Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Phát hiện bãi cọc Cao Quỳ (Thủy Nguyên - Hải Phòng): Nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh

Thứ Hai 23/12/2019 | 11:48 GMT+7

VHO- Mênh mông một dải Bạch Đằng/ Nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh”, câu thơ nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giai đoạn lịch sử hào hùng chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII của dân tộc, đã được GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam đọc tại Hội nghị Báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ (Thủy Nguyên - Hải Phòng) hôm 21.12, đã phần nào nói hộ sự hứng khởi của biết bao nhà nghiên cứu trước sự phát hiện quan trọng bãi cọc hơn 700 năm tuổi.

 Quang cảnh Hội nghị

Các nhà khoa học nhấn mạnh ý nghĩa của trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288) với “vũ khí” huyền thoại là những cây cọc trồng dưới lòng sông Bạch Đằng. Trận chiến mang ý nghĩa đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ chủ quyền nước ta và mang ý nghĩa quốc tế.

Xây dựng bảo tàng tái hiện lịch sử

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, bãi cọc gỗ vừa khai quật được tại thôn Cao Quỳ, xã Liên Khê (Thủy Nguyên, Hải Phòng) là một phát hiện cực kỳ quan trọng giúp chúng ta có thêm những nhận thức mới về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần trước quân xâm lược Nguyên Mông. Từ đó sẽ mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới trên phương diện khảo cổ học, lịch sử quân sự và kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Cũng theo GS Giang, với phát hiện mới này giới nghiên cứu sẽ phải sắp xếp, hình dung, nhận thức lại nhiều vấn đề về trận Bạch Đằng lịch sử. Trước đây chúng ta dựa vào sách và các mô tả rất trừu tượng, các nhà khoa học phải tưởng tượng ra với một điểm “neo” là bãi cọc được phát hiện ở Quảng Yên (Quảng Ninh), và các nghiên cứu đều xoay quanh bãi cọc đó. Qua bãi cọc ở Quảng Yên đã cho thấy ông cha ta không đóng cọc gỗ ở lòng sông Bạch Đằng mà đóng ở các lạch triều, dồn đội hình địch lại, sau đó dùng kế “hỏa công” tiêu diệt các thuyền địch. Việc phát hiện bãi cọc ở Cao Quỳ cho thấy trận địa này nằm rất gần cửa Bạch Đằng, có một lạch triều chạy qua đây. Rất có thể đây là một bãi cọc còn lớn hơn bãi cọc tìm thấy ở Quảng Yên. Vì thế có lẽ chưa thể khẳng định trận đánh chính nằm ở bãi cọc Quảng Yên hay Cao Quỳ.

Từ trước có nhiều ý kiến về việc xác định trận Bạch Đằng ở Quảng Ninh hay Hải Phòng. Bây giờ có thể khẳng định, trận Bạch Đằng chủ yếu dựa vào địa thế dân hai bên bờ sông, hai địa phương đều có đóng góp. Xét về cấu trúc địa chất, việc ém quân bên Thủy Nguyên phù hợp hơn vì ở đây có núi non phù hợp với phục binh, bên Quảng Yên thì trống trải. Có khả năng lớn đây là nơi quân ta dụ địch vào để đánh.

 Nhiều nhà nghiên cứu, khoa học “tận mục sở thị” hiện trường khai quật bãi cọc Cao Quỳ Ảnh: LÃ TIẾN

“Đây là một di tích vô cùng quý giá. Ý tưởng xây dựng một bảo tàng tái hiện lại trận chiến Bạch Đằng sẽ làm sống lại khí thế hào hùng của thời chống quân Nguyên Mông, tái hiện lại sự đóng góp to lớn của nhân dân trong việc xây dựng trận địa này. Làm sao quân đội có thể lên rừng chặt cây gỗ, rồi chuyển về, làm sao giữ được bí mật khi nơi đây cách Vạn Kiếp có mấy chục cây số, quân Nguyên Mông đóng ở đó nhưng không biết về trận phục kích?; Làm sao quân đội thời Trần biết được lúc nào triều lên, triều xuống mà đây là chế độ bán nhật triều (một ngày thủy triều lên xuống 2 lần), phải có sự giúp đỡ của nhân dân. Những điều đó nếu được tái hiện ở bảo tàng sẽ giúp thể hiện nghệ thuật quân sự của cha ông và đóng góp của nhân dân ở trận chiến lịch sử Bạch Đằng. Việc phát hiện bãi cọc ở Cao Quỳ đã có thêm căn cứ khoa học để phát huy hơn nữa truyền thống ấy...”, GS Vũ Minh Giang đề nghị.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố khẩn trương triển khai các thủ tục để tiến tới công nhận di tích lịch sử cấp thành phố. Xúc tiến các thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc. Bên cạnh đó tiến hành tổ chức khảo sát tổng thể trên phạm vi rộng từ khu vực xã Liên Khê dọc theo sông Đá Bạc đến Khu Di tích Bạch Đằng Giang, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên để lập quy hoạch và xây dựng dự án hạ tầng kỹ thuật, nhằm khai thác, phát huy giá trị của bãi cọc Cao Quỳ cùng các di tích trong khu vực. Yêu cầu bảo đảm về đường giao thông, hệ thống cây xanh, công viên, bãi đỗ xe, khu vực tham quan, tìm hiểu bãi cọc cùng các công trình hạ tầng phục vụ người dân, du khách đồng bộ, liên hoàn, hiện đại.

