Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Lễ đặt đá xây dựng quần thể không gian thiền sư Việt

Thứ Năm 10/12/2020 | 22:08 GMT+7

VHO- Tiếp nối hành trình cung rước Tôn tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Lễ đặt đá xây dựng quần thể không gian thiền sư Việt, an vị tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông sẽ diễn ra ngày 20.12.2020 (tức 7.11 Canh Tý) tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (Tiền Giang).

Hành trình cung rước Tôn tượng Phật Hoàng từ ngày 7 đến 20.12 (23.10 đến 7.11 Canh Tý), trải dài gần 2000 km từ Đền Thái Tổ Thái Thượng Hoàng Trần Thừa (thôn Vạn Khoảnh, xã Mỹ Phúc, Mỹ Lộc, Nam Định) đến Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (ấp 1, xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang).

Tại Việt Nam Quốc Tự (TP Hồ Chí Minh), vào 8h00 ngày 14.12 (1.11 Canh Tý) diễn ra lễ nghinh đón Tôn tượng Phật hoàng và vinh danh trong Đại lễ tưởng niệm 712 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn.

Tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (Tiền Giang), vào 17h ngày 19.12. (6.11 Canh Tý) diễn ra lễ phóng sinh, cúng thị thực, thắp đèn hoa đăng, cúng Phật cầu nguyện cho Hoà bình, chúng sinh an lạc, tiêu trừ bệnh tật. 8h ngày 20.12 (7.11 Canh Tý): Lễ an vị tôn tương Phật hoàng theo nghi thức Phật giáo . 9h 30 ngày 20.12 (7.11 Canh Tý): Lễ đặt đá xây dựng Quần thể không gian Thiền sư Việt.

Trước đó, lễ khởi kiệu cung rước tôn tượng Phật hoàng đã được tổ chức trang nghiêm vào ngày 7.12 tại Đền Thái Tổ Trần Thừa, với sự tham gia đông đảo tăng ni, phật tử, quan khách thập phương và du khách quốc tế. Tại đây, thông điệp từ ngài Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, gửi tới Ban Tổ chức và cộng đồng Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước nhấn mạnh: “Xin trân trọng chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam và mỗi Phật tử Việt Nam nhân dịp tổ chức ngày hội này, ngày hội của tinh thần hòa ái, lan tỏa tư tưởng và lời dạy của Đức Phật hoàng dọc theo đất nước, và nỗ lực phục dựng Quần thể không gian Thiền sư Việt... Sống ở Việt Nam, tôi được biết rằng Phật giáo là một trong những nền tảng của văn hóa, truyền thống và tín ngưỡng đạo đức dân tộc, và là cội nguồn của các nguyên tắc sống với lòng từ bi, bình đẳng, hòa bình và khoan dung...”.

Trong buổi lễ này, Thượng tọa Thích Thanh Thịnh Phó ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định, đã giới thiệu khái quát về thân thế và sự nghiệp vĩ đại của Phật hoàng và nhấn mạnh: “Phật Hoàng Trần Nhân Tông là đức vua - thiền sư đời đạo lưỡng toàn”.

Điểm đến của hành trình cung rước và an vị tượng Phật hoàng

Điểm đến của hành trình hiếm có này là một trong những thiền viện lớn ở nước ta: Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác (Tiền Giang). Công trình văn hóa tâm linh này được xây dựng từ năm 2012 trên diện tích hơn 50 ha theo mô hình truyền thống của hệ phái Trúc Lâm Yên Tử.

Thiền viện có 2 khu vực biệt lập là nội viện và ngoại viện. Trong đó khu ngoại viện bao gồm nhiều hạng mục: Chánh điện, Tổ đường, Thiền đường, Giảng đường, Thư viện, Nhà Trưng bày, Lầu chuông,… với tổng diện tích hơn 47.000m vuông. Trong đó, Chánh điện của Thiền Viện có sức chứa lên đến hơn 3.000 người.

Điểm nhấn quan trọng trong toàn thể kiến trúc tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác này là bốn Thánh tích Phật giáo thế giới (hay còn gọi là Tứ động tâm) được xây dựng theo tỉ lệ 6/10 với nguyên mẫu tại Ấn Độ và Nepal. Bốn thánh tích này gồm vườn Lâm Tì Ni nơi Phật đản sinh, Bồ Đề Đạo Tràng nơi Phật thành đạo, vườn Lộc Uyển nơi Phật chuyển pháp luân, Câu Thi Na nơi Phật nhập diệt.

Sau khi an vị tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại địa linh này là lễ đặt đá xây dựng “Quần thể Không gian Thiền sư Việt”. Lịch sử Thiền Việt trải gần 2 thiên niên kỷ được thể hiện qua hệ thống chân dung các vị thiền sư tiêu biểu cùng nhiều bia đá với những bài kệ của nhiều Thiền sư Việt danh tiếng. Nét độc đáo của quần thể này là sự phục dựng lại thánh địa Ngọa Vân - nơi Đức Vua Trần Nhân Tông hóa Phật - bằng chất liệu chủ yếu là gốm cổ Luy Lâu - địa danh phát tích Phật giáo Việt Nam... Công trình văn hoá tâm linh thuần Việt này được nhóm kiến trúc sư tiêu biểu, có uy tín do Công ty cổ phần Truyền thông Việt đồng hành cùng doanh nghiệp TTV mời sáng tạo ý tưởng, thiết kế, quy hoạch và phối hợp với Thiền viện thực hiện. Cùng với “Tứ động tâm” - 4 di sản Phật giáo đỉnh cao của thế giới - thì việc tạo dựng “Quần thể Không gian Thiền sư Việt” là điểm sáng tôn vinh bản sắc văn hóa tâm linh Việt.

Tỏa sáng thiền dưỡng sinh tâm thể Trần Nhân Tông

Trong buổi lễ an vị tượng Phật hoàng, chúng ta sẽ có dịp thưởng thức màn trình diễn Thiền Dưỡng sinh Tâm thể Trần Nhân Tông được sân khấu hóa với sự tham gia của nhiều thiền sư và 500 thiền sinh.

Tiếp nối và khơi sáng dòng thiền Trúc Lâm, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Y học dân tộc và dưỡng sinh Việt kết hợp với Ban Chấp hành Họ Trần Việt Nam tỉnh Nam Định, Mạng xã hội dành cho cộng đồng Phật tử Butta.vn đang từng bước đưa dòng thiền này vào chăm sóc thân tâm cho cộng đồng với tên gọi Thiền dưỡng sinh tâm thể Trần Nhân Tông. Được sự tư vấn của nhiều thiền sư, với định hướng “Sức khỏe và an lạc cho người Việt”, dòng thiền này đang từng bước phổ cập ra cộng đồng cho nhiều đối tượng như: viên chức, doanh nhân, học sinh, sinh viên, người cao tuổi và khách du lịch quốc tế tại Việt Nam. Tại Đại lễ tưởng niệm 711 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (2019) được tổ chức tại Chùa tháp Phổ Minh, Nam Định Thiền dưỡng sinh tâm thể Trần Nhân Tông đã chính thức ra mắt để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong cộng đồng.

Đại lễ tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn với sự kiện Cung rước, chiêm bái và an vị tượng Phật Hoàng là dịp người Việt trong và ngoài nước tri ân công lao và sự nghiệp vĩ đại của Phật Hoàng Trần Nhân Tông; học tập, phát huy tinh thần nhập thế “đạo gắn với đời” của Phật Hoàng; đặng cùng nhau chung lòng xây dựng đất nước ngày càng thịnh vượng.

MINH AN

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top