Đà Nẵng kích hoạt lại du lịch đường sông

VHO- Sớm khởi động và “kích hoạt” lại các tuyến du lịch đường sông là một trong những mục tiêu của ngành du lịch Đà Nẵng, nhằm thu hút khách du lịch cũng như tạo sản phẩm mới phù hợp với lợi thế địa phương.

Đà Nẵng kích hoạt lại du lịch đường sông - Anh 1

 Đo thân nhiệt cho du khách trước khi lên tàu

Do khó khăn chung của dịch bệnh, các doanh nghiệp du lịch nói chung gặp nhiều khó khăn, trong đó du lịch đường thủy dù đã hoạt động trở lại nhưng lượng khách chưa nhiều, gặp khó trong việc khai thác nguồn khách vì khách quốc tế không có, khách nội địa khá èo uột, một số tàu chỉ phục vụ khách vào cuối tuần. Các chủ tàu cho biết, thời gian này, các đơn vị chủ yếu tham gia các công tác đào tạo, tập huấn thường niên như phòng cháy chữa cháy, nghiệp vụ phục vụ khách, an toàn cứu hộ cứu nạn… Trong kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng năm 2019-2021 có 9 nhiệm vụ lớn, trong đó có nhiệm vụ phát triển 8 tuyến du lịch và một số nhiệm vụ trọng tâm khác. Theo đó, trong thời gian tới, Đà Nẵng “quyết tâm” nỗ lực hoàn thiện các mục tiêu để phát triển du lịch đường thủy nội địa. Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết: Hiện nay, với việc đầu tư, đóng mới tàu theo tiêu chuẩn đã nâng cao chất lượng đội tàu du lịch, bảo đảm an toàn và đáp ứng được nhu cầu phục vụ khách”. Ngoài 27 tàu đang hoạt động (trong đó tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý có 19 tàu; tuyến sông Hàn - Hòn Chảo có 8 tàu), ngành du lịch thành phố cũng đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, đóng mới tàu có cấp SB (tàu sông pha biển), đặc biệt các tàu lưu trú về đêm trên vịnh Đà Nẵng.

Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện vẫn đang có một số doanh nghiệp xin cấp phép đóng mới tàu để hoạt động du lịch đường sông. Ngoài ra, ngành du lịch thành phố đã có nhiều bước chuẩn bị cho hoạt động của du lịch đường thủy nội địa như tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các thuyền viên, nhân viên phục vụ trên tàu, hướng dẫn thực hiện các bộ tiêu chí đã ban hành, các khóa tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp phục vụ khách; cách xử lý tình huống cho người dân tại các địa bàn trọng điểm về du lịch như Khu Di tích cách mạng K20 của Ngũ Hành Sơn, Túy Loan, Thái Lai của Hòa Vang, khu vực Liên Chiểu, nhằm từng bước chuẩn hóa kỹ năng phục vụ du khách, đảm bảo chất lượng điểm đến. Trước mắt, Đà Nẵng sẽ ưu tiên hoàn thiện và phát triển tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý và tuyến quanh khu vực bán đảo Sơn Trà. Với các bến đã triển khai đầu tư và cơ bản hoàn thành hạng mục cầu tàu như Túy Loan, Thái Lai, tiếp tục đầu tư các hạng mục bổ sung như nhà chờ, bãi đậu xe, nhà vệ sinh, quầy lưu niệm. Sở Du lịch thành phố tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan như Sở GTVT, Bộ chỉ huy Quân sự, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố làm việc với Bộ tư lệnh vùng 3 Hải quân để thống nhất phương án trả khách tại bến Tiên Sa và đầu tư các điểm dừng chân.

Ông Nguyễn Xuân Bình cho biết, ngành sẽ tham mưu cho UBND thành phố phát triển hơn nữa các hoạt động của du lịch đường thủy nội địa, cụ thể là xây dựng các bến tàu, các sản phẩm mới, tiếp tục kêu gọi đầu tư thêm các du thuyền chất lượng, bảo đảm an toàn, chuyên nghiệp. 

 NGỌC HÀ

 

Ý kiến bạn đọc