46 bang Mỹ đồng loạt kiện Facebook vi phạm luật chống độc quyền

VHO- Vụ kiện chống độc quyền này là thách thức pháp lý quan trọng nhất mà Facebook từng phải đối mặt.

46 bang Mỹ đồng loạt kiện Facebook vi phạm luật chống độc quyền - Anh 1

Các email nội bộ của Zuckerberg được tiết lộ trong phiên điều trần hồi tháng 7 cho thấy ông xem Instagram là một mối đe dọa với Facebook. Ảnh: Getty Images.

Tổng chưởng lý 46 tiểu bang cùng Ủy ban thương mại liên bang (FTC) đã đệ trình đơn kiện Facebook vì vi phạm luật độc quyền trong ngày 9.12, cáo buộc công ty có hành vi ngăn chặn cạnh tranh khi mua lại hai đối thủ chính là Instagram và WhatsApp trong 10 năm qua.

Vụ kiện của các bang do Tổng chưởng lý New York Letitia James dẫn đầu, cáo buộc rằng việc Facebook mua lại nền tảng mạng xã hội Instagram năm 2012 và dịch vụ nhắn tin WhatsApp năm 2014 đã giúp công ty trở thành thế lực dẫn đầu thị trường và tước bỏ quyền bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.

Để giải quyết hành vi chống cạnh tranh của Facebook, các bang và FTC đã kêu gọi thực hiện hành động khắc phục hậu quả, chẳng hạn như buộc công ty bán bớt Instagram hoặc WhatsApp và yêu cầu Facebook phải có sự chấp thuận trước trước các vụ mua bán và sáp nhập trong tương lai.

FTC đã làm việc với các tổng chưởng lý để điều tra Facebook. Đơn vị này cũng đã đệ đơn kiện, cáo buộc gã khổng lồ mạng xã hội có liên quan tới "một chiến lược có hệ thống" thông qua việc mua lại "để loại bỏ các mối đe dọa vị thế độc quyền của công ty.”

Cả hai vụ kiện đều chỉ ra rằng Facebook đã ngăn không cho các công ty đối thủ truy cập vào các API (giao diện lập trình ứng dụng) của. FTC gọi đây là một hành vi “áp đặt các điều kiện chống cạnh tranh đối với các nhà phát triển phần mềm”.

46 tiểu bang, cùng với Washington D.C. và Guam đã tham gia vụ kiện. Chỉ có Alabama, Georgia, Nam Carolina và Nam Dakota là những tiểu bang duy nhất không tham gia.

Trong một tuyên bố, Facebook đã chỉ trích các cáo buộc trên. Công ty cho biết: “Chính phủ muốn cải tổ mà không quan tâm đến tác động với cộng đồng doanh nghiệp rộng lớn hoặc những người chọn sản phẩm của chúng tôi hàng ngày”. 

Tổng cố vấn của Facebook Jennifer Newstead cho rằng “luật chống độc quyền tồn tại để bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sự đổi mới, chứ không phải để trừng phạt các doanh nghiệp thành công”.

Trong một cuộc điều trần trước quốc hội vào tháng 7, CEO Facebook Mark Zuckerberg cũng lập luận rằng việc mua lại Instagram và WhatsApp cho phép cả hai dịch vụ này phát triển và thành công khi được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư của Facebook.

Các email nội bộ của Zuckerberg được tiết lộ trong phiên điều trần hồi tháng 7 cho thấy ông xem Instagram là một mối đe dọa với Facebook. “Instagram có thể làm tổn thương chúng tôi để trở thành một doanh nghiệp lớn”, Zuckerberg viết vào năm 2012.

Một bộ email nội bộ khác từ tháng 1.2013 cho thấy Zuckerberg và các giám đốc điều hành khác liên tục coi WhatsApp là mối đe dọa với Facebook và ứng dụng trò chuyện Facebook Messenger. 

Đề cập đến WhatsApp và một số ứng dụng nhắn tin khác, Zuckerberg viết: "Các công ty ấy đang cố gắng xây dựng mạng xã hội và thay thế chúng tôi." Sau đó, ông thông báo cho nhóm về quyết định chặn các ứng dụng này quảng cáo trên Facebook.

Tháng 9.2020, Facebook đã bắt đầu tung ra tính năng cho phép người dùng Facebook gửi tin nhắn trực tiếp đến người dùng Instagram và ngược lại. Đây là bước đầu tiên trong kế hoạch lớn nhằm thống nhất các dịch vụ nhắn tin trên tất cả các nền tảng của Facebook, bao gồm cả WhatsApp.

Những nỗ lực trên của Facebook trở thành hồi chuông báo động cho các nhà lập pháp trên toàn thế giới, vì sẽ khó phân tách công ty hơn một khi các dịch vụ của nó được tích hợp sâu với nhau.

Forbesvietnam

 

Ý kiến bạn đọc