Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Sức hút từ “Con chim xanh”

Thứ Tư 22/05/2019 | 10:50 GMT+7

VHO- Nhà hát Tuổi Trẻ vừa ra mắt vở kịch dành cho thiếu nhi mang tên Con chim xanh với một nỗ lực rất lớn để tiếp cận khán giả nhí. Đây là tác phẩm nghệ thuật kinh điển của thế giới với một sân khấu được đầu tư và dàn dựng công phu, kỹ lưỡng.

 Mặc dù vở diễn được xây dựng cho đối tượng khán giả nhí ở độ tuổi từ 6 đến 10 nhưng chính các bậc phụ huynh, những người lớn tuổi cũng bị cuốn hút theo câu chuyện và cả những ý tưởng thật đẹp mà Con chim xanh gửi gắm. Vở kịch Con chim xanh của tác giả Maurice Maeterlinck ra đời cách đây đúng 100 năm. Dẫu là một kiệt tác của sân khấu thế giới nhưng không phải quốc gia nào cũng lựa chọn dựng bởi vở viết theo hình thức sân khấu kịch phi lý, với thời lượng dài 3 tiếng đồng hồ, việc dàn dựng cũng rất tốn kém, đòi hỏi lượng diễn viên tham gia khá lớn… Cách đây 2 năm, Nhà hát Tuổi Trẻ đã dựng Con chim xanh với sự hợp tác của đạo diễn người Bỉ Xavier Lukowski cùng đạo diễn Sĩ Tiến. Có lẽ vẫn chưa thực sự hài lòng với phiên bản đầu tiên dài 1 tiếng 40 phút và vở diễn vẫn còn khó hiểu với nhiều tầng ngữ nghĩa đối với khán giả nhí. Vì vậy, đạo diễn Sĩ Tiến đã bắt tay vào phục dựng lại. Với nỗ lực của ê kíp sáng tạo và đặc biệt dàn diễn viên tài năng, có nghề, có tấm lòng yêu trẻ thơ, Con chim xanh đã được thổi một sinh khí mới, một sự trẻ trung và đặc biệt là gần gũi hơn với khán giả thiếu nhi.

Trong thời lượng 60 phút, những khán giả nhí ở độ tuổi từ 6 đến 10, lứa tuổi hiếu động ấy lại có thể kiên nhẫn, chăm chú, không rời mắt khỏi sân khấu một phút giây. Chỉ khi các nhân vật Tin Tin, My Tin an toàn trở về ngôi nhà thân yêu trong vòng tay cha mẹ thì các vị khán giả nhí mới chịu reo hò một cách sung sướng trước cái kết đầy có hậu của câu chuyện. Vẫn trung thành theo mạch kịch cũng như nội dung tư tưởng của kịch bản nguyên gốc viết về cuộc hành trình của hai bạn nhỏ, là anh trai và em gái con của một người thợ rừng nghèo khổ, đi tìm kiếm Con chim xanh – được biết đến là sứ giả của hạnh phúc mang về chữa bệnh cho một em bé hàng xóm.

Cuộc hành trình của hai bạn nhỏ diễn ra trong một thế giới kỳ diệu mộng tưởng cùng những thử thách hiểm nguy. Vở diễn mang đến cho các em nhỏ những cảm nhận sâu sắc về giá trị của hạnh phúc, tình bạn và lòng nhân ái. Thay vì dài 3 tiếng như nguyên gốc hay ngắn hơn là 1 tiếng 40 phút như bản dựng đầu tiên ở Nhà hát Tuổi Trẻ, đạo diễn Sĩ Tiến đã mạnh dạn biên tập cô đọng hơn trong đúng 1 tiếng đồng hồ. Con chim xanh vẫn đảm bảo giá trị nội dung và tư tưởng của kịch bản gốc nhưng điều thú vị là những tình huống, những câu thoại của các nhân vật trong kịch đã được Việt hoá gần gũi hơn với khán giả Việt Nam, nói cách khác là phù hợp với tâm lý cũng như góc nhìn của lớp khán giả ở độ tuổi khá đặc biệt này.

Đạo diễn Sĩ Tiến tâm sự: “Với các khán giả nhỏ tuổi, chúng ta phải dàn dựng rất kỹ lưỡng, tỉ mỉ đến từng chi tiết, nếu không chân thật, các em nhỏ sẽ không còn tin và dĩ nhiên chúng sẽ chán. Đã tới lúc phải thay đổi tư duy dàn dựng cho sân khấu thiếu nhi. Muốn phát huy trí tưởng tượng và thuyết phục được các em, chúng tôi áp dụng những công nghệ kỹ thuật sân khấu hiện đại như màn hình led, hiệu ứng của máy chiếu tạo ra những không gian về chiều sâu 3D lớn. Chúng tôi muốn tác động vào tư duy sở thích khám phá thế giới của các em bằng xu hướng giải trí và thưởng thức tiên tiến”.

Đó là lý do mà khán giả nhí được hòa mình vào những không gian sân khấu thật đẹp và lãng mạn, gặp gỡ những nhân vật thần thoại và để khám phá hơn về thế giới thiên nhiên, các loài động vật đang sống xung quanh mình. Chị Tâm, một phụ huynh cho hai con nhỏ đi xem chia sẻ: “Tôi thấy việc sử dụng công nghệ hiện đại như màn hình chiếu 3D cải tạo được chiều sâu tạo sự sống động và rất hấp dẫn. Tôi thấy các cháu nhà tôi rất thích khi đi xem kịch nhưng lại có được cảm giác như đang ở trong phòng chiếu điện ảnh. Hành động và lời thoại của nhân vật trong vở đã được Việt hóa khiến trẻ em rất thích thú như được xem chính mình trên sân khấu. Bản thân người lớn như tôi cũng thấy mới mẻ, hấp dẫn. Mong rằng sẽ có nhiều chương trình nghệ thuật được dàn dựng với xu hướng hiện đại như thế này”.

HOÀI OANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top