Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Cồn Sơn, băn khoăn giữa cơn thức - ngủ

Thứ Sáu 25/10/2019 | 12:32 GMT+7

VHO- Nằm giữa sông Hậu, chỉ cách thành phố Cần Thơ 6km, Cồn Sơn vẫn còn mang vẻ đẹp rất nguyên sơ và giống như một “thôn nữ đẹp đang ngủ”, chưa được ai đánh thức.

Cồn Sơn thuộc địa phận khu vực 1 phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, phương tiện chính để đưa người, hàng hóa, phương tiện qua Cồn Sơn là xuồng máy, cano hoặc tàu du lịch. Khách di chuyển đường bộ hướng đường Nguyễn Trãi - Cách Mạng Tháng Tám rẽ phải vào đường Huỳnh Mẫn Đạt, đi khoảng 300 mét là tới bến tàu du lịch Cồn Sơn (bến đò Cô Bắc).

Cồn Sơn được dân trong vùng gọi là "Cồn 6 không", bởi trước đây trên cồn không có điện, đường, trường, trạm, nước (nước sạch) và không chồng (phụ nữ Cồn Sơn trước kia nhiều người không lấy chồng). Người dân trên Cồn Sơn chủ yếu sinh sống bằng việc trồng cây trái ăn quả và làm thuê bên thành phố Cần Thơ. Chị út Hiền, hướng dẫn viên đưa chúng tôi qua Cồn Sơn kể: Trước đây, thu nhập của người dân Cồn Sơn rất bấp bênh, khó khăn, thiếu thốn trăm bề, cuộc sống lênh đênh sông nước, khiến không ít người bỏ quê lên bờ mưu sinh.

Tới năm 2014, Cồn Sơn có điện và nước sinh hoạt. Và từ năm 2015, người Cồn Sơn bắt đầu học làm du lịch cộng đồng. Mặc dù mới đang khai thác du lịch một cách đơn giản, bằng những thứ mình nhưng chính nét nguyên sơ ấy của Cồn Sơn lại hấp dẫn du khách. Hiện nay, có tới 70% khách du lịch đến với Cồn Sơn là khách Hà Nội, mỗi ngày có tới vài trăm khách trong nước và quốc tế tới đây.

Trước đây, người dân Cồn Sơn trồng cây để cho đẹp, để phục vụ cuộc sống thường nhật và bán thêm cải thiện cuộc sống nhưng từ khi làm du lịch cộng đồng, hơn 30 hộ dân ở đây đã liên kết với nhau, hỗ trợ nhau cùng làm du lịch cộng đồng, mỗi nhà một sản phẩm cây trái, một món ăn đặc trưng. Chị Bảy Muôn, trưởng câu lạc bộ du lịch cộng đồng Cồn Sơn cho biết: “Giờ khách đến Cồn Sơn sẽ được tham gia các hoạt động thăm vườn cây, trải nghiệm bắt cá trên kênh, xem cá nhảy, đi cầu khỉ, hái rau, thu hoạch quả tại vườn, học làm bánh và thưởng thức các loại bánh dân gian… Nhờ làm du lịch, cuộc sống của người dân Cồn Sơn thay đổi từng ngày”

Ở Cồn Sơn, du khách sẽ được thưởng thức một bữa ăn hết sức cộng đồng với tên gọi lạ kỳ "thực đơn bay". Khi du khách đặt ăn tại bất cứ hộ gia đình nào (trong số khoảng 30 hộ đang làm du lịch cộng đồng) ở Cồn Sơn. Các món ăn được chế biến từ những sản vật ngay tại cồn. Đặc biệt nhất là mỗi hộ dân sẽ đảm nhiệm nấu một món ăn theo sở trường của mình: Món gà xé trộn bưởi của nhà vườn Phương My, cá tài tử nướng lá sen của nhà Song Khánh, ốc nướng tiêu nhà chị Chín Nhỏ, cá lóc nấu mẻ nhà chị Năm Minh, làm bánh xèo, bánh khọt nhà chị Bẩy Muôn... Khi các món ăn được chế biến xong, các hộ gia đình sẽ mang tới nhà đang trực tiếp đón khách và bày biện hoàn chỉnh theo đúng thực đơn mà khách yêu cầu.

Ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc Công ty du lịch APT, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô cho rằng: Cồn Sơn có tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng và đã có những cách làm hay, những bước đi đúng. Tuy nhiên, để Cồn Sơn thực sự trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch và có sức cạnh tranh với các điểm du lịch cộng đồng khác trên cả nước cần có những đầu tư và định hướng đúng. Những thứ mà Cồn Sơn đang khai thác để làm du lịch hiện tại mới chỉ dừng lại ở việc tận dụng tài nguyên du lịch vốn có chứ cơ sở hạ tầng, dịch vụ ở Cồn Sơn hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch. Trong khi đó, Cồn Sơn hoàn toàn có khả năng để phát triển hơn nữa khi cải thiện đường giao thông, xây dựng các tour đi bộ, đi xe đạp, ngủ tại nhà dân…

Chính người dân Cồn Sơn cũng mong muốn các cấp, chính quyền quan tâm và tạo điều kiện phát triển, được tham gia các khóa tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, giao tiếp với khách và kỹ năng nghề du lịch, được làm giàu từ du lịch trên mảnh đất cha ông để lại.

Mới đây, UBND thành phố Cần Thơ đã có quyết định chủ trương đầu tư Khu du lịch Cồn Sơn theo tiêu chuẩn nghỉ dưỡng 5 sao kết hợp sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp, bảo tồn văn hóa địa phương, cung cấp dịch vụ ẩm thực, hạ tầng đồng bộ với tổng kinh phí hơn 1.500 tỉ đồng. “Đánh thức” vẻ đẹp tiềm ẩn của Cồn Sơn, phát triển Cồn Sơn thành điểm đến du lịch hấp dẫn thì ai cũng muốn nhưng nếu đầu tư vào đây dự án cao cấp hàng nghìn tỷ, liệu nơi đây có còn hút khách bằng vẻ đẹp thôn dã, nguyên sơ?

NGUYỄN ANH; ảnh: ANH VŨ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top