Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Lạ lùng chuyện “nhà mình”

Thứ Tư 02/10/2019 | 10:12 GMT+7

VHO- Trong chương trình thời sự 19g tối 30.9 trên VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam, khi đề cập ô nhiễm không khí ở Thái Lan, vợ tôi buột miệng nói: “Sao không nói chuyện “nhà mình”, nói chuyện “nhà người” làm gì?”.

Chuyện ô nhiễm không khí ở “nhà mình” đúng là có nhiều điều đáng nói. Không phải bây giờ mới ô nhiễm không khí nhưng mức độ, ảnh hưởng cũng như sự quan tâm của dư luận và người dân tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành khác chưa bao giờ nóng như bây giờ.

 Chỉ cần liệt kê một số tít báo cũng đã thấy mức độ ảnh hưởng ô nhiễm không khí ở Việt Nam đã nghiêm trọng như thế nào: “Hà Nội mù mịt trong ngày chỉ số ô nhiễm không khí cao kỷ lục”, “Không khí Hà Nội ô nhiễm tới ngưỡng gây hại cho sức khỏe”, “Ô nhiễm không khí Hà Nội ở ngưỡng đỉnh: Bụi mịn tấn công phổi như thế nào?”, “Ô nhiễm không khí đạt đỉnh mới, ngưỡng đặc biệt nguy hiểm, người Hà Nội không được ra ngoài”, “TP.HCM ô nhiễm không khí, mù giăng kín”, “Hoang mang, tổn thất sức khoẻ vì mù mờ thông tin cảnh báo ô nhiễm không khí”…

Đó chắc chắn không phải những tít báo giật gân, câu khách. Rất nhiều chuyên gia về môi trường, các bác sĩ cũng đã khuyến cáo ô nhiễm không khí và bụi mịn vượt ngưỡng cho phép như Việt Nam hiện nay ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân nói chung, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương, trong đó có người già, phụ nữ có thai, trẻ em và những người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch, thậm chí còn khuyến cáo người dân không được ra ngoài...

Thực tế ô nhiễm không khí đã ở tình trạng báo động trên phạm vi toàn cầu, nhưng cách “nhà người” phản ứng khác với “nhà mình”. Ở Thái Lan, cho dù mức độ ô nhiễm trong mấy ngày qua theo số liệu công bố vẫn thấp hơn ở Việt Nam nhưng nhà chức trách nước này đã kịp thời cảnh báo và yêu cầu người dân Thủ đô Bangkok mang khẩu trang khi ra đường. Thậm chí Thống đốc Thủ đô Bangkok cách đây mấy tháng đã từng ra quyết định chưa có tiền lệ là đóng cửa hàng trăm trường học công lập để bảo đảm sức khỏe cho học sinh trong bối cảnh khói bụi ô nhiễm tiếp tục bao phủ thành phố. Hàn Quốc coi ô nhiễm không khí là “thảm họa xã hội” và có nhiều biện pháp đối phó khẩn cấp. Thủ đô Bắc Kinh từng đội sổ về ô nhiễm không khí thì sau hàng loạt biện pháp quyết liệt, tình hình đã được cải thiện đáng kể… Xem ra chuyện “nhà người” đáng nói và cũng có chuyện để nói đấy chứ.

Nhìn người mà ngẫm đến ta. Điều lạ lùng là sự việc diễn ra trong một thời gian tương đối dài, dư luận và nhiều chuyên gia liên tiếp lên tiếng cảnh báo, người dân hoang mang lo lắng, nhưng hai cơ quan chức năng liên quan trực tiếp đến vấn đề này là Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế phản ứng rất chậm, thiếu hướng dẫn đầy đủ để người dân biết và thực hiện, thiếu những giải pháp căn cơ mang tính chiến lược với tư cách là cơ quan tham mưu cho Chính phủ lĩnh vực này. Còn Bộ Y tế thậm chí cho đến chiều qua vẫn chưa đưa ra bất kỳ một cảnh báo nào trước vấn đề đang ảnh hưởng trực tiếp một bộ phận không nhỏ người dân đang phải đối mặt hằng ngày, hằng giờ.

Cứ xem vào cách trả lời trên báo chí rõ ràng thấy hai thái cực. Trong khi các chuyên gia trong và ngoài nước liên tiếp cảnh báo, thậm chí còn khuyên người dân không nên ra đường thì đại diện các cơ quan chức năng lại “an dân” khi khẳng định Hà Nội không phải ô nhiễm nhất thế giới vì chỉ số có thể tăng giảm theo giờ; hơn nữa, với số liệu đo chỉ từ một điểm là Đại sứ quán Mỹ, có mật độ giao thông cao, nhiều công trình đang xây dựng, sẽ có thời điểm chất lượng không khí kém so với mặt bằng chung của thành phố và rằng do thời tiết hanh khô, độ ẩm trong không khí thấp và sẽ cải thiện nếu trời có mưa…

Điều đó đúng. Tôi biết, anh biết, ai cũng biết nhưng không thể không khẳng định ô nhiễm không khí của chúng ta đang ở mức trầm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe mọi người. Cũng không thể đổ cho ông Trời, do thời tiết, khí hậu và cũng đừng hy vọng ông Trời sẽ… đổ mưa. Đã đến lúc phải coi ô nhiễm không khí là “thảm họa xã hội” như Hàn Quốc để có những cảnh báo kịp thời, giải pháp căn cơ mang tầm chiến lược. 

PHAN THANH NAM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top