Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

“Gieo hạt mầm” bảo tồn di sản

Thứ Tư 03/03/2021 | 10:53 GMT+7

VHO-  Thực hiện một chuỗi hoạt động phát huy giá trị di sản theo nhiều hướng, hai năm qua, dự án Di sản Kết nối đã thu hút sự tham gia của đông đảo bạn trẻ cùng nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, khán giả, nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa, để mọi người cùng đóng góp và hưởng lợi từ sự bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể.

 Dự án góp phần khôi phục các giá trị văn hóa, nghệ thuật địa phương

Không chỉ với giới trẻ trong cộng đồng có di sản, dự án cũng kết nối các nghệ sĩ, kết hợp nghệ thuật đương đại với truyền thống, từ đó có những dự án nghệ thuật sân khấu, đa phương tiện... với nhiều sáng kiến nhằm lưu giữ và phát huy, giới thiệu di sản tới khán giả.

Đã làm được nhiều hơn việc tổ chức lớp học

Việc duy trì truyền dạy âm nhạc truyền thống vẫn thường được các thế hệ nghệ nhân người Chăm thực hiện bao đời nay, nhằm gìn giữ âm nhạc nghi lễ của dân tộc mình. Trong khuôn khổ dự án Di sản Kết nối do Hội đồng Anh phối hợp với các đối tác thực hiện, với hỗ trợ tổ chức từ Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) và Trung tâm Văn hóa Chăm, các lớp truyền dạy âm nhạc truyền thống Chăm (trống ginăng và paranưng) đã được diễn ra tại làng Bỉnh Nghĩa và Bàu Trúc. Khai giảng trung tuần tháng 10.2018, các lớp diễn ra mỗi cuối tuần, dành cho 15 học viên ở lứa tuổi thanh thiếu niên và trong năm 2019-2020, các lớp tiếp tục được triển khai tại hai làng với các bài học nâng cao. Không dừng lại ở đó, dự án cũng giúp thiết lập các hoạt động du lịch cộng đồng dựa vào di sản văn hóa phi vật thể, với mục tiêu giúp cộng đồng hưởng lợi từ chính các hoạt động du lịch này...

Ngoài tỉnh Ninh Thuận, dự án Di sản Kết nối còn diễn ra tại Gia Lai và Kon Tum (âm nhạc cồng chiêng của người Bahnar) và TP.HCM (Cải lương). Bà Phạm Minh Hồng, Quản lý dự án cho biết, Di sản Kết nối nằm trong khuôn khổ di sản văn hóa cho sự phát triển đồng đều nghĩa là dùng di sản văn hóa như là một công cụ để có thể phát triển và điều đó xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng. Tại Gia Lai, cộng đồng làng Mơ H’ra vẫn thường xuyên truyền dạy cồng chiêng trong gia đình, nhưng dự án khuyến khích họ thành lập đội cồng chiêng trẻ em, hỗ trợ họ tập luyện, tư vấn và trợ giúp trong hoạt động du lịch cộng đồng. Trong khuôn khổ chương trình, cộng đồng làng Mơ H’ra cùng nhau xây dựng đợt trưng bày với các hiện vật do chính dân làng đóng góp liên quan đến âm nhạc cồng chiêng Bahnar, các truyền thống văn hóa tại nhà rông. Lễ hội cồng chiêng cũng được cộng đồng đứng ra tổ chức sau nhiều năm bị gián đoạn. Hay như ở Kon Tum, ngoài việc truyền dạy các loại hình âm nhạc truyền thống của địa phương cho trẻ em là học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, dự án còn có hoạt động nghiên cứu, thu thập các bản nhạc chiêng mà nghệ nhân đang sống trong cộng đồng còn nhớ; phỏng vấn, xác định những nghệ nhân vẫn có thể biểu diễn những bản nhạc chiêng hiếm và những người có thể truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ sau...

