Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Vun đắp "mái nhà" của những tấm lòng yêu di sản

Thứ Tư 26/08/2020 | 11:09 GMT+7

VHO- Hơn một tuần lễ sau Đại hội IV Hội Di sản Văn hóa Việt Nam (DSVH), cảm giác đầm ấm vẫn như còn vương vấn đối với những con người chung một tình yêu dành cho di sản. BCH khóa mới đã ra mắt với 79 thành viên do PGS.TS Đỗ Văn Trụ làm Chủ tịch tiếp tục bước vào một chặng đường mới.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam phát biểu tại đại hội

Kỳ vọng, quyết tâm, và không ít trăn trở đã được đặt ra ngay sau kỳ Đại hội được đánh giá là rất thành công này.

Cần thêm những luồng gió mới

Tiếp phóng viên Văn Hóa tại trụ sở Hội, PGS.TS Đỗ Văn Trụ đã đề cập ngay vấn đề mà ông trăn trở: Đổi mới về tư duy, phương pháp và phong cách làm việc. Ý nghĩa của việc “đổi mới” ấy hàm chứa mong mỏi của những người yêu di sản về một luồng gió mới, góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, nghiên cứu và tuyên truyền, quảng bá những giá trị lớn lao của di sản văn hóa Việt tới công chúng và bạn bè quốc tế.

Với tâm sự của người đứng đầu Hội, chúng tôi cảm nhận được bầu nhiệt huyết và tấm lòng dành cho những tài sản văn hóa của dân tộc lớn đến thế nào. Có lẽ hiếm có một tổ chức hội nghề nghiệp nào lại có được sự quy tụ lớn lao, với sự tham gia của hàng ngàn hội viên đến từ nhiều ngành nghề, thành phần khác nhau như ở Hội DSVH Việt Nam. Từ những nhà quản lý, chuyên gia “cây đa, cây đề” đến những gương mặt trẻ, những doanh nhân; từ những mái đầu tóc bạc đến những mái tóc xanh…, tất cả đã gặp nhau bởi một mẫu số chung: “Tình yêu di sản”. Thật đáng quý khi sau kỳ Đại hội thứ IV, BCH Hội nhiệm kỳ mới ra mắt với một mô hình thể hiện sự tiếp nối giữa các thế hệ. Cùng với những gương mặt đã góp phần định danh thương hiệu “Hội Di sản Văn hóa Việt Nam”, điều đặc biệt là sự xuất hiện của một tỉ lệ không nhỏ những gương mặt thuộc thế hệ 7X, 8X.

Chủ tịch Hội Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh: “Có thể nhận thấy điểm mới qua mô hình tổ chức của BCH nhiệm kỳ này. Cấu tạo tầng nấc, có kế thừa và tiếp nối, bên cạnh việc phát huy trí tuệ, chất xám của những chuyên gia gạo cội còn là không khí tươi mới, sôi nổi từ đội ngũ trẻ. Sự tham gia của các doanh nghiệp, người dân trực tiếp làm việc tại các di tích… nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực dành cho di sản cũng sẽ tiếp tục là định hướng hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ này”.

Không ngẫu nhiên khi đi qua chặng đường chưa thực sự quá dài nhưng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã sớm là niềm tự hào của mỗi thành viên trực thuộc. Góp mặt phân nửa thành viên trong Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, nhiều tên tuổi thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cũng đã tích cực tham gia các Hội đồng khoa học về di tích, Hội đồng Giám định cổ vật, Hội đồng Xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT… Thật đáng trân trọng khi mái nhà chung này đã đem đến sự tin tưởng và hết lòng chung sức đắp vun, từ các nhà quản lý đương nhiệm, các chuyên gia nghiên cứu cho đến những người dân thường mộc mạc. Nhìn vào sức sống của khối lượng di sản văn hóa đồ sộ ở khắp mọi vùng miền, nhiều di sản đã hồi sinh từ nguy cơ mai một, mới thấy những tâm huyết và nỗ lực thật khó đong đếm của mỗi thành viên dưới mái nhà chung ấy.

16 năm, hoạt động của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam luôn bám sát Điều lệ, tiêu chí hoạt động, khẳng định vai trò của một tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tự nguyện, tập hợp, đoàn kết hội viên, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới. Từ những tiêu chí ấy, các tổ chức cơ sở hội trong cả nước với vô số mô hình đa dạng: Chi hội, liên chi hội, CLB, Hội Di sản văn hóa ở các tỉnh, thành… đã được hình thành và hoạt động hiệu quả. Có thể kể đến những “công dân di sản” ở bản làng Thái Hải (TP.Thái Nguyên) với công cuộc bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Tày giữa những đổi thay thời cuộc. Dòng chảy văn hóa truyền thống ấy đã được những tấm lòng tâm huyết với di sản lưu giữ, bảo tồn, trở thành “ kho báu” để tạo nên sức hút khó cưỡng với đông đảo du khách. Ngày nay, Bản làng Thái Hải đã trở thành địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch di sản, nơi mọi người tìm đến để được sống trong không gian thuần mộc, đầy ắp tinh hoa…

