Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Cây gậy thần: Cuộc “hôn phối” ăn ý giữa Cải lương và Xiếc

Thứ Tư 09/12/2020 | 10:56 GMT+7

VHO- Mong muốn tạo dựng một “sân chơi” nghệ thuật giữa hai lực lượng nghệ sĩ Cải lương và Xiếc, kỳ vọng tạo nên một hình thức sáng tạo mới từ việc kết hợp những ưu thế nổi trội của hai loại hình nghệ thuật, Cây gậy thần của Liên đoàn Xiếc VN và Nhà hát Cải lương VN đã thực sự chinh phục người xem ở ngay suất diễn đầu tiên tại Rạp xiếc TƯ, Hà Nội. 

   Sự kết hợp hiệu quả giữa hai loại hình nghệ thuật cùng hiệu ứng công nghệ đã mang tới những màn diễn vô cùng hấp dẫn 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã tới xem và nhận định đây là một xu hướng dàn dựng hấp dẫn, gợi mở cho những người làm nghệ thuật hướng đi táo bạo, kết hợp nhiều loại hình trong một chương trình để mang lại sự sáng tạo mới mẻ, hấp dẫn. 
Tập thể nghệ sĩ đã thực sự vượt lên chính mình 
Cây gậy thần là tác phẩm đầu tiên được thực hiện trong dự án nghệ thuật Huyền sử Việt do Nhà hát Cải lương VN và Liên đoàn Xiếc VN xây dựng đã được Bộ VHTTDL phê duyệt. Huyền sử Việt gồm 4 vở diễn thuộc thể loại Ca - Kịch - Xiếc, ca ngợi “Tứ bất tử”, bốn vị Thánh trong tín ngưỡng tâm linh nguyên thủy của người Việt, đó là: Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và Mẫu Liễu Hạnh. Mục đích dự án nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và cũng là một sáng tạo mang nhiều yếu tố cách tân nhằm thu hút đông đảo hơn nữa khán giả đến với nghệ thuật biểu diễn. Cây gậy thần dựa trên huyền tích về Chử Đồng Tử - Tiên Dung, một mối thiên duyên đặc biệt, thể hiện khát vọng tự do và hạnh phúc của con người. Thánh Chử đã để lại tấm gương sáng về trung - hiếu - tiết - nghĩa, đồng thời từ rất sớm, ngài đã tạo dựng nền tảng giao thương giữa các bộ tộc Việt với cư dân bốn bể. 
Cây gậy thần có sự tham gia của ê kíp sáng tạo hùng hậu, gồm: Hai đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên và NSND Tống Toàn Thắng; Nhạc sĩ, NSND Đào Trung (Sáng tác âm nhạc); Họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng (Thiết kế mỹ thuật); NSƯT Thanh Nam (Biên đạo múa)... Đã có rất nhiều kịch bản viết về huyền tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung nhưng hội đồng nghệ thuật đã quyết định chọn dựng kịch bản của cố tác giả Hoàng Luyện. Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương VN chia sẻ: “Khi quyết định dựng về Chử Đồng Tử, chúng tôi mong muốn tìm một kịch bản viết theo hơi hướng cổ xưa và thể hiện thật mộc mạc, nguyên sơ, điều này thiếu vắng ở trong các sáng tác thời gian gần đây. Kịch bản của cố tác giả Hoàng Luyện đáp ứng được yêu cầu của dự án, cốt truyện và tình tiết rất phù hợp cho hình thức kết hợp giữa hai loại hình sân khấu Xiếc và Cải lương”. 


NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc VN cho biết, lúc đầu bản thân anh và diễn viên của hai nhà hát cũng rất bỡ ngỡ, lo lắng bởi đặc trưng của hai loại hình nghệ thuật rất khác nhau, Cải lương thì nặng yếu tố ủy mị, tiết tấu chậm, còn Xiếc thì lại mang tiết tấu nhanh, trực diện. “Tập thể nghệ sĩ đã thực sự vượt lên chính mình, vượt qua mọi khó khăn tưởng như không thể, từ sự kết hợp này, diễn viên của Cải lương và Xiếc đều có sự tương tác, học tập về kỹ thuật biểu diễn từ đồng nghiệp. Cá nhân tôi vô cùng khâm phục các nghệ sĩ Cải lương khi thấy họ xả thân không ngại nguy hiểm, vừa đu trên dây như nghệ sĩ xiếc, vừa diễn, vừa hát. Chúng tôi cũng mong muốn những người yêu thích Cải lương sẽ đồng hành với Xiếc, dần dần xoá đi quan niệm Xiếc chỉ dành cho trẻ em”, NSND Tống Toàn Thắng nói. 