Nghệ thuật cải lương ở TP.HCM vốn có các nhóm duy trì hoạt động truyền dạy khác nhau, nhưng dự án đã làm được nhiều hơn việc tổ chức lớp học: Nghiên cứu, trưng bày và ấn phẩm về lịch sử truyền miệng cải lương qua lời kể của những đào kép, soạn giả, đạo diễn, giảng viên, nhà làm phim, nghệ nhân làm trang phục, bầu gánh hát, nhà sưu tập, nhà nghiên cứu cũng như người mộ điệu; biểu diễn, chiếu phim và tọa đàm...

 Biểu diễn cồng chiêng ở làng Mơ H’ra

Đào tạo đội ngũ kế cận

Hai năm là chặng đường của dự án đã đi qua với những nỗ lực hướng tới việc đảm bảo cộng đồng những người sở hữu di sản được hưởng lợi từ những hoạt động một cách có chiều sâu và dựa vào cộng đồng, hướng tới mục tiêu lớn hơn là bảo vệ và phát huy di sản văn hóa.

“Qua hai năm thực hiện, dự án là bước khởi đầu và thành công lớn nhất mà dự án đạt được là sự kết nối giữa truyền thống và đương đại, kết nối được rất nhiều đối tượng với nhau, từ những em nhỏ cho đến những nghệ nhân trong các cộng đồng nắm giữ di sản, cũng như kết nối cộng đồng đó với các nghệ sĩ đương đại và nhóm nghệ sĩ đương đại này đã làm ra khá nhiều sản phẩm kết nối được với khán giả hiện nay; kết nối giữa những người nắm giữ, nghiên cứu di sản với các cơ quan quản lý về văn hóa...”, bà Phạm Minh Hồng nhận định.

Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, dự án có cách tiếp cận mới, không theo một mô hình có sẵn, mà dựa trên ý tưởng, mong muốn của cộng đồng để hỗ trợ họ thực hiện. Đặc biệt, dự án chú ý tới lớp trẻ, khán giả tương lai và lớp kế cận bảo tồn di sản. Ngoài hỗ trợ truyền dạy và tạo điều kiện cho các em biểu diễn nghệ thuật truyền thống, dự án còn thu hút các em tìm hiểu di sản qua các phương tiện truyền thông hiện đại hấp dẫn như: Tổ chức Câu lạc bộ nhiếp ảnh Photo Voice cho thiếu niên, giúp các em có cơ hội học cách sử dụng máy ảnh, quan sát việc thực hành di sản âm nhạc và các di sản văn hóa khác tại địa phương, và để biểu đạt sự nhận thức, trân trọng và quan tâm của các em đến di sản cộng đồng qua ống kính. Ở Ninh Thuận, Câu lạc bộ làm phim cho trẻ em cũng được tổ chức, giúp các em nhỏ ghi lại những hoạt động tương tác của cộng đồng với di sản âm nhạc của họ trong cuộc sống hàng ngày...

Không chỉ với giới trẻ trong cộng đồng có di sản, dự án cũng kết nối các nghệ sĩ, kết hợp nghệ thuật đương đại với truyền thống, từ đó có những dự án nghệ thuật sân khấu, đa phương tiện, lưu trú... với nhiều sáng kiến nhằm lưu giữ và phát huy, giới thiệu di sản tới khán giả hiện nay. “Chúng tôi đang làm việc với nhóm chuyên gia làm bộ công cụ để kể chuyện về di sản. Nhằm lan tỏa hiệu quả, nối dài dự án này, chúng tôi cũng tiếp tục các hoạt động đang thực hiện, hỗ trợ duy trì các Câu lạc bộ, hỗ trợ truyền thông cho du lịch cộng đồng tại các địa phương...”, bà Hồng chia sẻ về hoạt động sắp tới của dự án và hy vọng với sự nhận thức của cộng đồng, sự kết nối giữa các bên, di sản sẽ trở thành một nguồn lực bền vững, như một cách để bảo đảm sự tăng trưởng trong xã hội và tôn vinh những giá trị của quá khứ trong thế giới hiện tại. 

HÀ LAN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top