Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Bảo tàng xoay xở giữa mùa Covid: Trong cái khó ló cái khôn

Thứ Hai 20/04/2020 | 11:08 GMT+7

VHO- Nếu không bởi Covid-19 thì những ngày này, việc chuẩn bị các triển lãm, sự kiện nhân kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2020) tại hệ thống các Bảo tàng sẽ vô cùng sôi động.

 Một góc triển lãm bằng công nghệ 3D của Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Nhưng với tình hình đầy thách thức như hiện nay buộc các bảo tàng phải xoay xở để không bị ngắt quãng và lãng quên trong lòng công chúng.

Kỷ niệm 30.4 giữa những ngày Covid

Dịp kỷ niệm 30.4 năm nay vì thế đang đối mặt với một “bài toán” đặt ra cho hoạt động của các bảo tàng: Đáp án nào phù hợp? Là địa chỉ thu hút du khách tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trước diễn biến phức tạp của dịch đã sớm tính đến việc chuyển hướng sang hình thức triển lãm online. Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bối cảnh khó khăn buộc đội ngũ Bảo tàng phải “ló cái khôn”. Cuộc triển lãm chuyên đề đặc biệt nhân kỷ niệm được quyết định chuyển từ hình thức truyền thống sang triển lãm online để phục vụ công chúng.

Chùm tác phẩm nghệ thuật tạo hình đặc sắc về đề tài kháng chiến chống Mỹ được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu tại website vnfam.vn và fanpage của Bảo tàng nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, triển lãm trực tuyến là hình thức tốt nhất để các bảo tàng tiếp tục tổ chức các hoạt động kỷ niệm ý nghĩa cũng như quảng bá rộng rãi các sưu tập giá trị đến công chúng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc đầy gian khổ nhưng vẻ vang, anh dũng của quân dân ta luôn là mạch nguồn sáng tạo cho nhiều thế hệ nghệsĩ. Bộ sưu tập tại Bảo tàng có rất nhiều tác phẩm đặc sắc về đề tài này mà chúng tôi mong muốn tiếp tục quảng bá, giới thiệu đến công chúng, đặc biệt trong những ngày tháng lịch sử này”, ông Minh nhấn mạnh.

Như vậy, công chúng vốn có thói quen tìm đến bảo tàng xem triển lãm nhân ngày kỷ niệm giờ đây vẫn có thể thưởng lãm bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật giá trị. Đó là tác phẩm thể hiện thành công hình ảnh người vợ, người mẹ miền Nam tiễn chồng, con tập kết ra miền Bắc; những người mẹ nuôi quân trong kháng chiến, làm hậu phương vững chắc như “Nắm đất miền Nam” của Phạm Xuân Thi, “Mẹ kháng chiến” của Hoàng Trầm, “Trái tim và nòng súng” của Huỳnh Văn Gấm. Hình ảnh những cô gái tuổi thanh xuân hăng hái tham gia đội quân du kích, sẵn sàng vận chuyển đạn dược, cầm súng bảo vệ quê hương được khắc hoạ sinh động qua loạt tác phẩm “Dân quân gái Ngư Thuỷ” của Hoàng Trầm, “Bên chiến hào Vĩnh Linh” của Đào Đức, “Tải đạn” của Lê Thanh Trừ. Ý chí chiến đấu sắt đá cùng quyết tâm giành chiến thắng được truyền tải qua các tác phẩm “Đất này của tổ tiên ta” của Nguyễn Vĩnh Nguyên, “Qua Dốc Miếu” của Lê Quốc Lộc, “Trên chặng đường chiến dịch” của Nguyễn Thanh Châu, “Bộ đội về” của Lê Thanh Trừ.

Sự tàn khốc, đau thương của chiến tranh được thể hiện rõ nét trong tác phẩm “Giặc Mỹ” của Đặng Thị Khuê; những giây phút rung động trước vẻ đẹp yên bình, lãng mạn dưới ánh trăng giữa khoảng lặng của cuộc chiến được thể hiện qua “Trăng trên cồn cát” của Nguyễn Văn Chung. Lòng biết ơn và cảm phục trước những liệt sĩ, anh hùng đã hy sinh vì đất nước cũng được nhà điêu khắc Nguyễn Hải thể hiện qua bức tượng đồng “Anh Nguyễn Văn Trỗi”. Đặc biệt là khoảnh khắc đoàn quân giải phóng tiến vào cửa ngõ Sài Gòn, mang theo ánh nắng rực rỡ về một mùa xuân mới của đất nước qua tác phẩm “Nắng xuân 1975” của Nguyễn Quang Thọ, “Nắng tháng năm” của Quách Phong…

“Giới thiệu chùm tác phẩm này là một hoạt động có ý nghĩa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 45 năm Đại thắng mùa xuân 1975. Đây cũng là dịp để thế hệ hôm nay cùng ngược dòng ký ức, hồi tưởng về một chiến công oanh liệt, vĩ đại trong lịch sử, thể hiện tình cảm, tấm lòng biết ơn trước sự dũng cảm quên mình của cha ông đã chiến đấu, hi sinh vì nền độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc”, ông Minh khẳng định.