Đây là một nhiệm vụ quan trọng không chỉ có ý nghĩa lịch sử đơn thuần mà còn có ý nghĩa giáo dục chính trị, tư tưởng truyền thống rất to lớn cả trước mắt và lâu dài, góp phần tiếp thêm sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển thành phố vững mạnh về kinh tế xã hội, là điểm sáng trong phát huy, bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử hào hùng của dân tộc.

Sự kiện khảo cổ có ý nghĩa lịch sử

Theo tài liệu lịch sử, Liên Khê xưa kia thuộc tổng Trúc Động, huyện Thuỷ Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, là vùng đất phù sa có lịch sử lâu đời, nằm trên mạch núi già của vòng cung Đông Triều. Nơi đây lưu truyền nhiều câu chuyện, huyền tích lịch sử về những chiến thắng chống quân xâm lược phương Bắc, trong đó có chiến thắng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lấy Trúc Động (tên cũ của Liên Khê) làm căn cứ tiến ra cửa sông Bạch Đằng, sông Chanh tiêu diệt và bắt sống đạo thuỷ binh của đế quốc Nguyên - Mông.

Viện Khảo cổ học cho biết, trong quá trình đào đất trồng cau ở khu vực Mả Dài, thuộc cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên), ông Nguyễn Văn Triệu là nông dân xã Liên Khê phát hiện hai cây gỗ nằm cách bề mặt chừng 0,5-0,7m. Đồng thời, trước đó trong quá trình đào huyệt ở khu vực nghĩa địa, nằm về phía Bắc - Tây Bắc khu vườn cau, người dân cho biết có gặp phải những cọc gỗ lớn.

 Những chiếc cọc vừa được phát hiện tại Cao Quỳ

Cách đây hơn hai tháng, theo đề nghị của Bảo tàng Hải Phòng và Phòng VHTT huyện Thủy Nguyên, đoàn khảo sát do TS Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học làm Trưởng đoàn khảo sát hiện trường phát hiện cọc. Tiếp đó, đoàn khảo sát do TS Nguyễn Gia Đối, Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học làm Trưởng đoàn đã đến hiện trường khảo sát lần 2. Đợt khảo sát này phát hiện 9 đầu cọc. Kết quả giám định C14 cho niên đại từ 1270-1430. Dựa trên kết quả 2 lần khảo sát, cách đây hơn một tháng, Sở VHTT TP Hải Phòng có văn bản đề nghị Bộ VHTTDL cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật di tích cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Trong thời gian gần một tháng, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật bãi cọc cánh đồng Cao Quỳ với diện tích gần 1.000m2 với 3 hố khai quật; phát hiện 27 cọc. Các cọc xuất lộ bị gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm, rắn chắc mà theo người dân địa phương đây có thể là loại gỗ sến nhựa và lim.

Các cọc phân bố so le, không thẳng hàng, cách nhau theo chiều đông tây khoảng 5-7m, chiều bắc nam 3,5-5m; kích thước các cọc không đều nhau, loại nhỏ 10-18cm, loại lớn 28- 32cm, cá biệt có cọc có đường kính 37- 40 cm... Căn cứ vào địa tầng của các hố khai quật có thể đoán định khu vực xuất lộ cọc là một bãi bồi ven sông, bị phủ lấp qua thời gian. Các cọc xuất lộ trong lớp bùn xám có thể được chôn, đóng xuống lớp bùn đen lẫn cát hoặc xuyên qua cả sinh thổ. Trên các cọc có “ngoạm” dùng để luồn dây kéo. Đối với cọc lớn hơn thì “ngoạm” này dùng để gắn thanh gỗ làm bè để dễ dàng di chuyển. Kết quả xác định niên đại C14 của cọc gỗ 3 (hiện lưu giữ tại đình Làng Mai) cho thấy cọc này có niên đại từ 1270 – 1430.

