Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Hoạt động văn hóa cơ sở phục hồi sau covid-19:Thắp lửa sân khấu trên những ngả đường

Thứ Hai 08/06/2020 | 10:19 GMT+7

VHO-  Không chỉ trên các sân khấu, nhà hát, rạp chiếu phim… ở những đô thị lớn đang sôi nổi sáng đèn, trong những ngày này tại nhiều tỉnh, thành phố cũng đang có rất nhiều “sân khấu” đặc biệt được thắp lửa để phục vụ người dân. Đó là những chương trình biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim lưu động, triển lãm, tuyên truyền lưu động…

 Tuần phim kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác do Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức

Trên nhiều cung đường ở khắp mọi vùng miền, những “sân khấu” giản dị ấy cũng được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả là những người dân, người lao động vốn thường ngày vất vả với nhiều lo toan thường nhật.

Nỗ lực bù đắp khoảng trống...

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Ninh Thị Thu Hương chia sẻ: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Cục Văn hóa cơ sở đã hướng dẫn các địa phương tổ chức hoạt động trở lại bình thường, trong đó có các hoạt động văn hóa tại cơ sở, vùng miền nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần cho người dân…”.

P.V: Sau đại dịch Covid-19, chắc hẳn việc tổ chức và đưa các hoạt động văn hóa trở lại như cũ tại cơ sở sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là bối cảnh tổ chức các hoạt động này ở nhiều địa bàn không thuận lợi như tại các thành phố, đô thị. Hiện các địa phương đang triển khai việc thiết lập “trạng thái bình thường mới” trong các lĩnh vực văn hóa này như thế nào?

- Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương: Việc triển khai thực hiện chủ trương của lãnh đạo Bộ VHTTDL nhằm đưa các hoạt động văn hóa tại cơ sở trở lại bình thường gặp không ít khó khăn. Một khoảng trống lớn về đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở nhiều vùng miền, đặc biệt tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi, vùng biển… vốn đã thiếu hụt, sau dịch càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, càng trong bối cảnh khó khăn đó, những nỗ lực nhằm bù đắp khoảng trống trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở cơ sở càng lớn hơn. Thời điểm hiện nay, chúng ta chứng kiến có nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim lưu động, các triển lãm, thông tin tuyên truyền lưu động… đã và đang được các địa phương tích cực triển khai.

Tại các đô thị như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…, các hoạt động văn hóa có nhiều thuận lợi hơn khi “hồi sức” trở lại. Kết quả chúng ta nhìn thấy là hàng loạt bảo tàng, di tích đã tái khởi động, mở cửa và tổ chức các hoạt động, triển lãm chào mừng những sự kiện lớn của đất nước bằng nhiều hình thức như online hay triển lãm trực tiếp. Rạp chiếu phim cũng tưng bừng mở cửa trở lại đón khách và đặc biệt là các sân khấu, nhà hát ở nhiều thành phố đồng loạt sáng đèn, thu hút khán giả với loạt tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao ở các loại hình kịch, cải lương, tuồng, chèo, xiếc…

Tuy nhiên, ở nhiều địa phương khác thì việc tái khởi động guồng quay cũ của các hoạt động văn hóa không dễ dàng. Để tổ chức được một chương trình chiếu phim lưu động, triển lãm tuyên truyền hay một chương trình biểu diễn ở các xã vùng sâu, vùng xa đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của các cán bộ ngành văn hóa. Bằng nhiệt tình và sự cố gắng, những “sân khấu” đặc biệt, nhỏ bé và đôi khi chỉ le lói ánh đèn được dựng lên đã mang đến cho người dân tiếng cười, niềm vui và những “liều thuốc bổ” tinh thần, giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống khi đại dịch Covid-19 vừa tạm thời lắng xuống.

 Hoạt động tuyên truyền lưu động trên khắp các cung đường

Bà có thể cho biết cụ thể hơn về những “sân khấu” đặc biệt hướng đến cộng đồng này?

- Ngay trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, Cục Văn hóa cơ sở đã phối hợp với các địa phương như Bắc Giang, Quảng Trị, Hòa Bình thực hiện các triển lãm tranh cổ động kỷ niệm những ngày lễ lớn và về chủ đề phòng, chống dịch Covid-19. Hiệu ứng từ các triển lãm trong những ngày đại dịch đã mang lại nhiều tác động, ý nghĩa tích cực.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ sau khi đại dịch được kiểm soát tốt, cuối tháng 5 Cục đã ban hành công văn số 302/VHCS-VP gửi Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố đề nghị tổ chức các hoạt văn hóa cơ sở trở về như trạng thái cũ. Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội cũng là thời điểm diễn ra dịp kỷ niệm trọng đại 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề kỷ niệm ngày sinh của Bác phục vụ nhân dân ở cơ sở. Những chương trình kỷ niệm được tổ chức tại các tỉnh, thành như Khánh Hòa, TP.HCM, Hải Phòng, Kiên Giang… đã mang đến bầu không khí kỷ niệm sôi nổi, ý nghĩa, đồng thời được giám sát chặt chẽ, đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch.

