Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Về quyết định giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản: Hàng nghìn ngư dân sẽ không được ra khơi?

Thứ Tư 22/05/2019 | 10:45 GMT+7

VHO- Bộ NN&PTNT vừa có quyết định giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các tàu cá địa phương, theo đó tàu cá hoạt động ở vùng khơi phải có chiều dài trên 15m và công suất 90 CV trở lên.

 Hàng nghìn tàu cá của ngư dân sẽ không được ra khơi?

Bộ này còn giới hạn cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu cá hoạt động vùng khơi các địa phương gồm: Bình Định 3.118 tàu; Phú Yên 451 tàu; Khánh Hòa 768 tàu; Ninh Thuận 568 tàu... Dư luận cho rằng, với quy định trên thì hàng nghìn ngư dân có tàu cá đủ điều kiện ra khơi nhưng vì hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản nên không thể ra khơi khai thác, đánh bắt hải sản vùng khơi.

Ngư dân gặp khó

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản các tỉnh Nam Trung bộ, hiện nay có gần 10.000 tàu cá có chiều dài trên 15m, công suất 90 CV trở lên. Chỉ tính riêng ở Khánh Hòa đã có khoảng 9.200 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên, trong đó có khoảng 1.170 chiếc có chiều dài từ 12m đến dưới 15m. Những tàu cá nói trên lâu nay vẫn quen vươn khơi, bám biển phát triển kinh tế góp phần bảo vệ biển đảo.

Tuy nhiên, theo quy định mới của Bộ NN&PTNT thì hàng nghìn tàu cá của ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung sẽ không được ra khơi do tàu cá không đủ điều kiện hoặc đủ điều kiện nhưng không còn hạn mức. Một số ngư dân băn khoăn nêu vấn đề, nếu nâng cấp tàu đạt tiêu chuẩn để ra khơi nhưng hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản của từng địa phương có số lượng ít như vậy liệu tàu cá của họ có được ra khơi? “Theo quy định mới, tàu cá của gia đình tôi muốn đủ điều kiện để được cấp giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi thì phải nâng cấp chiều dài tàu từ 15m trở lên, công suất tàu đạt trên 90 CV. Nhưng rất nhiều ngư dân băn khoăn sau khi nâng cấp liệu tàu cá của chúng tôi có được cấp giấy phép ra khơi”, ngư dân Huỳnh Phi Hùng (xã Phước Đồn) cho biết.

Theo anh Hùng, số tiền nâng cấp tàu cá là quá lớn, đóng mới tàu thì còn lớn hơn rất nhiều, điều này ngư dân buộc phải đi vay ngân hàng. Trong khi vay ngân hàng đâu có dễ phải thế chấp nhà cửa, chịu mức lãi cao nếu nâng cấp tàu mà không được ra khơi thì ngư dân đổ nợ. Trong khi đó chị Nguyễn Thị Tâm, một ngư dân (TP Tuy Hòa, Phú Yên) bức xúc: “Bộ NN&PTNT muốn hạn mức là ban hành văn bản, tuy nhiên Bộ có biết sau văn bản đó là hàng nghìn ngư dân sẽ gặp khó?”.

Theo chị Tâm, tàu cá của dân không được ra khơi, nguồn thu nhập từ đánh bắt cá không có họ sẽ sống thế nào? Bộ có giải pháp nào kiến nghị Chính phủ hỗ trợ ngư dân gặp khó hay chưa? Bộ có xây dựng lộ trình để ngư dân nâng cấp tàu, đóng tàu mới để tiếp tục ra khơi hay không? Văn bản hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản của Bộ NN&PTNT khác nào “tước” quyền ra khơi bám biển của ngư dân?

Kiến nghị Bộ NN&PTNT điều chỉnh

Theo quyết định phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các địa phương đã tồn tại nhiều bất cập. Theo số liệu mà Bộ NN&PTNT phân bổ cho tàu cá được phép khai thác vùng khơi quá ít như: Phú Yên 451 tàu; Khánh Hòa 768 tàu; Ninh Thuận 568 tàu… Chỉ tính riêng ở Khánh Hòa được Bộ NN&PTNT giao hạn mức 768 giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi, trong đó có 764 tàu cá hiện có và 4 tàu cá đã được cấp văn bản chấp thuận đóng mới có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên.

Trong khi đó, theo số liệu của Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, hiện nay toàn tỉnh Khánh Hòa có 1.366 chiếc tàu có chiều dài trên 15m và công suất trên 90 CV. Như vậy theo quy định mới của Bộ NN&PTNT sẽ có 598 chiếc tàu cá ở Khánh Hòa đủ điều kiện nhưng không được cấp phép ra hoạt động đánh bắt cá vùng khơi và những ngư trường truyền thống như: Trường Sa, Hoàng Sa, DK1... Tương tự các tỉnh Nam Trung Bộ như Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận sẽ có hàng nghìn ngư dân có tàu không được ra vùng khơi đánh bắt cá nên đời sống, việc làm đối diện khó khăn.

Trao đổi với Văn Hóa về những vấn đề liên quan nêu trên, ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, để giải quyết khó khăn trong việc thực hiện cấp giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi của tàu cá, tạo điều kiện cho ngư dân tham gia khai thác thủy sản tại các ngư trường truyền thống Trường Sa, Hoàng Sa, DK1…, Chi cục đã báo cáo Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Bộ này xem xét, cấp bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi cho tàu cá của tỉnh. Nếu được bổ sung, Chi cục Thủy sản sẽ tiếp tục hướng dẫn ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu cá nhằm đảm bảo điều kiện hoạt động ở vùng khơi. 

XUÂN HƯỚNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top