Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Di tích Chăm Phong Lệ​​​​​​​: Cần có một danh phận tương xứng

Thứ Hai 14/12/2020 | 15:16 GMT+7

VHO- Ngành Văn hóa Đà Nẵng đã đề xuất chọn di tích Chăm Phong Lệ (thuộc phường Hòa Thuận Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) là địa chỉ duy nhất để duy trì, bảo tồn các phát lộ khai quật khảo cổ, làm cơ sở cho hoạt động tham quan, nghiên cứu về lịch sử văn hóa địa phương.

Bảo tồn Di tích Chăm Phong Lệ để phục vụ các hoạt động tham quan du lịch, nghiên cứu về lịch sử văn hóa địa phương

 Theo đó, TP Đà Nẵng đã phê duyệt đề án Khảo cổ và phát huy giá trị khu di tích Chăm Phong Lệ, thực hiện theo các nguồn vốn: Vốn ngân sách trong việc thực hiện giải tỏa đề bù, khảo cổ, tu bổ, tôn tạo và nâng cao năng lực bảo vệ di tích; vốn huy động đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài, từ khai thác các hoạt động du lịch và các nguồn vốn hợp pháp khác. Mục tiêu Đề án sẽ từng bước tôn tạo, hoàn thiện đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, gắn mục tiêu bảo tồn với khai thác, phát huy giá trị. Đồng thời hoạch định để phát triển các tuyến du lịch liên kết với di tích, đưa vào không gian trưng bày bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể, gắn với văn hóa địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Việc đầu tư, tôn tạo khu di tích Chăm Phong Lệ sẽ có tác dụng đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, du lịch tại địa phương. Theo ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, cùng với di tích Nghĩa trủng Hòa Vang (phường Khuê Trung), khu di tích này trong tương lai sẽ là một phần trong cụm các di tích lịch sử, văn hóa được liên kết để phát triển du lịch. “Hiện đang có đề án phát triển du lịch đường sông Cẩm Lệ với bến tàu đón trả khách được xây dựng gần khu di tích Chăm Phong Lệ. Điều này là một lợi thế, tiền đề quan trọng để địa phương phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, du lịch của người dân, du khách. Sau khi đề án được triển khai, địa phương sẽ hướng cộng đồng nhân dân sinh sống trong vùng quy hoạch cùng tham gia công tác bảo tồn di tích, từng bước đưa các giá trị kinh tế gắn với việc bảo tồn di tích thông qua các hoạt động du lịch, phát triển làng nghề truyền thống”, ông Tiến cho biết.

Theo Sở VH-TT Đà Nẵng, đối tượng nghiên cứu của Đề án sẽ bao gồm văn hóa vật thể, phi vật thể và cảnh quan môi trường. Phạm vi nghiên cứu bao gồm toàn bộ các di tích, các hiện vật có liên quan và nằm trong khu di tích (bao gồm Miếu Bà). Quy mô quy hoạch tổng thể trên diện tích 19.740m2, bao gồm khu vực lõi di tích đã được khai quật và khu vực quy hoạch phục vụ khai quật khảo cổ, khu vực bảo vệ và khu vực dịch vụ du lịch, phát huy giá trị di tích. Trong đó, Khu vực bảo vệ I có diện tích 2.653m2; Khu vực bảo vệ II có diện tích 1.626m2; Khu vực phục vụ du lịch - phát huy giá trị di tích có diện tích 15.416m2.

Theo khảo sát, có đến 7 địa điểm di tích Chăm chính tại An Sơn, Cấm Mít, Khuê Trung, Ngũ Hành Sơn, Phong Lệ, Quá Giáng và Xuân Dương cùng một số địa điểm khác có phát hiện những dấu vết ít ỏi của kiến trúc Chăm… Tại các di tích này, chủ yếu chỉ thực hiện khai quật để nghiên cứu, sưu tầm hiện vật và sau đó hoàn thổ, trả lại mặt bằng để sử dụng vào các mục đích dân sinh, phát triển xã hội. Di tích Chăm Phong Lệ được phát lộ và thực hiện khai quật khảo cổ lần đầu trên diện tích 500m2 vào năm 2012. Tại đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện nền móng một tháp Chăm lớn nhất miền Trung tại Phong Lệ. Đây cũng là di tích duy nhất cho đến nay trong toàn bộ hệ thống đền tháp Chăm có điều kiện để nghiên cứu và giới thiệu về phần nền móng kiến trúc. Khu di tích Chăm Phong Lệ đã trải qua 3 lần khai quật và mỗi lần đều khai quật được những hiện vật có giá trị về lịch sử.

Tuy được giới nghiên cứu, khảo cổ công nhận có nhiều giá trị đặc biệt, nhưng kể từ khi được khai quật đến nay, nơi đây vẫn chưa có một danh phận tương xứng. Trước thực trạng bị lãng quên, năm 2020, UBND TP Đà Nẵng đã có báo cáo gửi Ban cán sự Đảng, UBND và HĐND TP về việc đề xuất xây dựng các thiết chế văn hóa xứng tầm với vị thế TP, trong đó nhấn mạnh việc đầu tư, tôn tạo, nâng cấp khu di tích Chăm Phong Lệ thành cơ sở 2 của Bảo tàng Điêu khắc Chăm. 

 NGỌC HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top