Từ các nhận xét trên, có thể thấy rằng các cọc được đóng, chôn trong khu vực bãi bồi ven sông, phân bố không thẳng hàng. Theo kết quả xác định niên đại, các cọc gỗ có thể thuộc bãi cọc được bố trí thành thế trận vào thế kỷ XIII. Viện Khảo cổ học nhận định, bãi cọc thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288), ngăn chặn quân Nguyên Mông đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, buộc quân Nguyên Mông đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn, nhấn chìm quân Nguyên Mông xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt sự xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông với quốc gia Đại Việt.

 *** Phát hiện có ý nghĩa đặc biệt

Việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ có một ý nghĩa đặc biệt để giới nghiên cứu nhận thức rõ hơn, đúng đắn, đầy đủ sát thực hơn về chiến thắng quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần. Từ lâu giới khoa học đã cố gắng làm rõ sự kiện lịch sử này, và qua việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ đã xác định được rõ hơn những nghiên cứu từ trước đến nay về chiến thắng Bạch Đằng là đúng, có cơ sở. Vị trí bãi cọc cũng nằm đối diện gần Thiên Long Biển và Hang Son, đại bản doanh của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba.

Bãi cọc Cao Quỳ và vùng Thủy Nguyên (Hải Phòng) là khu trung tâm chuẩn bị chiến trường và trung tâm của các trận giao chiến trong chiến dịch Bạch Đằng, vì thế địa phương và Bộ VHTTDL cần sớm xây dựng hồ sơ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận bãi cọc Cao Quỳ là di tích quốc gia đặc biệt.

(GS NGUYỄN QUANG NGỌC, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam)

 *** Hiếm có một nơi nào có một di chỉ khảo cổ hoàn chỉnh với các tầng đất và hiện vật trong đất như ở Cao Quỳ. Vị trí phát hiện cũng rất thuận lợi trong việc bảo tồn và phát huy giá trị. Ở đây có thể trở thành một công viên văn hóa, di tích. Thậm chí ở đây có thể là nơi lưu giữ đầy đủ nhất về chiến thắng trận Bạch Đằng. Và tại khu vực này chúng ta có thể trồng một rừng lim nhằm gợi lại lịch sử, tập quán ngày xưa của ông cha ta. Rất mong thành phố Hải Phòng quan tâm lâu dài và bền vững đối với di chỉ khảo cổ có giá trị đặc biệt quan trọng này.

(Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC)

 

 

 Có thể đề xuất với UNESCO xem xét công nhận đây là di sản thế giới

Tại hội thảo báo cáo kết quả khai quật, TS Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho rằng, sử sách đã có nhiều công trình nghiên cứu về chiến thắng Bạch Đằng của nhà Trần, nhưng còn ít dấu ấn vật chất được phát hiện qua khảo cổ học. Vì vậy, bãi cọc Cao Quỳ mở ra hướng nghiên cứu mới về chiến thắng này. Ủng hộ đề xuất của các nhà khoa học, TS Trần Đình Thành đề nghị TP Hải Phòng sớm đưa khu vực bãi cọc Cao Quỳ vào danh mục kiểm kê để xếp hạng di tích cấp thành phố và đề xuất xếp hạng di tích quốc gia. “Sau khi có kết quả nghiên cứu tổng thể về di tích chiến thắng Bạch Đằng, Việt Nam có thể đề xuất với UNESCO xem xét công nhận đây là di sản thế giới”, TS Thành nói và đề nghị TP Hải Phòng sớm chuyển đổi khu vực đã được khai quật thành khu vực di sản để có biện pháp bảo tồn.

GS Vũ Minh Giang ủng hộ đề xuất di tích chiến thắng Bạch Đằng là di sản thế giới, bởi chiến thắng của quân dân nhà Trần trên sông Bạch Đằng năm 1288 có ý nghĩa quốc tế to lớn, buộc nhà Nguyên phải huỷ bỏ kế hoạch xâm lược Nhật Bản và các nước Đông Nam Á, mở ra giai đoạn suy yếu và tan rã của đế chế này. P.V

 HẢI ĐĂNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top