Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Trường THPT Trương Định (Hà Nội)  bị xuống cấp nghiêm trọng: Biết rồi, hãy chờ đấy...

Thứ Tư 22/05/2019 | 11:01 GMT+7

VHO- Được xây dựng từ năm 1973, sau 46 năm sử dụng, đến nay cơ sở vật chất của Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) đã xuống cấp nghiêm trọng. Hàng loạt các vết nứt dài chằng chịt cùng những mảng vữa trần tại các phòng học bong tróc đã được phát hiện liên tục từ năm 2008.

Nhiều hạng mục được gia cố nhưng có thể đổ sập bất cứ lúc nào

 Thế nhưng, suốt hơn 10 năm nay, thầy và trò trường THPT Trương Định vẫn phải ngày ngày dạy và học trong sự lo lắng, bất an vì nhiều hạng mục dù đã được gia cố nhưng có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

11 năm nơm nớp lo sợ

Thầy giáo Ngô Quốc Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định cho biết, trường THPT Trương Định được xây dựng từ năm 1973, đến nay cơ bản vẫn giữ nguyên kiến trúc và các hạng mục xây dựng, gồm 2 khối phòng học 3 tầng với tổng số 30 phòng học và khối nhà làm việc cùng một số hạng mục phụ trợ khác. Hệ thống phòng học do xây dựng từ quá lâu nên xuống cấp nghiêm trọng, mái dột, các khối nhà lún, nứt, một khối nhà học đã nghiêng… Đặc biệt, hành lang bê tông dài khoảng 50m nối 2 đơn nguyên phòng học bị nứt toác, dù được gia cố bằng dầm sắt nhưng chưa biết đổ sập lúc nào. Mấy năm gần đây, mặc dù tình trạng xuống cấp ngày càng nghiêm trọng nhưng trường vẫn phải tuyển sinh, thầy và trò vẫn phải hằng ngày lên lớp.

Năm học 2018-2019, Trường THPT Trương Định có 43 lớp với 1.870 học sinh. Trong đó, 13 lớp 12, 14 lớp 11 và 16 lớp 10. Năm học sắp tới, trường sẽ tuyển 720 học sinh vào lớp 10, tương đương 16 lớp. Số lượng giáo viên, nhân viên cả biên chế và hợp đồng là 108 người. Nhu cầu học tập và số lượng học sinh rất lớn. Tuy nhiên, nhiều phòng học đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là dãy nhà B có dấu hiệu bị nghiêng, nhưng đến nay vẫn phải sử dụng vì không có lớp học thay thế. “Khoảng một năm trở lại đây, cơ sở vật chất của trường bị xuống cấp nghiêm trọng, nhà trường đã báo cáo sự việc này với Sở GD&ĐT, UBND quận Hoàng Mai và TP Hà Nội. Ngay trong tháng 5.2019, Sở GD&ĐT cũng đã có văn bản yêu cầu nhà trường phải đảm bảo an toàn cho học sinh và trường cũng đã có những biện pháp gia cố và cảnh báo cho học sinh. Được biết, dự kiến trong năm 2019 sẽ triển khai xây dựng cơ sở trường mới nhưng cho tới nay đã gần hết tháng 5 vẫn chưa có động tĩnh gì. Năm nay, trường vẫn tuyển sinh bình thường. Nếu xây dựng trường mới, chúng tôi sẽ thuê địa điểm để dạy và học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận Hoàng Mai”, Phó hiệu trưởng Ngô Quốc Bảo chia sẻ.

