Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Áp dụng cùng lúc 3 kỹ thuật để cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim

Thứ Hai 08/03/2021 | 20:25 GMT+7

VHO- Dù không có bệnh nền, không uống rượu bia, hút thuốc lá nhưng ông N.V.T (50 tuổi) bỗng dưng lên cơn đau tim phải đi cấp cứu, chỉ sau vài giờ người bệnh đột ngột ngừng tuần hoàn, mất ý thức, ngừng thở…

Lần đầu tiên áp dụng cùng lúc 3 kỹ thuật trong cấp cứu bệnh nhân tim mạch

Các bác sĩ Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E vừa cứu sống thành công bệnh nhân nam N.V.T (50 tuổi, ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) trong tình trạng nguy kịch ngừng tuần hoàn đột ngột, mất ý thức, ngừng thở và đối mặt với nguy cơ tử vong cao. GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E khẳng định, việc bệnh nhân được cứu sống là một kỳ tích, Bệnh viện lần đầu tiên đã áp dụng cùng lúc 3 kỹ thuật trên người bệnh nhân.

GS Lê Ngọc Thành khám cho bệnh nhân N.V.T sau phẫu thuật

Theo bà Nguyễn thị Liên (sinh năm 1972), trước đó, ông N.V.T sức khỏe bình thường kinh doanh nhôm kính của gia đình, không có bệnh nền, không hút thuốc, thỉnh thoảng mới uống rượu. Cách đây 1 tháng, cơ thể xuất hiện những cơn đau tức ngực nhưng ông không điều trị gì. Đến chiều ngày 22.2, ông lại kêu đau tim và vào Bệnh viện 74 (huyện Sóc Sơn) khám trong tình trạng tức ngực, khó thở. Nhưng chỉ sau vài giờ, người bệnh đột ngột ngừng tuần hoàn, mất ý thức, ngừng thở. Bệnh nhân đã được các bác sĩ Bệnh viện 74 cấp cứu ngừng tuần hoàn, đặt ống nội khí quản… và ngay lập tức chuyển cấp cứu lên Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E.

GS Lê Ngọc Thành cho biết, theo báo cáo của ê kíp tiếp nhận, còn khả năng cứu được bệnh nhân nên ngay lập tức tiến hành can thiệp mạch vành, đặt stent. Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi đặt stent mạch vành xong, huyết áp không lên được vì tim ngừng đập lâu quá, các bác sĩ đã xin ý kiến Giám đốc Bệnh viện đặt bóng đối xung động mạnh chủ (đưa 1 ống có quả bóng đặt vào động mạch chủ, nhằm mục đích khi quả tim đập, dù đập nhẹ thì quả bóng sẽ ngăn máu chảy xuống phía dưới mà tập trung dẫn máu lên não).

“Đây là kỹ thuật ưu tiên trong cấp cứu tim mạch, chỉ chuyên khoa mới làm được. Sau khi đặt bóng đối xung, bệnh nhân đã có huyết áp, nuôi được não thì các tạng lại suy vì ngừng tim lâu quá. Các bác sĩ lại tiếp tục xin ý kiến để đặt máy lọc thận nhân tạo. Như vậy trên người bệnh nhân cùng lúc có stent mạch vành, đặt bóng đối xung bên đùi phải, chạy máy lọc thận liên tục bên đùi trái. Và chỉ 3 ngày sau đặt bóng đối xung, 5 ngày sau chạy thận nhân tạo thì diễn biến bệnh nhân đã tốt hơn, có thể tự thở, rút nội khí quản, chức năng sống hoàn toàn bình thường”, GS.Lê Ngọc Thành nói.

Trong cấp cứu bệnh nhân tim mạch thì việc áp dụng những kỹ thuật trên là điều bình thường, nhưng chủ yếu là thực hiện từng kỹ thuật một trên người bệnh nhân, hoặc chỉ dùng 1 – 2 kỹ thuật, còn việc áp dụng cả 3 kỹ thuật này là lần đầu tiên Bệnh viện E thực hiện. “Bệnh nhân mới 50 tuổi, còn khá trẻ nên các bác sĩ quyết tâm cứu sống bằng được. Việc bệnh nhân đã ngừng tim 2 tiếng, nên trong vòng ít phút, ê kíp đã sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân. Là bệnh viện chuyên khoa nên, các y bác sĩ luôn trong tâm thế sẵn sàng, không có để không bỏ lỡ thời gian vàng cứu sống người bệnh”, Giám đốc Bệnh viện E chia sẻ.

