Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Phẩm giá

Thứ Hai 04/11/2019 | 12:00 GMT+7

VHO-Mặc dù đã mường tượng được điều tồi tệ nhất từ hàng tuần nay nhưng không khỏi bàng hoàng khi 39 thi thể trong container ở Anh là người Việt. Xin chân thành thắp một nén nhang cầu nguyện cho những người con đất Việt không may mắn ở nơi xứ người.

Thật đau đớn khi gần như biết chắc đó là đồng bào mình nhưng vẫn phải chờ xác định căn tính và quốc tịch. Nỗi đau càng nhân lên bội phần khi những phận người vô danh sống trong bóng tối dần hé lộ.

Thật cay đắng khi nghe câu chuyện buồn về những chuyến xe tải ken kín người như những món hàng, về những “dân rơm” (straw people) sống trong bóng tối, đi “trồng cỏ” (cần sa) với giấc mơ đổi đời.

Để có cơ hội trốn tiếp, không bị trục xuất về nước, những người lao động nhập cư trái phép đã hủy hộ chiếu và bất cứ giấy tờ tùy thân nào khi “đường dây” đưa họ tới đất người. Sẵn sàng chối bỏ danh tính cá nhân, quyền là người, làm người. Là người mà không phải là người, không tên tuổi, quê quán, quốc tịch. Ám ảnh chúng ta nhớ lại thân phận con người trong tác phẩm của nhà văn người Czech, Franz Kafka (1883-1924), ông tổ của tiểu thuyết hiện đại phương Tây, khi thế giới nhân vật của ông như là một cái bóng vật vờ, một hồ sơ, một con số, một cái tên mà không có tên, cái tên viết tắt… Nỗi đau nào lớn hơn khi thân phận bị đánh mất, khi căn tính cơ bản nhất, phẩm giá con người không được công nhận, bị tước bỏ?

Không có ý trách móc, càng không dám dạy đời với những người đã khuất nhưng 39 số phận không may chỉ là con số nhỏ, ai đã thống kê được  biết bao nhiêu container đã trót lọt và hiện còn bao nhiêu người vẫn đang có ý định “chui lủi” đổi đời ở trời Âu? Mưu cầu việc làm, ước vọng giàu sang là quyền tự do cá nhân và chính đáng. Nhưng xin hãy suy ngẫm trước khi quyết định, không đánh đổi phẩm giá, tính mạng của mình với bất cứ thứ

 Con người là gì? Câu hỏi triết học tưởng đơn giản nhưng rất khó khai minh. Khi Nguyễn Công Trứ sang sảng tự vịnh Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông, cụ có ngờ đâu rằng gần 200 năm sau con cháu của cụ có người còn sẵn sàng chối bỏ quyền là người, làm người của mình.

Nhưng thôi, xin các bậc tiền nhân thể tất. Trong thảm họa nhân đạo này, với 39 người xấu số và với rất nhiều người đang sống chui lủi ở một phương trời nào đó, tất cả họ đáng thương hơn đáng giận. Họ là nạn nhân của nạn mua bán người và nhiều khi, nạn nhân của chính bản thân mình.

Rồi đây những kẻ môi giới, tổ chức đưa người lao động đi trái phép chắc chắc sẽ bị lôi ra ánh sáng, trừng trị đích đáng. Chính quyền, đoàn thể ở địa phương cũng sẽ thấy trách nhiệm của mình ở trong đó, tạo thêm công ăn, việc làm; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu hết những tác hại, rủi ro, cạm bẫy khi đi lao động xuất khẩu bất hợp pháp.

 E rằng như thế chưa đủ. Sâu xa và gốc rễ vẫn là ý thức, phẩm giá của mỗi người và rộng lớn hơn, của cả cộng đồng. Không thể tuyên truyền ngày một ngày hai mà cần được nuôi dưỡng,  giáo dục từ nhỏ. Giáo dục văn hóa nhân cách là thứ đang thiếu và đang cần hiện nay. Nhà trường hãy bớt đi những giáo điều cao siêu, tăng cường hơn cho các con nội dung văn hóa đạo đức trong lối sống, những điều  căn cốt thuộc về con người như phẩm giá, trung thực, lòng vị tha…

Làm sao để các con ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường không uống nước giẻ lau bảng dù đó là lệnh của cô giáo chủ nhiệm; để lớn lên không làm dâu xứ người khi bị quảng cáo như một món hàng, khỏa thân cho trai nước người săm soi tuyển vợ; từ bỏ danh phận, làm việc chui lủi ở xứ người… Đó là phẩm giá, bậc thang giá trị con người.

Làm sao để các con thấm đẫm lời dạy của cha ông qua câu tục ngữ “Người ta là hoa đất”. Con người là vẻ đẹp kết tinh, hoa của đất, hoa của muôn loài. Con người là trung tâm của vũ trụ. Vẻ đẹp con người, giá trị cao quý của con người là trường tồn, vĩnh cửu. Sống làm sao xứng với hai chữ CON NGƯỜI viết hoa.

Và làm sao để các con hiểu sâu sắc rằng, Tổ quốc này, non sông này từ ngàn đời nay vì độc lập, tự do, vì phẩm giá con người, “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”, quyết “hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước” như lời Bác Hồ dạy.

PHAN THANH NAM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top