Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Dự thảo Nghị định Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn: Tạo khung pháp lí cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn

Thứ Sáu 21/08/2020 | 10:59 GMT+7

VHO- “Sự thận trọng trong công tác soạn thảo văn bản cũng như tiếp nhận những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn là điều cần thiết khi tiến hành điều chỉnh Nghị định lần này. Cân nhắc từng câu chữ tránh trường hợp một quy định nhiều người hiểu khác nhau”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã nhấn mạnh điều này với các thành viên Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định Quy định về hoạt động nghệ thuật tại buổi làm việc mới đây.

 Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Cung đường bất tử” do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức tạo được dấu ấn đẹp cho khán giả (ảnh minh họa)

 Thứ trưởng cũng đề nghị Ban soạn thảo cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định và Thông tư hướng dẫn để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong năm nay.

Chú trọng xử lý các hành vi vi phạm

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh cho biết, Ban soạn thảo đã nhiều lần tiếp thu các ý kiến của các Bộ, Ban, ngành và gần nhất là ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Dự thảo hiện nay đã hoàn tất với nhiều quy định rõ ràng, cởi mở, thông thoáng hơn, gồm 5 chương và 31 điều, đặc biệt chú trọng giải quyết những bất cập nảy sinh ở Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP; cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, phân cấp một cách hợp lý về quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương, quy định trách nhiệm cho từng cấp có thẩm quyền để xử lý vi phạm cụ thể với những cuộc thi, liên hoan về nghệ thuật biểu diễn, các cuộc thi người đẹp, người mẫu...

Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Thanh Sơn cho biết, Ban soạn thảo sẽ phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện sửa đổi dự thảo, song song với việc trình Chính phủ ban hành Nghị định thì cũng sẽ phải hoàn thiện các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định. Ban soạn thảo đã rất chú trọng tới việc xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn và các cuộc thi người đẹp, người mẫu để làm sao có được sự chặt chẽ giữa việc sửa đổi Nghị định Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn với Dự thảo sửa đổi Nghị định 158 của Chính phủ. Cũng theo ông Sơn, Ban soạn thảo đang nghiên cứu một cách kỹ lưỡng việc phân cấp cấp phép giữa trung ương và địa phương, bảo đảm sự thống nhất trong công tác quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình áp dụng, thực thi pháp luật.

Việc phân cấp, phân quyền cấp phép tổ chức các cuộc thi là một trong những nội dung gây nhiều tranh luận thời gian qua đã được dự thảo quy định cụ thể hơn. Với các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật biểu diễn, cơ quan chuyên môn về văn hóa thuộc UBND cấp tỉnh sẽ quyết định cuộc thi, liên hoan được tổ chức trên địa bàn quản lý. Quyền hạn dừng tổ chức cuộc thi, liên hoan loại hình nghệ thuật biểu diễn, ngoài Bộ VHTTDL thì cơ quan chuyên môn về văn hóa thuộc UBND cấp tỉnh cũng có quyền nếu phát hiện các trường hợp vi phạm. Riêng với tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép tổ chức là UBND cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc thi; cơ quan chuyên môn về văn hóa thuộc UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu trình UBND cấp tỉnh chấp thuận tổ chức hoặc phân cấp quản lý. Việc thu hồi, hủy kết quả cuộc thi, không công nhận danh hiệu đạt được trong các cuộc thi người đẹp, người mẫu sẽ do cấp tỉnh nơi tổ chức trao danh hiệu, giải thưởng quyết định.

Ông Nguyễn Quang Vinh khẳng định: “Phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương theo hướng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu, thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài cư trú ở đâu phải thực hiện thủ tục hành chính với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương đó. Nội dung phân cấp bảo đảm tính thống nhất có sự phối hợp quản lý giữa Trung ương và địa phương đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn, kịp thời ngăn chặn, xử lý theo cấp, địa bàn quản lý”.

Cắt giảm những thủ tục hành chính rườm rà

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật chỉ được tổ chức sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận có: Văn bản đề nghị tổ chức (có kèm theo danh mục tên tác phẩm, tác giả, người biểu diễn), văn bản chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan đối với nội dung biểu diễn nghệ thuật, bản sao văn bản xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú hoặc lao động đối với người không có quốc tịch Việt Nam biểu diễn... Như vậy, việc cắt giảm thủ tục cấp phép cho người không có quốc tịch Việt Nam biểu diễn đã được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú, pháp luật về lao động, cá nhân biểu diễn nội dung gì cũng đã được thể hiện rõ trong hồ sơ xin cấp văn bản chấp thuận.

Điều kiện đối với cá nhân người đẹp, người mẫu từ Việt Nam ra nước ngoài để tham dự các cuộc thi cũng mở hơn rất nhiều khi thí sinh chỉ cần có giấy mời của Ban tổ chức, đáp ứng các tiêu chí do Ban tổ chức cuộc thi quy định, không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn hay bị buộc tội gì theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Cá nhân chỉ được ra nước ngoài tham dự cuộc thi người đẹp, người mẫu sau khi có văn bản xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo dự thảo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền là cơ quan chuyên môn về văn hóa thuộc UBND cấp tỉnh nơi cá nhân cư trú. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, cấp văn bản xác nhận.

Cũng tương tự như các lĩnh vực khác, việc lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật cũng sẽ do hai cơ quan là Bộ VHTTDL (đối với bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật được các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật ở trung ương lưu hành), cơ quan chuyên môn về văn hóa của UBND cấp tỉnh (đối với bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật đăng ký hoạt động thương mại hoặc có trụ sở tại địa phương lưu hành).

Từ những điểm mới của Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn cho thấy việc dự thảo hướng tới việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng cấp đối với việc quản lý nhà nước trên lĩnh vực hoạt động nghệ thuật biểu diễn, vừa cắt giảm những thủ tục hành chính rườm rà, vừa hạn chế những tiêu cực, bất cập. Trên cơ sở các nội dung đặt ra, dự thảo đã tạo được một khung pháp lý cho các cơ quan quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn của hoạt động nghệ thuật biểu diễn hiện nay. 

 THÚY HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top