Điều khiển xe máy dưới 50cc, xe máy điện phải có bằng: Cấp thiết lắm rồi

VHO- Hiện nay tình trạng học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, đi hàng hai, hàng ba, chở quá số người quy định... là khá phổ biến. Chính vì thế, quy định người điều khiển xe máy dưới 50cc hoặc xe máy điện có công suất động cơ dưới 4kW sẽ phải được đào tạo, cấp giấy phép lái xe là thông tin được nhiều người hoan nghênh.

Điều khiển xe máy dưới 50cc, xe máy điện phải có bằng: Cấp thiết lắm rồi - Anh 1

 Việc học sinh đi xe máy vi phạm Luật Giao thông diễn ra thường xuyên trên đường Ảnh minh họa

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban ATGTQG, vấn đề này nằm trong Quyết định 2060/2020 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Trong nhóm giải pháp về người điều khiển phương tiện, Chính phủ thống nhất điều chỉnh phân hạng giấy phép lái xe cơ giới đường bộ cho phù hợp với Công ước viên 1968 về giao thông đường bộ và đặc thù phương tiện tại Việt Nam. Hài hòa quy trình, phương pháp và nội dung đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tương đương với các nước phát triển.

Hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy dưới 50cc. Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh từ 50cc trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự. Bằng lái xe hiện được phân làm 13 hạng, trong đó bằng lái hạng A1 cho phép điều khiển xe máy có dung tích xy-lanh từ trên 50cc đến dưới 175cc; bằng A2 cấp người điều khiển xe trên 175cc. Do đó, xe gắn máy dưới 50cc và xe máy điện theo quy định hiện hành thì không phải thi lấy bằng lái. Do điều kiện dễ dàng như vậy nên vì muốn con tự đi học, đỡ phải đưa đón vất vả nhiều bậc phụ huynh đã mua các loại xe này cho con. Tuy nhiên, việc làm này tiềm ẩn không ít rủi ro về an toàn giao thông khi con em tham gia giao thông.

Chị Nguyễn Thanh Hồng (khu đô thị Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, vì công việc bận rộn, chồng hay đi công tác nên khi cậu con trai thi đỗ lớp 10, vợ chồng chị mua chiếc xe máy điện cho con tự đi học. Con đi xe máy điện, bố đi xe máy kèm theo sau. Vài buổi con tự đi được là vợ chồng thả ra để con tự đi chứ không dạy luật hay các quy định về an toàn giao thông. Giống như chị Hồng, nhiều phụ huynh cũng đành chọn phương án đó để giải quyết việc đi lại cho con em mình khi mua xe máy điện, xe máy 50cc cho con. Chính vì lẽ đó, đến các trường phổ thông trung học, phổ thông cơ sở, xe máy 50cc, xe máy điện, xe đạp điện khá phổ biến. Giờ tan trường, không ít thanh thiếu niên mặc đồng phục, không đội mũ bảo hiểm, đèo 3 - 4 học sinh khác phóng vèo vèo, lạng lách trên đường.

Mặc dù Ủy ban ATGTQG đã đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường phối hợp ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em tự giác chấp hành quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, không chở quá số người quy định; không điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, không có bằng lái. Đồng thời, đề nghị các địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đối với học sinh, nhất là các hành vi vi phạm nguy hiểm như: Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, đi hàng 2 hàng 3, chở quá số người quy định; xem xét trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cơ sở, đơn vị chức năng trực tiếp phụ trách địa bàn trong việc để xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh…

Các trường cũng đã có những biện pháp, quy định cứng rắn, tuy nhiên việc học sinh vi phạm luật giao thông dẫn đến gây tai nạn và bị tai nạn vẫn có chiều hướng gia tăng. Thống kê của Ủy ban ATGTQG cho thấy, học sinh cấp 3 có liên quan tới 90% tổng số vụ tai nạn của trẻ em và tỉ lệ tử vong do tai nạn giao thông của nhóm này có xu hướng gia tăng. Theo thống kê, trung bình mỗi năm có tới 2.000 trẻ em thiệt mạng vì tai nạn giao thông trên cả nước. Đây là những con số đau lòng và tỉ lệ thuận với việc ngày càng nhiều phụ huynh để cho con em mình tham gia giao thông bằng xe máy, xe máy điện, xe đạp điện. Trước đây, học sinh chủ yếu đến trường bằng xe đạp, bố mẹ đưa đi, đi bộ… thì hiện nay, nếu đến bãi gửi xe của các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở sẽ thấy lượng xe đạp cực kỳ ít ỏi.

Hiện Luật Giao thông đường bộ không bắt buộc sát hạch cấp bằng lái với hạng xe máy dưới 50cc và xe máy điện. Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa được Bộ GTVT xây dựng đầu năm 2020 đã bổ sung loại giấy phép lái xe A0 dành cho xe máy dung tích dưới 50cc và xe điện dưới 4kW. Cùng với đó là Quyết định 2060/2020 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 quy định về điều chỉnh phân hạng giấy phép lái xe cơ giới sẽ là những việc làm cấp thiết và cần thiết để đảm bảo an toàn cho học sinh khi ra đường.

Hiện nay, phụ huynh để cho con em điều khiển xe máy quá sớm cùng với việc xe máy 50cc, xe máy điện được bán tràn lan đang là mối nguy cơ cao về an toàn giao thông cho chính các em và những người tham gia giao thông. Hình ảnh học sinh điều khiển xe máy, xe đạp không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, bỏ chạy khi công an ra hiệu lệnh dừng xe… đang là hình ảnh không hiếm gặp trên đường và gây ra nỗi khiếp sợ cho nhiều phương tiện khác. 

Q.XƯƠNG

Ý kiến bạn đọc