Thử nghiệm mang tính phá cách 
Ngay buổi tổng duyệt, NSND Lưu Phúc, một nghệ sĩ lâu năm của ngành Xiếc chia sẻ: “Ý tưởng kết hợp giữa Xiếc và Cải lương trong Cây gậy thần đã phát huy được ưu thế nổi trội của từng loại hình, đây là xu hướng dàn dựng hiện đại rất đáng khích lệ. Vẫn tiết mục dây lụa của Xiếc nhưng đứng riêng lẻ thì hiệu quả không thể tuyệt vời như khi có sự kết hợp cùng Cải lương. Dễ dàng cảm nhận sự thành công khi chứng kiến những tràng pháo tay vang dội từ người xem cho những khoảnh khắc kết hợp đầy thăng hoa khi hai cặp nghệ sĩ Cải lương và Xiếc cùng thể hiện hình tượng Chử Đồng Tử - Tiên Dung và thực hiện động tác đu dây lụa”. 
Có thể thấy sự phối hợp chặt chẽ và ăn ý của hai đạo diễn nổi tiếng với những thử nghiệm cho sân khấu ở tác phẩm này đã tạo nên không gian nghệ thuật và nhiều tầng sân khấu ở rạp xiếc. Nhiều không gian và bối cảnh của vở được biến hoá linh hoạt, sân khấu thoắt ẩn thoắt hiện, có khi ở bên trái rạp là cảnh triều đình Lạc Vương thì bên phải rạp lại là cuộc sống sôi động của người dân Chử Xá; lúc tái hiện cảnh Phật quang xuất hiện, lúc lại mọc lên tòa lâu đài nguy nga... Khán giả vô cùng bất ngờ khi thấy nghệ sĩ Cải lương “tung hoành” trên sân khấu tròn. Hai nghệ sĩ Minh Hải, Như Quỳnh tham gia vai Chử Đồng Tử và Tiên Dung đều chia sẻ sự hào hứng khi được diễn theo một phong cách hoàn toàn mới mẻ, họ đã thực hiện thuần thục các động tác trên không trung như diễn viên xiếc chuyên nghiệp. 


Quả thực, nếu chỉ có đơn thuần Cải lương hay Xiếc thì sẽ khó thể hiện được những màn diễn ấn tượng như trong Cây gậy thần. Hiệu quả của sự kết hợp cùng hiệu ứng công nghệ đã mang tới những màn diễn vô cùng hấp dẫn như cảnh Chử Đồng Tử - Tiên Dung gặp nhau, cảnh Chử Đồng Tử được chim thần dẫn đường trên biển, cảnh các đạo sĩ đánh tan thủy quái... Cũng khó có thể tưởng tượng những vật nuôi như trâu, lợn đóng xiếc đã khó, giờ được đưa vào các tình huống của vở diễn, trở thành những sản vật của dân làng tặng cho vợ chồng Chử Đồng Tử trong đám cưới. Chử Đồng Tử vốn là vị Thánh tổ của doanh thương thì sự xuất hiện của các phái đoàn nước ngoài tới chúc mừng cũng được thể hiện vô cùng hài hước, dí dỏm. Điều đặc biệt hơn cả là toàn bộ các bài vọng cổ được hòa âm phối khí trên nền nhạc jazz do nhạc sĩ, NSND Đào Trung sáng tác. Cuộc chơi ngẫu hứng này đã phát huy hiệu quả đặc biệt ở màn sử dụng kết hợp giữa nhạc Rap và Jazz trong lớp diễn lũ ma quỷ trỗi dậy cướp ngôi của Lạc Vương. 
Với Cây gậy thần, các đạo diễn, ê kíp sáng tạo và nghệ sĩ của hai đơn vị nghệ thuật đã biến những điều không tưởng thành hiện thực, phá bỏ đi những băn khoăn, lo lắng về sự phối hợp của hai loại hình tưởng như không hề liên quan với nhau. Tác phẩm đã cho thấy sức sáng tạo của người nghệ sĩ là không có giới hạn, sân khấu cần có những thử nghiệm mang tính phá cách để tìm ra “bí kíp” cách tân hiệu quả nhằm thu hút đông đảo hơn nữa khán giả đến với nghệ thuật biểu diễn. 

 Hai nhà hát cùng phối hợp đã mang lại nhiều cái lợi giúp cho việc đầu tư tác phẩm nghệ thuật được quy mô hơn cũng như phát huy thế mạnh của từng loại hình nghệ thuật. Các đạo diễn và ê kíp sáng tạo đã tạo nên những cảnh diễn thật sự hiệu quả, chất lượng, gây ấn tượng mạnh đối với thị giác của người xem. Các đơn vị nghệ thuật khác cũng cần nghiên cứu đến xu hướng kết hợp này để tạo thêm những hình thức thể hiện mới lạ nhằm thu hút sự quan tâm của khán giả. 

(Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG) 

 THÚY HIỀN 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top