Cần khơi dậy ở người dân ý thức bảo vệ văn hoá, giá trị đạo đức truyền thống

VHO-Đặt vấn đề về mạng xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng bất cứ ai trong số chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân của những trò tấn công trên mạng xã hội. Từ đó bà đề nghị Chính phủ cần có biện pháp quản lý mạng xã hội chặt chẽ hơn.

Tiếp tục chương trình thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vào chiều 30.10, vị đại biểu tỉnh Đồng Tháp này cho rằng không thể phủ nhận hệ thống thông tin trên mạng xã hội đã có những ảnh hưởng tích cực đến đời sống của người dân nhưng mặt trái của nó lại đang có những tác động tiêu cực, gây tâm lý hoang mang và ai trong số chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân của những vụ tấn công vô hình của các trang mạng xã hội.

“Cử tri cũng đặt câu hỏi với chúng tôi là trong một số sự việc, giữa mạng xã hội và kênh thông tin chính thức của Chính phủ, kênh nào đang đóng vai trò dẫn dắt dư luận và có hay không hiện tượng bão mạng đang tạo áp lực cho tâm lý xã hội, buộc các cơ quan quản lý Nhà nước phải chạy theo xử lý? Tôi xin chuyển câu hỏi trên tới các cơ quan chức năng để có lời giải thoả đáng cho cử tri đồng thời đề nghị Chính phủ phải có biện pháp quản lý mạnh mẽ, chủ động hơn trong việc thanh lọc, hạn chế nạn tin xấu, tin độc và nâng cao vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc kịp thời định hướng thông tin, dẫn dắt dư luận”, đại biểu Hoa đề nghị.

Cần khơi dậy ở người dân ý thức bảo vệ văn hoá, giá trị đạo đức truyền thống - Anh 1

Đại biểu Hoa cho rằng cần khơi dậy ở người dân ý thức bảo vệ văn hoá, đạo đức, truyền thống

Trong phần thảo luận của mình, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cũng đặt vấn đề về môi trường xã hội và chất lượng đời sống tinh thần của người dân, trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, môi trường ô nhiễm, nạn tham nhũng vặt và các hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức, thậm chí nhiều vụ án giết người, xâm hại tình dục mà thủ phạm chính là người thân trong gia đình. Trong khi đó, nhiều hoạt động văn hóa như sự kiện, lễ kỷ niệm gây lãng phí nguồn lực, một số công trình, lễ hội nhân danh văn hóa tâm linh bị lạm dụng và biến tướng.

“Bên cạnh đó nhiều công trình nhân danh văn hoá tâm linh xây dựng có nguy cơ ảnh hưởng đến di tích, cảnh quan, môi trường, an ninh quốc phòng, nhiều lễ hội bị lạm dụng, biến tướng. Dường như chúng ta chưa có được một nền văn hoá phát triển bền vững. Theo tôi muốn có một nền văn hoá phát triển bền vững thì cần phải đưa các hoạt động văn hoá về gía trị thực chất để khơi dậy ở người dân ý thức bảo vệ văn hoá, đạo đức, truyền thống”, đại biểu Hoa đề xuất.

Lấy ví dụ về việc xây dựng văn hoá trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đại biểu Hoa cho rằng không nhất thiết chúng ta phải xây dựng thiết chế văn hoá để đủ điều kiện công nhận nông thôn mới mà điều quan trọng là phải thông qua việc xây dựng nông thôn mới để khôi phục lại văn hoá làng xã, tình làng, nghĩa xóm, “tối lửa tắt đèn có nhau”. “Đặc biệt là phải phát huy tinh thần làm chủ của người dân trong xây dựng nếp sống văn hoá, gắn văn hoá với phát triển kinh tế”, đại biểu Hoa nhấn mạnh.

THU SÂM

Ý kiến bạn đọc