Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bảo vệ và phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ: “Gồng gánh”nỗi lo bảo tồn

Thứ Hai 04/11/2019 | 11:13 GMT+7

VHO- Lo ngại tranh Đông Hồ đang dần bị mai một, tại hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại” diễn ra cuối tuần qua, các chuyên gia, nhà quản lý, nghệ nhân đã đề cập các giải pháp bảo tồn cấp bách nhằm lưu giữ những giá trị truyền thống của dòng tranh quý hiếm này.

 Dù mang nhiều giá trị truyền thống nhưng tranh dân gian Đông Hồ đang phải “loay hoay” tìm chỗ đứng trên thị trường Ảnh: TRẦN HUẤN

 

 Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được Chính phủ đồng ý xây dựng hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại với diện cần bảo vệ khẩn cấp.

Đối mặt với nhiều nguy cơ

Trong kho tàng di sản văn hóa dân gian, tranh Đông Hồ có vị trí rất quan trọng bởi tính chất lâu đời và phổ biến của nó. Trong đời sống đương đại, tranh dân gian Đông Hồ đã, đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khiến dòng tranh này ngày càng vắng bóng, đối diện với nguy cơ mai một, thậm chí biến mất. GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết, do tập quán chơi tranh và sử dụng tranh không còn phổ biến như trước, tục lệ mua tranh treo ngày Tết không còn nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn để duy trì hoạt động của các làng nghề đã biến mất.

“Trước năm 1945, làng Đông Hồ có chừng hơn 150 gia đình làm tranh dân gian. Đến nay số nhà làm tranh chỉ còn lại ba gia đình. Thay vì làm tranh, hiện Đông Hồ đã và đang trở thành một trung tâm sản xuất đồ mã lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khổng lồ của các hoạt động thực hành tín ngưỡng”, GS Bình nói. Giám đốc Bảo tàng gốm sứ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hòa bày tỏ trăn trở khi tranh dân gian Đông Hồ đang dần mất đi những nét đẹp truyền thống: “Dường như hiện còn tồn tại rất ít tranh điệp mà thay vào đó là loại giấy nguyên liệu rẻ tiền như giấy in báo nhập từ nước ngoài, được tính theo gam và được gọi là tranh “gam” hay “tranh hàng”. Một số tranh Đông Hồ hiện nay lại bị ảnh hưởng ít nhiều từ dòng tranh dân gian khác; đề tài cũng lan sang lĩnh vực tích truyện, tranh tứ bình”.

PGS.TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam nhận định, “hiện nay giấy dó làm tranh Đông Hồ không còn độ dai và bền như trước vì đã có sự can thiệp của máy công nghiệp trong quy trình sản xuất và sự pha trộn thêm các phụ chất. Màu tự nhiên cũng ngày càng khó kiếm nên bắt đầu có sự thay thế, cải tiến như màu xanh chàm trước đây chế từ lá chàm thì nay được làm từ lá khoai hoặc lá thân mềm khác… Màu trắng điệp do điệp ngày càng cạn kiệt trước sự ô nhiễm của các vùng biển, nên phải độn thêm các chất khác khi quấy hồ và khi quét cũng mỏng hơn dẫn đến giấy không còn được óng ánh như trước”. Nguyên Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam cũng nói thêm, những năm gần đây, màu hóa học bắt đầu thâm nhập vào nghề tranh. Ngoài việc đa dạng hóa bảng màu của tranh Đông Hồ thì tình trạng này sẽ làm ảnh hưởng không tốt đến tính nguyên bản của dòng tranh này. Thêm nữa, phẩm hóa chất không bền bằng màu tự nhiên, sau một thời gian sẽ bay màu, chỉ còn lại nền giấy và không thay thế được vẻ đẹp tự nhiên của màu sắc cổ truyền.

Cần những bước đi lớn

Ngoài việc mong muốn sớm hoàn thiện hồ sơ khoa học để đệ trình UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo bước ngoặt lớn trong bảo tồn dòng tranh này. TS Nguyễn Văn Đáp, Sở VHTTDL Bắc Ninh cho rằng: “Trước mắt, tranh dân gian Đông Hồ cần được đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ mai một của di sản để nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và cộng đồng. Bên cạnh đó, cần tăng cường phổ biến kiến thức, trang bị hiểu biết về giá trị, ý nghĩa của tranh dân gian Đông Hồ cho công chúng, nhất là thế hệ trẻ để họ biết quý trọng di sản cha ông để lại”.

Một giải pháp khả thi khác là mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề. Đây được coi là yếu tố quyết định, mang tính sống còn đối với việc duy trì nghề làm tranh dân gian Đông Hồ hiện nay. Ngoài thị trường trong nước, đầu ra cho sản phẩm cần được hướng ra thị trường nước ngoài. Khách nước ngoài hiện đang rất ưa thích các sản phẩm thủ công làm bằng tay, chứa đựng tinh hoa về văn hóa các dân tộc trong khi tranh dân gian Đông Hồ đáp ứng được những tiêu chí đó. “Chính quyền nên tạo điều kiện và giúp đỡ làng nghề tái chinh phục các thị trường truyền thống như Nga và Đông Âu, sau đó mở rộng sang các thị trường mới. Chúng ta cũng cần có các kế hoạch xúc tiến thương mại, xây dựng tranh Đông Hồ thành một sản phẩm văn hóa mang bản sắc Việt, trở thành thương hiệu văn hóa Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường thế giới”, TS Nguyễn Văn Đáp đề xuất thêm.

Để bảo tồn bền vững và lâu dài, nhiều nhà nghiên cứu cũng đề nghị và khuyến khích bảo tồn và phát triển làng tranh Đông Hồ thông qua con đường du lịch. Theo đó, quy hoạch, phát triển làng tranh dân gian Đông Hồ trở thành điểm du lịch cộng đồng để các hộ dân có thể tham gia phát triển. Đồng thời, để tour du lịch tại làng nghề thêm hấp dẫn, các nhà thiết kế, xây dựng sản phẩm cần phải thêm vào chương trình những hoạt động có giá trị như khách du lịch được tham gia vào các lớp học làm tranh, trải nghiệm các công đoạn sản xuất, quy trình để tạo ra một sản phẩm tranh hoàn thiện… 

 Việc thị hiếu nghệ thuật của công chúng ngày nay đang dần thay đổi dẫn đến việc tranh dân gian Đông Hồ không còn được mến chuộng như ngày trước. Để lấy lại được vị thế, nhất thiết phải thu hút được sự quan tâm của xã hội với dòng tranh này. Đặc biệt, để kế thừa được những giá trị tốt đẹp từ tranh dân gian Đông Hồ mà cha ông ta để lại, chúng ta cần lập tức truyền nghề cho giới trẻ và không ngừng duy trì, phát triển số nghệ nhân bởi đây sẽ là lực lượng giữ hồn cho nghề truyền thống.

(PGS.TS BÙI HOÀI SƠN, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia )

ĐÌNH TOÁN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top