Bệnh nhân tới khám các bệnh tiêu hóa, gan, mật chiếm tới 30%

VHO- Môi trường sống cùng với thói quen ăn uống, sinh hoạt dẫn đến số người mắc các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa ngày càng phổ biến. Cùng với đó, các nhà khoa học cũng nghiên cứu nhiều phương pháp điều trị tiên tiến, hiệu quả.

Ngày 25.10, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật đã tổ chức hội nghị khoa học “Một số kỹ thuật chẩn đoán và điều trị mới ứng dụng trong tiêu hóa” với sự tham gia của hơn 300 giáo sư, bác sĩ, các nhà khoa học chuyên ngành tiêu hóa. Tại hội nghị, nhiều ứng dụng mới trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tiêu hóa đã được các chuyên gia bàn luận như: ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo tự xây dựng trong nội soi phát hiện polyp đại tràng tại Việt Nam; app hỗ trợ làm sạch đại tràng lần đầu tiên tại Việt Nam; Điều trị u carcinoid qua nội soi ống mềm…

Bệnh nhân tới khám các bệnh tiêu hóa, gan, mật chiếm tới 30% - Anh 1

GS.TS Đào Văn Long phát biểu tại hội nghị

GS.TS Đào Văn Long - nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết,tại một số bệnh viện như Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, có lúc tổng số bệnh nhân tới khám các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, gan, mật chiếm tới 30% tổng số bệnh nhân đến khám. Một số bệnh phổ biến như trào ngược dạ dày, thực quản, viêm loét dạ dày hay viêm gan do virus hoặc do rượu. Nhưng cũng có bệnh hiếm như u carnicoid.

“Loại u này là do tế bào thần kinh nội tiết phát triển lên và có mặt ở nhiều cơ quan trong cơ thể nhưng tập trung chủ yếu chính là ở đường tiêu hóa và ở ba vị trí chính gồm trực tràng, ruột non và tá tràng còn lại hiếm khi xuất hiện ở phổi. Khi khối u còn bé thì đại đa số không có triệu chứng nhưng có những bệnh nhân tạo ra triệu chứng như giãn tĩnh mạch tăng huyết áp. Với các u carnicoid có thể phẫu thuật nội soi mà không cần phải mổ phanh để phẫu thuật”, GS Đào Văn Long cho hay.

Cũng theo GS Long, nhiều bệnh nhân không tuân thủ điều trị, sau 1 tuần khi uống thuốc thấy đỡ nên thôi hoặc “quên” không uống thuốc nữa. Điều này dẫn đến khó khăn cho việc điều trị, vi khuẩn kháng thuốc và bệnh nhân dễ bị tái đi tái lại nhiều lần, trầm cảm, lo âu…

Bệnh nhân tới khám các bệnh tiêu hóa, gan, mật chiếm tới 30% - Anh 2

Các nhà khoa học tham gia hội nghị

Tại hội nghị, TS Trần Thị Thu Trang đã chia sẻ kết quả sử dụng probiotics ở bệnh nhân rối loạn tiêu hóa dai dẳng có biểu hiện trầm cảm, lo âu. Bà cho rằng, trong những năm gần đây, tỷ lệ các bệnh lý chức năng tiêu hóa kèm theo các rối loạn về tâm thần đang ngày càng tăng tạo ra những thách thức mới đòi hỏi các nhà lâm sàng cần có đánh giá toàn diện hơn cũng như nhu cầu ứng dụng các liệu pháp điều trị phối hợp. Tìm hiểu về hệ microbiome đường ruột và ứng dụng thực tế của sử dụng probiotics ở từng nhóm bệnh lý là những chủ đề vừa có tính thiết thực vừa mang tính thời sự.

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc