Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Điện ảnh Việt Nam hậu Covid-19: Hy vọng đây là thời điểm “vàng”

Thứ Tư 23/09/2020 | 11:22 GMT+7

VHO- Buổi họp báo về chủ đề “Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu Covid-19” vừa được tổ chức tại TP.HCM với sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng nhiều đạo diễn, ê kíp phim nổi tiếng, là dịp để những nhà làm phim chia sẻ về khó khăn, thuận lợi trong quá trình sản xuất, nhất là cùng nhau đưa ra giải pháp kích cầu thu hút khán giả trở lại rạp sau thời gian dài điện ảnh “ngủ đông”.

Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG

 Điện ảnh Việt dường như đang rơi vào trạng thái im lìm khi hàng loạt phim phải tạm hoãn hay dời lịch chiếu, những dự án đang quay dở cũng phải dừng lại đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều nhà làm phim lẫn rạp chiếu. Đâu sẽ là hướng đi đúng cho phim điện ảnh Việt thời hậu “Côvy”?

Vẫn còn nhiều cơ hội để lật ngược tình thế

Có thể thấy, năm 2019 điện ảnh Việt thật sự bùng nổ khi các bộ phim Cua lại vợ bầu, Hai Phượng, Mắt biếc, Lật mặt 4: Nhà có khách lần lượt cán mốc doanh thu trăm tỉ. Nhận thấy nhu cầu giải trí của khán giả ngày một tăng, các nhà làm phim đã “thừa thắng xông lên” và hy vọng 2020 điện ảnh Việt sẽ còn “cháy” hơn nữa, hướng đến mục tiêu có mặt ở vị trí cao trên bản đồ điện ảnh thế giới vào năm 2025 với 120 triệu lượt khán giả đến rạp, 50% thị phần là phim Việt Nam. Thế nhưng, đại dịch Covid-19 ập đến khiến mọi kế hoạch gần như bị phá vỡ.

Cụ thể, theo thống kê của Công ty CJ CGV: Năm 2019, phim Việt có 41 phim, thu về 1.253 tỉ đồng, tỷ lệ tăng trưởng theo doanh thu là 67%. Nhưng nửa đầu năm 2020 chỉ có một phim hơn trăm tỉ là Gái già lắm chiêu 3 trong số 5 phim Việt có doanh thu cao nhất. Trong những tháng dịch bệnh, số lượng vé bán ra tại các rạp giảm mạnh làm ảnh hưởng đến lộ trình đã được vạch ra. Thế nhưng “30 chưa phải là Tết” khi nhiều nhà sản xuất cho rằng điện ảnh Việt vẫn còn cơ hội để quay ngược tình thế, nhất là khi các “bom tấn” nước ngoài lần lượt dời lịch chiếu đến cuối năm hoặc sang năm sau. Đây sẽ là cơ hội để phim Việt chinh phục khán giả nội địa. Theo bà Ngô Thị Bích Hiền, Giám đốc Điều hành BHD chi nhánh TP.HCM, đây là “thời điểm vàng” để các phim ra rạp, cũng là thời điểm mà khán giả đang có nhu cầu giải trí cao, nhưng có vẻ như, nhiều nhà làm phim vẫn còn tâm lý e ngại. Hoãn chiếu, dời lịch sang năm 2021 thì lịch phim sẽ bị dày đặc, việc “chen nhau” ra rạp cũng không phải là một giải pháp hay. Đại diện Galaxy ông Lương Công Hiếu cho rằng: “Phim ảnh cũng có tính mùa vụ, nếu như phim Holllywood bội thu vào mùa hè thì ở Việt Nam quý I và quý IV chính là thời điểm vàng, sẽ dễ dàng cán mốc trăm tỉ nếu các nhà sản xuất tung ra siêu phẩm ngay lúc này”.

Không thể cứ mãi đổ lỗi cho dịch bệnh, điển hình là hai thị trường điện ảnh lớn của châu Á là Trung Quốc và Hàn Quốc đã khôi phục một cách mạnh mẽ. Điều đáng nói ở đây, những bộ phim “giải cứu” phòng vé sẽ là phim nội địa chứ không phải bom tấn nước ngoài. Chính vì vậy, ta hoàn toàn tin tưởng phim Việt có thể làm nên chuyện. Thế nhưng, đứng trước câu hỏi “ra” hay “không ra” rạp vào thời điểm này, nhiều nhà sản xuất vẫn còn ngập ngừng và vẫn cứ “lấp ló” trong khuôn khổ “dự kiến”. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, có hay chăng việc khán giả thay đổi “khẩu vị”, nhất là khi các loại hình giải trí trực tuyến đang lên ngôi, phim điện ảnh thì chững lại. Đạo diễn Phan Nhật Linh tâm huyết: “Điều có thể kéo khán giả đến rạp vẫn phải là những bộ phim chất lượng. Ở đó, khán giả có được những trải nghiệm chân thật, được vui buồn, được cười khóc và sống cùng nhân vật... Những nhà làm phim như chúng tôi vẫn đang và sẽ tiếp tục nỗ lực tạo nên những bộ phim hay dành cho khán giả”.