“Tử thần” rình rập

Theo ghi nhận của Văn Hóa, nhiều cột trụ chịu lực ở dãy nhà B, các mảng bê tông, vôi vữa đã bị bung vỡ để lộ phần gạch, cốt sắt thép gỉ sét. Nhiều bức tường nứt toác ngang dọc, lớp vữa trát phía ngoài và lớp sơn bị bong tróc rơi xuống từng mảng lớn, có mảng đã được gia cố, có mảng vẫn nguyên trơ gạch. Thầy giáo Trần Văn Huynh, cán bộ phụ trách cơ sở vật chất nhà trường cho biết, hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường sau hơn 40 năm xây dựng đã xuống cấp. Rõ nhất là khu vực hành lang, từ nhà hiệu bộ sang các phòng học tòa nhà B. “Trong trận lụt năm 2008, Trường THPT Trương Định là trường bị ngập sâu và phải nghỉ lâu nhất trong số các trường học của Hà Nội. Những năm qua, nhà trường đã cố gắng đầu tư xử lý hệ thống thoát nước nên tình hình đã khả quan hơn rất nhiều. Những trận mưa đã không còn là nỗi ám ảnh đối với thầy và trò nhà trường nữa. Nhưng sự xuống cấp của hệ thống cơ sở vật chất ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động giáo dục của trường…”, ông Huynh nói.

Thông tin thêm về sự xuống cấp nghiêm trọng của các hạng mục xây dựng tại trường, thầy giáo Trần Văn Huynh cho biết: Năm 2018 đã có những vụ vữa trần rơi xuống tại phòng học của học sinh lớp 10 nhưng rất may là đều không học sinh nào bị thương. Thi thoảng, cán bộ nhà trường vẫn phải dùng gậy để chọc những mảng vữa, bê tông có dấu hiệu sắp rơi rụng để đảm bảo an toàn cho học sinh. Nhiều khu vực cũng đã được gia cố và gắn các biển cảnh báo nguy hiểm để học sinh không lại gần.

Trường mới, bao giờ?

Trước thực trạng đáng báo động trên, ngày 7.5.2019, trường THPT Trương Định đã có văn bản số 41/THPT-TĐ báo cáo Sở GD&ĐT Hà Nội về tình trạng xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng cơ sở vật chất của trường. Văn bản nêu rõ, hiện tại nhiều hạng mục tiếp tục xuống cấp trầm trọng hơn, dẫn đến hư hỏng, đổ sập bất cứ lúc nào. Nên nhà trường đã làm nhiều cảnh báo cho học sinh và giáo viên biết, để tránh các thiệt hại về sức khỏe và tính mạng. Mới đây, qua kiểm tra cơ sở vật chất, nhà trường phát hiện sự nguy hiểm của hành lang dẫn từ khu làm việc sang khu nhà học dãy B nên đã cho phong tỏa lối đi phía trên và phía dưới của nhà cầu. Đến thứ 3 ngày 7.5.2019, một đoạn lan can nhà cầu (trong khu vực được phong tỏa) đã bị đổ. Nhưng do nhà trường đã chủ động phương án nên sự việc trên không gây thiệt hại đối với giáo viên và học sinh. Với tình hình trên, trường THPT Trương Định rất mong các cơ quan thành phố, Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Thành phố và Sở GD&ĐT Hà Nội có phương án cấp thiết đẩy nhanh tiến độ đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất trường THPT Trương Định sớm để học sinh nhà trường được học tập trong môi trường an toàn, vệ sinh.

Trước đề nghị của trường THPT Trương Định, ngày 9.5.2019 Ban QLDA ĐTXD công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội đã có công văn phúc đáp. Công văn nêu rõ, dự án đầu tư xây dựng, cải tạo trường THPT Trương Định đã được HĐND, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong đó giao Ban QLDA làm chủ đầu tư. Đến nay, Ban QLDA đã hoàn thành các công tác chuẩn bị đầu tư, lập dự án đầu tư và đang trình Sở xây dựng thẩm định, phê duyệt.

Trước đó, vào ngày 6.9.2018 HĐND TP Hà Nội đã có văn bản thông báo thống nhất chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng cải tạo Trường THPT Trương Định và giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án năm 2019 - 2020, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu đào tạo và cảnh quan sư phạm, trường đạt chuẩn quốc gia.

Thế nhưng, trong thời gian chờ đợi dự án nói trên được thực hiện, gần 2.000 thầy trò Trường THPT Trương Định vẫn lo nơm nớp từng ngày khi phải thường xuyên đối diện với mối nguy hiểm không biết ập xuống lúc nào! 

QUỐC HÙNG - QUANG LONG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top