 Tác phẩm “Đất này của tổ tiên ta” của Nguyễn Vĩnh Nguyên

Bảo tàng vượt khó thời Covid

Triển khai phương thức trưng bày trực tuyến, Bảo tàng ảo từ nhiều năm nay, TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, không phải đến khi diễn ra dịch bệnh Covid-19, bảo tàng mới suy nghĩ đến hình thức giới thiệu trưng bày này. Trên cơ sở xác định hiện đại hóa thông qua ứng dụng công nghệ trong trưng bày, giới thiệu trưng bày là một xu hướng tất yếu của các bảo tàng hiện đại, nhiều triển lãm, sưu tập đã được bảo tàng đưa đến với công chúng dưới hình thức này. “Hiện đại hóa trưng bày hay giới thiệu trưng bày không chỉ là phương thức online mà còn là các phương thức số hóa, điện tử hóa hoạt động…”, TS Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ.

Theo tân Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, năm 2020 là năm đất nước có nhiều sự kiện trọng đại. Trong hoạt động trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia luôn đặt yêu cầu phục vụ các nhiệm vụ chính trị lên hàng đầu. Hiện bảo tàng đang chuẩn bị trưng bày chuyên đề “Mùa xuân đại thắng - 1975” nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tiếp đó là trưng bày chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam” nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác; 75 năm Quốc khánh nước CHXHCN VN với sự phối hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; trưng bày “Trang phục truyền thống các nước ASEAN” với sự phối hợp của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; trưng bày “Di chỉ Bãi Cọi - Những phát hiện dưới lòng đất”…

Một buổi học lịch sử online thử nghiệm của học sinh trường Vinschool Ảnh: BẢO TÀNG LSQG CUNG CẤP 

Tuy nhiên, ông Đoàn cũng chia sẻ băn khoăn, diễn biến của dịch đã và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Bảo tàng. Đứng trước nhiều khó khăn, trước mắt là về kinh phí từ nguồn ngân sách, bảo tàng đang từng bước chuyển hướng hoạt động cho phù hợp tình hình thực tiễn. Bên cạnh việc triển khai các hoạt động theo hướng phối hợp với các đơn vị để tổ chức trưng bày, Bảo tàng còn kết hợp nghiên cứu, xây dựng trưng bày chuyên đề để bổ sung cho hệ thống trưng bày cố định. Phương thức này sẽ đảm bảo các trưng bày chuyên đề được tiếp cận và thực hiện theo một cách mới hơn, vừa đảm bảo nhiệm vụ tuyên truyền những ngày kỷ niệm đặc biệt của đất nước, vừa dần hoàn thiện, đổi mới hệ thống trưng bày cố định và tiết kiệm kinh phí hoạt động.

“Trong quá trình tổ chức, xây dựng trưng bày trong điều kiện thực tế hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã chú trọng hướng tiếp cận trưng bày hiện đại, ứng dụng công nghệ trong trưng bày và giới thiệu trưng bày, trước hết là hình thức giới thiệu trưng bày online dạng Bảo tàng tương tác ảo 3D, đồng thời lồng ghép các hoạt động tương tác trải nghiệm cho khách tham quan. Đây không chỉ là hoạt động để ứng phó với dịch Covid-19 có thể kéo dài mà còn là xu hướng trưng bày tất yếu để tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan không hoặc chưa thể đến tham quan Bảo tàng. Qua đó, Bảo tàng vẫn giới thiệu được trưng bày, quảng bá những giá trị di sản văn hóa đến rộng rãi công chúng”, TS Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ.

Bối cảnh thực tế thời dịch Covid-19 rõ ràng đang đặt ra vô số bài toán khó đối với hoạt động của các Bảo tàng. Những khó khăn đang khiến cho nhiều Bảo tàng gián đoạn các hoạt động. Câu hỏi ứng phó thế nào trong bối cảnh dịch bệnh ập đến bất ngờ và diễn biến phức tạp quả không dễ trả lời. Dạo quanh các website giới thiệu tin tức, hoạt động của một số Bảo tàng, phổ biến là những thông báo tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch bệnh. Những triển lãm, bộ sưu tập được nỗ lực giới thiệu đến người xem bằng các hình thức mới, áp dụng công nghệ thông tin như tại Bảo tàng Mỹ thuật VN, Bảo tàng Lịch sử quốc gia… không nhiều.

Trong khi đó, dưới góc nhìn của một số chuyên gia di sản, bối cảnh hiện nay có thể là quãng thời gian để các Bảo tàng biến khó khăn thành cơ hội. Những chắt chiu các cách thức thể hiện để kể với công chúng câu chuyện phòng, chống dịch Covid-19 dưới góc nhìn Bảo tàng rất đáng được suy ngẫm. Chỉ có điều các Bảo tàng sẽ nắm bắt và triển khai ra sao. 

 BẢO THY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top