 Phim “Ròm” công chiếu ngày 15.9 được hy vọng sẽ là hồi chuông “báo thức” để các nhà làm phim mạnh dạn đưa phim ra rạp

Cần những gói ưu đãi cho điện ảnh Việt Nam

Bà Mai Hoa, Giám đốc khối vận hành cụm rạp Galaxy cho biết: “Từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay chỉ có 5 phim Việt ra rạp, doanh thu chiếm 7,9% thị phần vé bán ra là quá ít so với trước đây. Chúng tôi mong các nhà sản xuất mạnh dạn đưa phim ra rạp thay vì án binh bất động, chờ thời cơ như hiện tại”. Qua đây, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cũng nêu mong muốn: “Các cụm rạp nên giảm phí phát hành, hỗ trợ doanh nghiệp làm phim trong lúc khó khăn này để nhà sản xuất có thể yên tâm công chiếu”.

Trước băn khoăn này, ông Lương Công Hiếu gợi ý sẽ giảm 10% so với tỷ lệ ăn chia từ các rạp so với trước khi xảy ra dịch. Cùng với đó, đại diện phía Lotte cũng cho biết: “Sắp tới, bộ phim Ròm sẽ ra mắt công chúng, ở góc độ rạp chiếu, chúng tôi đã rất cố gắng trong việc hỗ trợ về công tác quảng bá, truyền thông, bên cạnh đó sắp xếp các suất chiếu đa dạng, đặc biệt là vào khung giờ vàng để thu hút khán giả”. Trong cuộc thảo luận, chị Nguyệt Quế, đại diện Hãng phim Thanh Niên đưa ra nhiều đề xuất dưới góc độ khán giả trẻ: Các gói ưu đãi đi kèm là cần thiết để có thể “kéo” người xem ra rạp thưởng thức phim, bằng các hình thức như giảm giá vé, tặng kèm bắp, nước, tặng voucher…, hay những bộ phim ra rạp vào ngày lễ sẽ có sức lan tỏa rộng hơn, như vào dịp 20.10, Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tử sẽ tôn vinh người phụ nữ, Tiệc trăng máu phù hợp với dịp Holloween sắp tới… Phía cụm rạp đã ghi nhận những ý kiến này.

Vấn đề kiểm duyệt cũng đã được nhắc đến, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) chia sẻ: “Hội đồng không phân biệt phim nội địa hay phim nước ngoài, Nhà nước hay tư nhân, mà công tâm và dựa trên luật. Mọi người thường có tâm lý phân biệt rằng thẩm định phim nhập ngoại thoáng hơn phim Việt, tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ phim nhập không phổ biến cao hơn rất nhiều so với phim Việt Nam sản xuất”. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung Công ty CJ CGV chia sẻ: “Chúng tôi đang hy vọng và mong chờ phim Ròm công chiếu từ 25.9 này sẽ đạt được doanh thu cao để nhiều dự án phim khác theo đó tự tin chiếu rạp”. Hiện một số phim Việt đã đăng ký lịch chiếu trong quý IV năm nay gồm có: Sài Gòn trong cơn mưa, Chị Mười Ba: Ba ngày sinh tử, Người cần quên phải nhớ. Hy vọng trong thời gian tới, điện ảnh Việt sẽ có bước chuyển mình, mang đến cho khán giả những “bữa tiệc” điện ảnh phong phú về sắc màu và thể loại. 

 Để thị trường phim Việt khôi phục lại trạng thái ban đầu, chúng ta đang rất cần sự chung tay góp sức của các nhà sản xuất và phát hành phim. Đặc biệt, ở bối cảnh “bom tấn” nước ngoài đang vắng mặt, đây sẽ là thời điểm “vàng” cho điện ảnh Việt Nam. Tôi kêu gọi các đơn vị phát hành phân bổ lịch chiếu hợp lý, tránh để các phim Việt cạnh tranh lẫn nhau trong cùng thời điểm hay đối đầu trực tiếp với “bom tấn” ngoại. Ngoài ra, nên thúc đẩy quảng cáo và tăng suất chiếu cho phim Việt, nhất là ở các khung giờ vàng.

(Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG)

HỒNG HẠNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top