trần Hoàn (lúc đó là Giám đốc Nhà văn hóa thành phố) giao cho họa sỹ Lê Thái hoàn thành một tác phẩm lớn. Đó là vẽ một bức chân dung Bác Hồ treo trước cửa Nhà hát lớn có chiều cao tới 5m. Để hoàn thành trọng trách được giao, ông tìm các những tư liệu, bức ảnh của Bác và đọc những câu chuyện về Người để nắm được những yếu tố cốt lõi. Ngày ấy, vẽ tranh khổ lớn rất khó khăn, phải dùng những chiếc bàn to, bàn nhỏ kê chồng lên nhau để đứng. Dù rất nguy hiểm nhưng người họa sĩ trẻ vẫn cố gắng hoàn thành bức vẽ bằng tất cả khả năng. Được lãnh đạo tin tưởng, họa sỹ trể vừa mừng, vừa lo. Với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, trong một tuần, họa sỹ Lê Thái dồn toàn bộ tâm trí vào công việc. Sau đó, bức vẽ được hoàn thành, treo trang trọng trên tường Nhà hát lớn. Đến nay, họa sỹ Lê Thái không thể nhớ được đã vẽ bao nhiêu bức chân dung Bác Hồ.

Tranh cổ động, nhất là tranh vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức lan tỏa mãnh liệt. Để tạo nên được khả năng kỳ diệu ấy chính là nhờ đôi tay, khối óc của những tác giả miệt mài và hoàn thành tác phẩm đúng tiến độ. Họa sỹ Lê Thái chưa từng lỡ hẹn một bức tranh nào. Tuy nhiên, ông cũng từng gặp một "sự cố nghề nghiệp" đáng nhớ. Ngày Bác Hồ từ trần, họa sỹ Lê Thái nhận nhiệm vụ vẽ bức chân dung Bác treo vào sáng hôm sau để nhân dân thành phố đến vĩnh biệt Bác lần cuối. Bức chân dung hoàn thành vào 3 giờ sáng. Tuy nhiên, khi kiểm tra tác phẩm thì phát hiện những "vết mốc" trên bức vẽ do chất liệu màu bị hỏng. Không thể sửa chữa, không thể để bức di ảnh của Người không hoàn hảo, ông cặm cụi làm lại ngay trong đêm. Đến 9h sáng hôm sau, bức vẽ được hoàn thành kịp giờ cử hành lễ viếng, như một lời biết ơn sâu sắc của họa sĩ tới Bác.

Theo họa sỹ Lê Thái, khả năng vẽ đẹp và nhanh của ông là do tình cảm kính yêu đối với vị cha già dân tộc. Tuy chưa một lần được gặp Bác Hồ nhưng họa sỹ Lê Thái tìm hiểu hàng ngàn tư liệu ảnh, sách, báo, thơ văn về Bác để thể hiện Bác qua tranh với một góc nhìn mới, sinh động hơn, giàu tính nhân văn hơn. Bên cạnh những bức "truyền thống" như: Bác ngồi đọc sách, duyệt công văn, câu cá, vui với các cháu thiếu nhi... được nhiều nghệ sỹ khai thác, họa sỹ Lê Thái đã “sáng tạo” thêm nhiều bức tranh “độc và lạ” như bức tranh: Bác Hồ đang đánh đàn ghita thể hiện sự gần gũi của Bác với công nhân lao động Hải Phòng năm 1962. Bức tranh này do ông sưu tập được ảnh trên báo...

Do đọc nhiều, cảm nhận về Bác qua những trang sách và xem ảnh Bác đi thực tế, ông dành trọn sự nghiệp cuộc đời cho nghệ thuật tranh cổ động. Với ông, mỗi bức tranh vẽ chân dung Bác Hồ đem lại một cảm xúc khác nhau. Nhưng trên hết, khi nghĩ về Bác, mỗi chúng ta sẽ trong sáng hơn. Đa số các bức tranh ông vẽ thường trực nằm trong sức ép của thời gian. Những bức vẽ khó nhất, đòi hỏi nhiều công sức nhất cũng chỉ trong khoảng một vài tuần. Trong số hàng ngàn bức vẽ trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình, ông Lê Thái vẽ những bức tranh khổ lớn "kỷ lục" của dòng tranh cổ động. Ông kể, thời đó không có giàn giáo nên khi vẽ tranh lớn phải dùng bàn, ghế kê lên hết cỡ để đứng vẽ. Nhân dịp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, họa sỹ Lê Thái được giao nhiệm vụ vẽ bức chân dung Bác Hồ cao 9m. Do "sợ độ cao" và điều kiện khó khăn nên ông đã "chia" bức vẽ thành hai phần, hoàn thành xong thì ghép lại thành một bức tranh hoàn chỉnh nhưng không ai phát hiện ra vết nối. Theo họa sỹ Lê Thái, việc khó nhất chính là độ chính xác của các nét vẽ tại đường nối phải thật hài hòa, cân đối...

Tranh cổ động chỉ có ý nghĩa vào những thời điểm nhất định của lịch sử, song họa sĩ Lê Thái vẫn gắn bó với nghề và yêu nghề. Với ông, thời nào cũng cần cổ vũ, tôn vinh, cần ghi nhận. Tranh cổ động không chỉ ghi lại sự kiện, mà xuyên suốt bằng chính "hồn" của sự kiện, cuốn hút, làm nên giá trị nghệ thuật đích thực. Với họa sỹ Lê Thái, mỗi bức tranh về Bác Hồ đều toát lên vẻ đẹp tâm hồn, khí chất của Người. Những bức tranh vẽ Bác Hồ của hoạ sĩ Lê Thái đều có hồn và lột tả được ánh mắt luôn lo nghĩ cho nhân dân, đất nước nhưng vẫn rất giản dị và gần gũi. Bằng tài năng và sự sáng tạo, họa sỹ Lê Thái đã góp phần lưu giữ hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trái tim của người dân Việt Nam qua các thế hệ.

HẢI ĐĂNG


 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top