Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Báo chí nhầm lẫn khi truyền thông về di sản văn hóa phi vật thể

Thứ Sáu 20/12/2019 | 11:44 GMT+7

VHO- TS Frank Proschan, cựu cán bộ chương trình cao cấp của UNESCO, cố vấn của UNESCO về Công ước 2003 về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, học giả Fullbirght 2019 -2020 đã khẳng định điều này tại Hội thảo chuyên đề “Huy động truyền thông trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể”.

Hội thảo do UNESCO Hà Nội, Cục Di sản văn hóa và Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam vừa phối hợp tổ chức tại Hà Nội.

Nhiều thuật ngữ bị dùng sai

Theo TS Frank Proschan, trong Công ước năm 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể không có khái niệm di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Các thuật ngữ có vấn đề, đang được nhiều tờ báo sử dụng có thể kể đến như: “di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, “di sản văn hóa phi vật thể thế giới”, “UNESCO công nhận”... Công ước ghi rõ: “Di sản văn hóa phi vật thể” được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng cũng như những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần di sản văn hóa của họ.

“Tức là di sản văn hóa phi vật thể chỉ được sở hữu, công nhận bởi cộng đồng, nhóm cá nhân và một số trường hợp là các cá nhân. Không có di sản văn hóa phi vật thể nào thuộc sở hữu của quốc gia hay của nhân loại mà chỉ có di sản văn hóa phi vật thể hiện có tại quốc gia nào đó”, TS Frank Proschan nhấn mạnh. Việc báo chí thông tin tới cộng đồng rằng UNESCO vinh danh, công nhận di sản nào đó là đại diện của nhân loại đã gây ra cách hiểu sai, rằng di sản đó được công nhận bởi UNESCO. Thực tế, di sản chỉ duy nhất được công nhận bởi cộng đồng sở hữu nó. Dùng khái niệm, thuật ngữ sai dẫn đến hiểu sai bản chất của di sản, tương đồng với ứng xử sai, thậm chí can thiệp sâu đối với việc thực hành và bảo vệ di sản...

Kết quả kiểm tra tỉ lệ sử dụng thuật ngữ chưa chính xác qua việc sử dụng công cụ tìm kiếm của Google cho thấy, phần lớn thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều văn bản của cơ quan quản lý nhà nước, của chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng chuyển tải sai là “UNESCO vinh danh, công nhận di sản văn hóa phi vật thể nào đó là của thế giới”. Đây là cách hiểu lầm tai hại. Vì nếu hiểu di sản văn hóa phi vật thể nào đó là của quốc gia, của nhân loại thì quốc gia, nhân loại có quyền can thiệp, thậm chí can thiệp quá sâu, làm ảnh hưởng đến quyền của cộng đồng sở hữu di sản, làm di sản trở nên méo mó.

Nhưng chuyên gia Frank Proschan cũng nói thêm, việc sử dụng các khái niệm, thuật ngữ chưa chính xác không chỉ có ở Việt Nam, cũng không chỉ có ở báo chí mà có thể bắt gặp ở nhiều quốc gia, châu lục, cũng như ở nhiều đối tượng khác. Và việc đổ lỗi cho báo chí cũng không đúng. Ở một góc nhìn nào đó, cái sai này do sự bất cẩn chứ không phải cố tình, mặc dù khá nguy hiểm.

Cần sự nhập cuộc từ nhiều phía

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng, việc hiểu và chuyển tải “lệch” các khái niệm về di sản văn hóa phi vật thể trong Công ước 2003, UNESCO đã nhận biết và cảnh báo từ lâu. Những sai lệch bắt nguồn một phần từ việc chuyển ngữ từ tiếng Anh, tiếng Pháp sang tiếng Việt. Tuy nhiên, vì điều kiện có hạn nên UNESCO chưa thể dịch, cập nhật liên tục. UNESCO cũng nhận thấy việc dịch, in tài liệu chưa hẳn hiệu quả bằng công tác tuyên truyền, tập huấn, đối thoại trực tiếp nên trước mắt sẽ phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan để tăng cường công tác này.

TS Phạm Cao Quý, Cục Di sản văn hóa chia sẻ, việc sử dụng thuật ngữ sai, không chỉ riêng báo chí, đã có từ lâu. Thực trạng này xuất phát từ hai lý do, một là nhận thức, quan điểm các di sản văn hóa đó thuộc về đâu, thuộc về Nhà nước, cơ quan quản lý hay cộng đồng? Thứ nữa, có thể do các cơ quan truyền thông dường như đã nâng cao vấn đề, cho rằng vinh danh di sản thì phải ở tầm thế giới mới xứng tầm vóc? “Mọi chuyện đang chạy theo hướng “một miếng giữa làng”, cái gì cũng phải nâng lên tầm quốc tế mới “oai”. Những ngày vừa qua, ngay trong khi truyền thông đang lên cao trào thông tin về di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cực chẳng đã nhưng tôi buộc phải đăng một status trên trang cá nhân để nhắc nhở mọi người rằng: “Không phải UNESCO công nhận Then là di sản văn hóa thế giới hay nhân loại. Di sản đó không thuộc về thế giới, nhân loại! Mà nó thuộc về cộng đồng, nơi nó được lưu giữ, thực hành”...”, theo TS Phạm Cao Quý.

TS Phạm Cao Quý cũng cho rằng, việc hiểu sâu, hiểu đúng về di sản văn hóa phi vật thể là cần thiết, nhưng thực tế là rất khó, nhiều lúc mơ hồ. Điều này có liên quan đến khía cạnh tiếp cận truyền thông về Công ước 2003. Di sản văn hóa phi vật thể có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống, có những đóng góp to lớn mà đến nay chúng ta chưa đánh giá, khai thác được hết. Ông Phạm Cao Quý cho rằng, cần hình thành một mạng lưới với sự tham gia đa chiều để từ đó chia sẻ những thông tin, cách nhìn nhận, đánh giá chính xác cho mọi đối tượng, trong đó có báo chí, truyền thông.

PHƯƠNG HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top