Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Học viện Múa Việt Nam: Cái nôi nghệ thuật của những nghệ sĩ múa

Thứ Sáu 25/10/2019 | 12:09 GMT+7

VHO- Sáng nay, tại Hà Nội, Học viện Múa Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của thầy và trò Học viện Múa Việt Nam suốt 60 năm qua trong công cuộc đóng góp vào sự phát triển văn hóa, nghệ thuật của nước nhà. Theo Thứ trưởng, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, một chặng đường với không ít khó khăn, thử thách nhưng cũng mang nhiều dấu ấn, Học viện Múa Việt Nam đã thực hiện tốt trọng trách được giao và ngày càng khẳng định vị thế của một trung tâm đào tạo những nhà quản lý, các giảng viên, diễn viên, biên đạo múa cho đất nước và một số nước trong khu vực, nhiều người được phong tặng danh hiệu cao quý như NSND, NSƯT, NGND, NGƯT và đóng góp không nhỏ trong lịch sử hình thành, phát triển của ngành múa Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu tại buổi lễ

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Thứ trưởng cũng lưu ý để phát huy truyền thống và những kết quả đã đạt được, Học viện Múa Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chương trình, giáo trình, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; phát huy hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị mới được đầu tư; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật thế giới trong đào tạo, bồi dưỡng tài năng múa gắn với xây dựng nếp sống văn hóa trường học, giữ gìn bản sắc văn hóa trường học, không để các tác động tiêu cực và tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường.

Đặc biệt, Học viện cần chú trọng cân bằng trong công tác đào tạo về thể lực, trí lực gắn với bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức của các học sinh, sinh viên - những thế hệ nghệ sĩ múa tương lai của đất nước.

Cũng tại buổi lễ, thầy và trò Học viện Múa Việt Nam đã ôn lại những kỷ niệm trên hành trình 60 năm phát triển. Theo đó, Học Viện Múa Việt Nam, tiền thân là Trường Múa Việt Nam được thành lập ngày 25.10.1959. Năm 2001, Trường Múa Việt Nam được Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Năm 2019, Trường tiếp tục được nâng cấp thành Học viện Múa Việt Nam theo Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 3 tháng 1 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ.

60 năm qua, từ cái nôi của Học viện Múa, hơn 3000 nghệ sĩ múa đã được đào tạo, trưởng thành và phục vụ cho đất nước. Đa phần trong số họ đều là những nghệ sĩ, diễn viên múa hàng đầu của Việt Nam, thậm chí một số người còn thành danh trên sân khấu quốc tế.

Tiết mục biểu diễn của các học viên tại Học viện

Đội ngũ giảng viên của Học viện có trình độ và chất lượng cao, trong đó 100% giảng viên có trình độ đại học, hơn 50% có trình độ thạc sĩ, 07 giảng viên có trình độ tiến sĩ, nhiều thầy cô được đào tạo tại nước ngoài: Nga, Ấn Độ, Trung Quốc.... Nhiều giảng viên lâu năm có trình độ chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm giảng dạy tốt, một số trong đó là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực múa; Đội ngũ giảng viên trẻ năng động và nhiệt tình, tâm huyết với nghề. Nhiều giảng viên, biên đạo, diễn viên múa trưởng thành từ mái trường này đã tỏa sáng và tạo dựng vị trí nghề nghiệp của mình cả trong nước và quốc tế. Nhiều nghệ sĩ đã sống được bằng nghề và khẳng định tài năng bằng nghề, họ tham gia ở các thành phần biên đạo, diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật cho các chương trình nghệ thuật lớn, nhỏ khắp đất nước.

Những ngệ sĩ như Vương Linh, Đặng Hùng, Cao Chí Thành… đã trở thành lớp nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước. Họ là những hạt nhân gieo mầm và nuôi dưỡng, phát triển nghệ thuật múa Việt Nam. Học viện cũng đã cho ra đời không ít tài năng biên đạo tới các quốc gia châu Âu, trở thành những nhà quản lý của các nhà hát nghệ thuật lớn như Huy Trần, Giám đốc nghệ thuật của Nhà hát Pfalztheater Kaiserslautern, Đức; Vũ Ngọc Khải làm việc tại Nhà hát Konzert Theater Bern, Thụy Sĩ... và các tài năng này thường xuyên trở về quê hương để tham gia giảng dạy, tập huấn, biểu diễn. Học viện Múa Việt Nam đã trở thành cái nôi của ngành nghệ thuật múa nước nhà, là cơ sở đào tạo đầu ngành về nghệ thuật múa.

Nói về điều này, NSƯT Trần Văn Hải, quyền Giám đốc Học viện, chia sẻ: “Chúng tôi rất tự hào khi các thế hệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp của nhà trường đã không ngừng phấn đấu trở thành những nhà quản lý giỏi, các giảng viên, diễn viên, biên đạo múa nổi tiếng trong và ngoài nước, nhiều người được phong tặng danh hiệu cao quý như NSND,NSƯT, NGND, NGƯT. Điều đó đã khẳng định vị thế của nhà trường trong công tác đào tạo Muá ở Việt Nam. Chúng tôi luôn nâng cao vị thế của Học viện, trong đó điều quan tâm nhất là đào tạo, bồi dưỡng con người”.

NSƯT Trần Văn Hải, quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam khẳng định trong thời gian tới, Học viện sẽ không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học

Kể từ khi nâng cấp lên Học viện, Ban lãnh đạo, cán bộ, giảng viên đã có những kế hoạch mới để nâng cao chất lượng đào tạo. Học viện đã xây dựng được Đề án đào tạo tài năng, tiêu chí tuyển sinh các lớp tài năng. Tăng cường gắn học tập với thực hành, Học viện đã phối hợp với các đơn vị nghệ thuật trong nước đưa HSSV tham gia các chương trình nghệ thuật có chất lượng. Ngoài ra, Học viện còn ký kết hợp đồng liên kết đào tạo với các nhà hát để cho “ra lò” dàn diễn viên Múa có chất lượng cao.

Hoạt động trao đổi, hợp tác với quốc tế cũng được nâng cao. Để có thể tạo cơ hội cho các học viên được tham dự các Festival, cuộc thi tài năng, các khóa đào tạo quốc tế hay thu hút học viên nước ngoài đến học tập...  Học viện đã triển khai hàng loạt kế hoạch điều chỉnh, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng giảng dạy, trình độ chuyên môn, biểu diễn… duy trì các mối quan hệ hợp tác với các quốc gia có nghệ thuật múa phát triển như châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, mời chuyên gia về tư vấn, giảng dạy, trao đổi các dự án nghệ thuật. Thậm chí, xa hơn một chút trong giai đoạn từ nay đến 2025, Học viện mong muốn thành lập thêm các phân viện tại TP.HCM, Huế…

Với quá trình phấn đấu không ngừng, Học viện đã được tặng thưởng nhiều Huân chương trong nước cũng như nước ngoài: Huân chương Lao động hạng Ba năm 1980, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1989, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1995, Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2004, Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2009, Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2014, Huân chương Lao động hạng Nhì Nhà nước Lào năm 2009.

Tại buổi lễ lần này, Học viện Múa Việt Nam một lần nữa được vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Nhà nước trao tặng.

ĐÌNH TOÁN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top