Sự nguy hiểm của u nhầy trong buồng tim

Ngoài ra, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E cũng vừa phẫu thuật thành công lấy khối u lớn trong buồng tim bằng phương pháp mổ nội soi toàn bộ với công nghệ 3D cho bệnh nhân nữ 56 tuổi.

TS.BS Nguyễn Công Hựu, Phó Giám đốc Bệnh viện E - Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Trung tâm tim mạch cho biết, bệnh nhân là bà N.T.H (56 tuổi, quê Nghệ An), nhập viện tại Trung tâm tim mạch bệnh viện E sáng ngày 2.3 vì khó thở, đau ngực. Qua khám bệnh các bác sĩ phát hiện có khối u nhầy kích thước 6cm di động nguy hiểm trong buồng tâm nhĩ trái. “U nhầy là khối u lành tính, chiếm khoảng 50% các khối u nguyên phát ở tim, gặp nhiều ở nữ hơn nam giới, độ tuổi hay gặp nhất 30-60 tuổi. Hầu như người bệnh không có triệu chứng lâm sàng nên rất bị bỏ qua khi thăm khám. Nhiều trường hợp người bệnh không có triệu chứng, hoặc thoáng qua không để lại dấu ấn gì, trước đây khi hệ thống máy siêu âm tim chưa phát triển thì nhiều trường hợp đột tử không rõ nguyên nhân. Nhưng hiện nay u nhầy  được phát hiện tình cờ bằng siêu âm tim”, Phó Giám đốc Bệnh viện E nói.

Phẫu thuật nội soi mang lại thẩm mỹ cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nữ

Các bác sĩ đã ngay lập tức triển khai phẫu thuật lấy khối u ra khỏi buồng tim cho người bệnh bằng phương pháp mổ nội soi với công nghệ 3D. Sau ca mổ kéo dài hơn 3h đồng hồ, các bác sĩ đã cắt bỏ triệt để khối u. Trong quá trình phẫu thuật nội soi làm sao phải khéo léo để không bị vỡ khối u, phải cắt được toàn bộ nhưng không được tổn thương cấu trúc của tim. Nhiều trường hợp phải cắt bỏ cả phần thành,vách tim do khối u bám để lấy bỏ u triệt để tránh tái phát, sau đó vá lại thành, vách tim bằng vật liệu thay thế.

Cũng theo TS Nguyễn Công Hựu, sự nguy hiểm của loại u này là ở chỗ, khối u di động theo nhịp co bóp của quả tim, nên không cản trở dòng máu, dẫn đến ít có triệu chứng. Nhưng bỗng ngày này đó khối u di động đột ngột có thể gây lấp kín lỗ van tim hoặc mảnh u vỡ gây tắc động mạch vành làm ngừng tim đột ngột là nguyên nhân đột tử. Biến chứng thuyên tắc mạch não, mạch tạng trong ổ bụng, mạch chi để lại những hậu quả nặng nề. Nếu đã chẩn đoán có khối u nhầy trong buồng tim, người bệnh cần được phẫu thuật lấy bỏ khối u ngay để tránh các tai biến, biến chứng do u gây ra đe doạ đến tính mạng. Bệnh nhân mắc u nhầy trong tim chiếm tỷ lệ thấp, không nhiều, khoảng 0,3 – 0,5%o, tức khoảng 10.000 người có khoảng 5 -6 người. Tại Bệnh viện E, chưa có thống kê chính thức nhưng thực hiện khoảng 10 – 15 ca phẫu thuật/năm.

Đến nay, với sự phát triển của y học hiện đại, việc phẫu thuật lấy u nhầy trong buồng tim khá an toàn. Đặc biệt, thay vì mổ phanh, cắt xương ức, để lại vết sẹo dài thì với kỹ thuật mổ nội soi với camera 3D đã giúp giảm tối đa các sang chấn phẫu thuật, giúp người bệnh nhanh hồi phục, đặc biệt đảm bảo tính thẩm mỹ cho nữ giới.

Q.HOA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top