“Từng hạt nhân ở cơ sở đã tạo nên sức mạnh, lan tỏa và thấm sâu tình yêu di sản trong cộng đồng. Nhờ vậy, từ những bước đi đầu tiên, số lượng hội viên chỉ có vài trăm, đến nay Hội đã có 10.050 hội viên và trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng trăn trở bởi mục tiêu không chỉ là phát triển số hội viên mà là vấn đề thực chất, chiều sâu và hiệu quả công việc”, PGS. Đỗ Văn Trụ bộc bạch. Điều mà Chủ tịch Hội cũng trăn trở chính là mong mỏi đổi mới mà BCH Hội đặt ra từ đầu nhiệm kỳ. Sâu sát thực tiễn, bám sát từng nhịp đập trong đời sống di sản, huy động sức mạnh cộng đồng… là những “gạch đầu dòng” trọng tâm ở nhiệm kỳ này.

 Sau Đại hội lần thứ IV, Hội DSVH Việt Nam sẽ chủ động lên tiếng về “điểm nóng”...

Chủ động lên tiếng về những “điểm nóng” di sản

Điểm mới nổi bật ở nhiệm kỳ mới này là mô hình tổ chức gọn mà tinh. Nếu ở nhiệm kỳ trước, tổ chức hoạt động chuyên môn của Hội có 5 ban thì đến nhiệm kỳ này sẽ chỉ còn Ban Chuyên môn và Ban Kinh tế. Hội chủ trương củng cố Ban Kinh tế với tư duy hoàn toàn mới: Tự làm, tự phát triển. Những đề tài khoa học, dự án … được triển khai sẽ góp phần tạo quỹ, phục vụ việc tổ chức, duy trì hoạt động bền vững, chứ không hoàn toàn chỉ phụ thuộc vào các nguồn kinh phí hỗ trợ.

“Một trong những chức năng quan trọng của Hội là phản biện xã hội. Thời gian qua tiếng nói của Hội trong đời sống di sản văn hóa đất nước ngày càng uy tín. Tới đây, Hội DSVH Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh chức năng này, chủ động hơn nữa trong việc lên tiếng trước những “điểm nóng” cũng như trong quảng bá các giá trị di sản văn hóa”, ông Trụ cho biết. Nhìn lại nhiệm kỳ qua, nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học được Hội đứng ra tổ chức đã khẳng định uy tín, tiếng nói của một tổ chức xã hội- nghề nghiệp trong việc đóng góp vào nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị di sản. Những “điểm nóng”, vấn đề được xã hội quan tâm đã được các chuyên gia cùng đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp tháo gỡ. Đơn cử như các hội thảo về Tiếp cận nghiên cứu tục hiến sinh trong hội làng truyền thống ở Việt Nam; Báo chí và di sản; Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động Bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam…

Theo ông Trụ: “Chắc chắn tiếng nói phản biện, tính phát hiện vấn đề của Hội sẽ mạnh mẽ hơn. Chúng tôi sẽ không chỉ ngồi chờ được hỏi mà chủ động phát hiện vấn đề và thể hiện quan điểm chính thức”. Lãnh đạo Hội cũng cho hay, định hướng đẩy mạnh tính phản biện sẽ không thiên về bề nổi mà đi vào thực chất. Trước những vấn đề nổi cộm, Hội sẽ mời các chuyên gia để trao đổi, góp ý và lên tiếng. Chẳng hạn, những khúc mắc kéo dài ở di tích làng cổ Đường Lâm, nhiều biến tướng sau khi di sản Tín ngưỡng Thờ mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO vinh danh, những khúc mắc ở các bảo tàng tư nhân, khó khăn trong hoạt động của các Bảo tàng địa phương… luôn đòi hỏi sự vào cuộc của Hội.

Cũng trong câu chuyện về con đường phía trước, tân Chủ tịch Hội chia sẻ những trăn trở trước hiện trạng hoạt động của các bảo tàng ngoài công lập, những tổ chức, cá nhân hoạt động về di sản… dường như không được quan tâm, trong khi đó chính là những “chân rết” của Hội, có hiệu quả hoạt động bất ngờ. “Trong thời gian tới, một nội dung sẽ được Hội tăng cường là sự quan tâm, đồng hành cùng những tổ chức, cá nhân này. Đôi khi chỉ là tâm huyết của một cá nhân nhưng kết quả lại là những điều ngoài sức tưởng tượng. Mô hình hoạt động tại bản làng Thái Hải ở Thái Nguyên là một ví dụ. Chúng ta còn rất nhiều hạt nhân đáng quý như thế, nếu không biết gạn lọc, phát huy thì sẽ chỉ là ngọc nằm trong cát, vô cùng lãng phí…”, người đứng đầu Hội tâm tư. 

BẢO NGÂN; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top