Nhiều bảo tàng lưu giữ ký ức thời Covid-19

VHO- Nhiều bảo tàng trên thế giới đang bắt đầu tìm kiếm, thu thập các vật dụng lưu giữ ký ức về một giai đoạn đáng ghi dấu của lịch sử thế giới, giai đoạn phong tỏa do đại dịch Covid-19.

Nhiều bảo tàng lưu giữ ký ức thời Covid-19 - Anh 1

Lọ vắcxin Covid-19 đầu tiên trên thế giới sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Khoa học London (Anh) vào năm 2021 Ảnh: DAILY MAIL

Việc lưu giữ những vật dụng được mọi người sử dụng trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, như để nhắc lại cho các thệ hệ mai sau về một đại dịch khiến cả thế giới chao đảo.

Dấu ấn thời Covid - 19

Lọ thuốc tiêm và ống tiêm của mũi vắcxin Covid-19 đầu tiên trên thế giới sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Khoa học London (Anh) vào năm 2021. Theo trang Daily Mail (Anh), vào lúc 6 giờ 45 phút sáng 8.12, cụ bà Keenan 90 tuổi ở thành phố Coventry (Anh) đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được tiêm vắcxin Covid-19 của Pfizer/BioNTech. Sự kiện quan trọng này đã trở thành chủ đề toàn cầu và mang đến tia hy vọng đại dịch có thể sắp kết thúc. Do đó, cả lọ thuốc tiêm rỗng và ống tiêm đã được sử dụng cho cụ Keenan sẽ được Bảo tàng Khoa học lưu trữ, coi đây là hiện vật có rủi ro sinh học. Đây được coi là một nỗ lực có ý thức nhằm bảo tồn lọ vắcxin vì những vật dụng y tế này rất dễ bị thất lạc do chỉ được sử dụng một lần và có thể bị bỏ đi. Đồng thời, lọ thuốc và ống tiêm của mũi vắcxin đầu tiên trên thế giới này cũng sẽ được đưa vào Bộ sưu tập Bảo tàng Khoa học. Nó sẽ trở thành một phần của bộ sưu tập đặc biệt, được lưu giữ nhằm làm nổi bật vai trò của các nhà khoa học trong đại dịch Covid-19. Các vật dụng khác bao gồm công nghệ y tế nguyên mẫu, gạc và máy thở tại Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) cũng sẽ được đưa vào bộ sưu tập này.

Bảo tàng London, nơi tái hiện chiều dài lịch sử của thủ đô nước Anh đã phát động chiến dịch quyên góp các vật dụng phản ánh cuộc sống của người dân London trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát. Theo đó, người dân có thể đóng góp bất kỳ món đồ nào để giúp kể một câu chuyện về quãng thời gian ở nhà vì đại dịch Covid-19. Đó có thể là một đôi dép đi trong nhà yêu thích hoặc chứng tích về một kỹ năng mới học được trong thời gian ở nhà như đan lát, nấu ăn hoặc may khẩu trang tặng các nhân viên y tế. Hay Bảo tàng Gia đình cũng ở London đã kêu gọi người dân ghi lại những cảm xúc của họ về ngôi nhà của mình thời dịch bệnh Covid-19 khi nhà bỗng chốc đảm đương nhiều công năng như văn phòng làm việc, lớp học và phòng tập gym.

Tại Bảo tàng Wien ở Vienna (Áo) hơn 1.300 người đã gửi cho bảo tàng những ấn tượng của họ về đại dịch qua e-mail bằng cách sử dụng thẻ “Bộ nhớ Corona”. Giám đốc Bảo tàng Matti Bunzl cho biết: “Một trong những vật yêu thích của tôi là móc len hình virus Corona. Nó không chỉ dễ thương mà còn cho thấy các đồ vật này là đại sứ của thời điểm hiện tại”. Các tài liệu và đồ vật trên trang web của Bảo tàng Wien cũng cho thấy đại dịch Covid-19 đã “kích hoạt” sự sáng tạo.

Quãng thời gian hàng tỷ người trên thế giới bị phong tỏa do đại dịch Covid-19 đã truyền cảm hứng để 3 giám đốc quảng cáo trẻ ở Barcelona (Tây Ban Nha) thành lập một bảo tàng trực tuyến trên Instagram. Hơn 900 tác phẩm đã được gửi đến Bảo tàng Nghệ thuật Covid-19 từ khắp nơi trên thế giới, kể lại những trải nghiệm đáng nhớ khi đại dịch hoành hành trên toàn cầu.

Ghi lại khoảnh khắc lịch sử

Tiến sĩ Emily Lawson, Giám đốc Thương mại và Trưởng nhóm vắcxin của NHS rất vui mừng vì những vật dụng của NHS và lọ vắcxin đầu tiên trên thế giới này sẽ được lưu trữ tại Bảo tàng Khoa học London. “Việc làm này vừa ghi lại đúng khoảnh khắc lịch sử cho các thế hệ sau này, vừa đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 của nước Anh, góp phần đảm bảo lọ thuốc tiêm và ống tiêm được sử dụng vì lợi ích lịch sử”, tiến sĩ Emily Lawson nói.

Các bảo tàng và trường đại học trên khắp nước Đức, từ Hamburg đến Munich và Cologne cũng đang yêu cầu mọi người không vứt bỏ các đồ vật định hình cuộc sống hiện tại của họ, mà chụp ảnh chúng hoặc gửi đến bảo tàng. Họ muốn nắm bắt cuộc sống hằng ngày trong giai đoạn mùa Xuân năm 2020, không chỉ cho cá nhân, mà cho cả ký ức tập thể. Đồ vật đầu tiên tượng trưng cho đại dịch trong Bảo tàng thành phố Cologne là một tờ rơi của thành phố Cologne về cách đối phó với cuộc khủng hoảng do đại dịch. Bảo tàng Lịch sử Đức tại Berlin cũng coi đại dịch là một chương mới của bộ sưu tập lịch sử và có kế hoạch gắn kết nó với các bộ sưu tập đã có sẵn.

Giám đốc Bảo tàng Gia đình Sonia Solicari đã rất ngạc nhiên khi mọi người đã cởi mở chia sẻ những cảm xúc chân thật của mình. “Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, chúng ta có nguy cơ mất tất cả những ký ức này. Nó thực sự trở thành một bộ sưu tập cảm xúc và rất cảm động, giống như một bộ sưu tập hình ảnh và những lời kể của các nhân chứng. Và dường như sự kiên cường, cách mọi người thay đổi và thích nghi với dịch bệnh đều xuất hiện trong mọi hoàn cảnh qua lời kể của các nhân chứng”, bà Solicari cho biết. 

 HOÀNG ANH

Ý kiến bạn đọc