Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Hoàn thiện hồ sơ khoa học "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” trình UNESCO: Để di sản thoát khỏi... bảo vệ khẩn cấp

Thứ Sáu 13/03/2020 | 10:53 GMT+7

VHO- UBND tỉnh Bắc Ninh vừa hoàn thiện Hồ sơ khoa học “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” để đề nghị Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét gửi UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

 

 Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang đứng trước nhiều nguy cơ mai một

UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã chỉ đạo Sở VHTTDL Bắc Ninh phối hợp với Viện VHNT quốc gia Việt Nam triển khai các hoạt động quan trọng tiếp theo...

Bảo tồn vốn quý

Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã họp góp ý dự thảo Hồ sơ; Viện VHNT Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Bắc Ninh chỉnh sửa Hồ sơ theo góp ý của Hội đồng. Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp, bổ sung, chỉnh sửa, hồ sơ đã hoàn thiện và nộp về cơ quan Thường trực Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.

Theo tài liệu nghiên cứu, chủ thể sáng tạo di sản Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là những cư dân người Việt ở làng Đông Hồ xưa (nay thuộc thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành). Vào những năm 60 của thế kỷ trước, làng Đông Hồ có 17 dòng họ làm tranh, với khoảng 180 hộ gia đình, trong đó có khoảng 80% số hộ tham gia làm tranh. Nhưng đến nay, chỉ còn 3 hộ gia đình với khoảng 30 người thuộc 4 thế hệ có thể làm tranh. Đó là gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh và nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả. Trung tâm của di sản ở làng Đông Hồ (cũ), nay thuộc một phần của thôn Đông Khê, đã từng có chợ Đình tranh, nơi kẻ mua người bán tấp nập từ khắp các vùng lân cận. Xung quanh làng Đông Hồ là các làng nghề cung cấp nguyên liệu cho sản xuất tranh như làm bút lông, mực đen, làm giấy dó, và xa hơn là các làng ven biển thuộc tỉnh Quảng Ninh thu hoạch vỏ sò điệp, các làng trồng cây dó ở vùng trung du Bắc Bộ.

Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là nghề thủ công truyền thống, ra đời cách đây hàng trăm năm. Những nghệ nhân làng Đông Hồ sản xuất những bức tranh thuộc loại hình mỹ thuật dân gian, có những đặc trưng riêng về kỹ thuật in, chủ đề, màu sắc và đồ họa. Tranh có nhiều loại, bao gồm tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh thờ, tranh sinh hoạt, tranh phong cảnh. Các công đoạn làm tranh như sáng tác mẫu tranh, khắc ván in, làm màu, in tranh đều bằng tay. Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ gắn với tập tục treo tranh vào ngày Tết, Tết Trung thu, thờ cúng tổ tiên. Người làng Đông Hồ coi nghề làm tranh là một kế sinh nhai, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng, tập quán xã hội, được trao truyền từ đời này qua đời khác.

Những người nắm giữ di sản là những người làng Đông Hồ (cũ). Một số hộ gia đình đã chuyển sang làm nghề mã, nhưng vẫn biết kỹ thuật làm tranh và lưu giữ một số bức tranh, ván khắc cổ. 4 nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Đăng Tâm, Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Hữu Quả là những người đang tâm huyết giữ nghề, tích cực sản xuất và tiêu thụ tranh. Trong đó, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã 84 tuổi, có kinh nghiệm và đảm nhiệm các khâu quan trọng của quá trình làm tranh của dòng họ Nguyễn Đăng. Ông đã truyền nghề cho 24 con, cháu. Con trai Nguyễn Đăng Tâm (48 tuổi) có thể đảm đương một số công đoạn chính của quy trình làm tranh, đa dạng hóa sản phẩm, chỉ đạo sản xuất, giám sát, định hướng cho các hoạt động của xưởng tranh của gia đình. Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh và gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả được cha là nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam (1933-2016) trao truyền nghề và thành lập xưởng sản xuất tranh tại nhà. Các thành viên của 3 gia đình trên đều có thể tham gia vào các khâu làm tranh, từ sáng tác mẫu, khắc ván, làm màu, giã điệp, phủ điệp lên giấy dó, in tranh, phơi tranh.

 Với sự vào cuộc nghiên cứu, xây dựng hồ sơ của giới chuyên gia, nhà khoa học; sự đồng thuận cao của nghệ nhân và nhân dân, hy vọng trong một thời gian không xa “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” sẽ sớm hồi phục, thoát khỏi tình trạng khẩn cấp. Trong ảnh: Du khách thích thú với trải nghiệm làm tranh Đông Hồ Ảnh: LÊ SƠN

Cần thiết bảo vệ khẩn cấp

Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại” được tổ chức cuối năm ngoái, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được Chính phủ đồng ý xây dựng Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO để đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Những nỗ lực xây dựng hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đệ trình UNESCO và việc ghi danh trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như mong muốn của các nghệ nhân tiếp tục làm tranh và trao truyền nghề truyền thống. Việc ghi danh cũng nhằm tôn trọng sự đa dạng văn hóa, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ di sản nói chung, di sản tranh dân gian và nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ nói riêng...”.

Ngày nay, một số hộ gia đình ở thôn Đông Khê vẫn nắm được kỹ thuật làm tranh, hoặc còn giữ những bộ ván in cổ vì là đồ gia bảo. 4 nghệ nhân trong ba hộ gia đình hiện đang giữ vai trò quyết định trong việc sản xuất tranh như: Sáng tạo chủ đề mới, đa dạng hóa sản phẩm, chỉ đạo sản xuất, giám sát các khâu làm tranh. 4 nghệ nhân này cũng là nguồn lực chính trong trao truyền nghề trong gia đình và cho những người ngoài quan tâm đến di sản. Nhưng thực tế, số lượng người thành thục nghề quá ít để phát triển bền vững nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. Nghề làm tranh cũng không đảm bảo sinh kế cho các hộ gia đình, khiến họ đối đầu với nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất. Số lượng đơn đặt hàng không nhiều , không thường xuyên, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường hạn chế. Những yếu tố này tác động trực tiếp đến nguy cơ mai một nghề làm tranh. Điều này khiến cho đa số các hộ gia đình chuyển sang làm hàng mã để đảm bảo thu nhập. Mặc dù vậy, nhiều hộ gia đình vẫn còn mong muốn trở lại nghề làm tranh, một phần di sản của họ. Điều này cho thấy nghề làm tranh dân gian Đông Hồ cần được bảo vệ khẩn cấp.

Trong những năm qua, Chính phủ và nhiều Bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ làng nghề về chính sách, tài chính, cho thuê đất xây dựng xưởng sản làm tranh. Ngay từ tháng 7. 2014, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến 2030” nhằm khẳng định, gìn giữ và phát huy giá trị nổi bật của tranh dân gian Đông Hồ. Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh cũng đã xác định hiện trạng và nguy cơ mai một của dòng tranh, nâng cao nhận thức, hành động của chính quyền, nhân dân địa phương trong việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa độc đáo của tranh dân gian Đông Hồ. 

BẢO ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top