Đặc biệt hơn là không khí sôi động, hào hứng được lan tỏa từ những “sân khấu” đặc biệt, với các hoạt động văn nghệ quần chúng, tuyên truyền lưu động, các hoạt động câu lạc bộ, chiếu phim lưu động. Hầu hết các địa phương đã đẩy nhanh tiến độ tập luyện, triển khai các hoạt động chuyên môn, trong đó tập trung triển khai kế hoạch phục vụ cơ sở với các loại hình tuyên truyền lưu động, biểu diễn văn nghệ quần chúng. Đội Tuyên truyền lưu động thuộc nhiều Trung tâm Văn hóa tỉnh, thành phố đã xây dựng các chương trình văn nghệ cổ động đi cơ sở tuyên truyền, phục vụ nhân dân tại vùng sâu, vùng xa.

Song song với công tác phục vụ cơ sở, các sinh hoạt văn nghệ quần chúng, hoạt động của các CLB nghệ thuật sau một thời gian dài dừng hoạt động bởi dịch Covid cũng đã tái khởi động với các sinh hoạt định kỳ, xây dựng các sân chơi lành mạnh, bổ ích cho hội viên của các CLB. Có thể kể đến một số hoạt động tiêu biểu như chương trình chiếu phim lưu động hướng về cơ sở do Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa những tác phẩm điện ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với người dân ở các huyện miền núi A Lưới, Nam Đông, các huyện vùng biển như Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền. Chương trình được tổ chức từ giữa tháng 5 cho đến nay vẫn chưa kết thúc. Trước đó, Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức 4 xe lưu động tuyên truyền rộng khắp trên địa bàn, với các hình thức cổ động trực quan nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân và cộng đồng trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Tại Quảng Bình, nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 3 đội chiếu bóng lưu động thuộc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh cũng đã tổ chức đợt chiếu phim lưu động phục vụ người dân các xã vùng sâu, vùng xa. Hầu hết địa bàn mà các đội chiếu bóng lưu động dừng chân là những thôn xóm, bản làng, nơi mà cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, không có điều kiện được tiếp cận, thưởng thức các loại hình văn hóa nghệ thuật phong phú, đa dạng như tại khu vực thành phố. Bởi thế, phía sau những “sân khấu” đặc biệt, không hào nhoáng mà đôi khi chỉ le lói ánh đèn đó luôn là những tràng pháo tay, là niềm vui và tiếng cười của những người dân lao động. Tất cả là động lực cho đội ngũ cán bộ văn hóa ở các tỉnh, thành cố gắng tiếp tục chuỗi chương trình đưa văn hóa đến với các địa bàn, vùng miền cơ sở.

 Những “sân khấu” đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa

Nhiều sự kiện, lễ hội thường niên sẽ được khởi động trở lại

Đối với các hoạt động, sự kiện lễ hội mới dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2020 nhưng tạm bị dừng lại do dịch Covid-19 sẽ tái khởi động như thế nào, thưa bà?

- Các sự kiện, lễ hội thường niên tại các địa phương đang được lên kế hoạch tái khởi động sau khoảng thời gian tạm hoãn. Đó là lễ hội “Tuyệt vời Đà Nẵng 2020”, dự kiến tổ chức từ tháng 6 đến tháng 9.2020 tại các bãi biển, trung tâm thành phố và các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Thừa Thiên Huế cũng sẽ tổ chức chuỗi sự kiện Festival Huế 2020, dự kiến vào cuối tháng 8 năm nay.

Trong thời gian tới, các Trung tâm Văn hóa tỉnh, thành phố vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh chất lượng các loại hình hoạt động, xây dựng chương trình đi biểu diễn tuyên truyền phục vụ tại cơ sở, thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Yên Bái, Khánh Hòa, Nam Định, Quảng Nam… đến nay đã lên khung nhiều chương trình, hoạt động văn hóa thiết thực hướng đến cộng đồng. Các Bảo tàng, di tích lớn cũng đang lên nhiều kế hoạch, giải pháp đổi mới hình thức hoạt động để thu hút du khách sau một thời gian “đóng băng” hoạt động.

Song hành với những sân khấu rực rỡ, những rạp chiếu phim sạch đẹp tại các đô thị phát triển, những “sân khấu” đặc biệt, rạp phim lưu động được dựng lên vì người dân sẽ luôn duy trì được sức sống, bởi phía sau đó luôn tồn tại những mong muốn, những nhu cầu được thưởng thức các giá trị văn hóa, tinh thần của mỗi người dân.

Xin cảm ơn bà!

BẢO VY (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top