Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Kiến nghị các địa phương sẵn sàng đơn vị lọc thận nếu bệnh nhân thận mắc Covid-19

Thứ Tư 10/03/2021 | 23:47 GMT+7

VHO- Đây là ý kiến của ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) trước thực trạng đa số các địa phương chưa sẵn sàng các đơn vị lọc thận nhân tạo nếu bệnh nhân thận mãn tính mắc Covid-19 và bài học tại Đà Nẵng.

Ngày 10.3 Cục Quản lý Khám chữa bệnh tổ chức Hội thảo trực tuyến với một số địa phương về việc triển khai “Hướng dẫn điều trị, quản lý bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch Covid-19”. Hội thảo là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày Thận Thế giới (11.3) - là một chiến dịch toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thận; đồng thời cập nhật các hướng dẫn chuyên môn cho các bác sĩ trong khám, chữa bệnh, đặc biệt thay đổi cách tiếp cận trong chẩn đoán, điều trị bệnh đáp ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nhấn mạnh, bệnh thận mạn đang gia tăng trên thế giới, cũng như tại Việt Nam. Nhu cầu điều trị lọc máu tăng cao, có nguy cơ vượt quá khả năng đáp ứng của các trung tâm/khoa, đơn vị Thận nhân tạo trong các Bệnh viện. Hơn nữa trong bối cảnh dịch Covid-19 gia tăng các bằng chứng khoa học cho thấy người mắc bệnh mạn tính, người cao tuổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bởi tác động của dịch bệnh, người bệnh lọc máu vào nhóm có nguy cơ cao với bệnh  truyền nhiễm, bởi đây là những người bệnh dễ bị tổn thương có nhiều bệnh mắc kèm và kèm rối loạn chức năng miễn dịch liên quan đến suy thận. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đòi hỏi các biện pháp cách ly an toàn trong phòng ngừa dịch bệnh đã tạo thêm áp lực cho hệ thống y tế và nhân viên y tế.

“Tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn điều trị, quản lý bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch Covid-19” do Bộ Y tế ban hành với mục tiêu đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị cho người bệnh lọc máu trong đại dịch Covid-19, đồng thời hướng dẫn các nhân viên y tế thực hiện công tác phòng, chống Covid-19 và điều trị, quản lý người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối tại các cơ sở y tế nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm Covid-19, giảm áp lực lên hệ thống y tế cũng như an toàn cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà và toàn xã hội”, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Theo BSCKII. Tạ Phương Dung - Phó chủ tịch Hội Thận học - TP. Hồ Chí Minh “Hướng dẫn điều trị, quản lý bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch Covid-19 đề cập tới ưu tiên Lọc màng bụng (LMB) tại nhà để người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối được điều trị, duy trì cuộc sống và an toàn hơn trong việc đối phó với đại dịch Covid-19. Thực hiện LMB tại nhà cho người bệnh có nhiều lợi ích so với phương pháp chạy thận nhân tạo tại đơn vị lọc máu vì người bệnh được điều trị tại nhà, giảm tần suất đến bệnh viện khám; giảm nguy cơ lây nhiễm; chủ động thời gian điều trị; giảm tải bệnh viện, giảm nguy cơ cho nhân viên y tế và cộng đồng và người bệnh tự thực hiện được LMB (sự trợ giúp của nhân viên y tế là tối thiểu)”.

Bệnh nhân thận mắc Covid-19 được chạy máy lọc máu nhân tạo tại Đà Nẵng 

Từ đầu cầu Hải Dương, ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết, khi dịch bùng phát tại Hải Dương, các chuyên gia của Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp và chỉ đạo toàn bộ các cơ sở y tế trên địa bàn triển khai các hoạt động để làm sao đảm bảo an toàn cho những đối tượng suy thận mạn đang điều trị tại các cơ sở y tế. Rất may đã bảo vệ thành công và không có bệnh nhân thận nào bị mắc Covid-19, nếu có thì chắc chắn sẽ là vấn đề nan giải.

“Thực tế cho thấy, các tỉnh, thành chưa có đơn vị chạy thận nhân tạo trong tình huống bệnh nhân thận mắc Covid-19. Chúng tôi đề xuất, các địa phương khác phải lưu ý vấn đề này, chủ động lựa chọn 1 đơn vị thận nhân tạo để có thể chạy thận cho bệnh nhân dương tính. Và đi song song với đơn vị chạy thận này phải có đơn vị hồi sức cấp cứu kèm theo vì bệnh nhân thận nhiễm Covid-19 chắc chắn sẽ diễn biến nặng và nếu không có sự chuẩn bị trước thì sẽ rất lúng túng”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nhận định.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Khoa, biện pháp sàng lọc màng bụng cũng là giải pháp rất hiệu quả trong giai đoạn dịch Covid-19 luôn rình rập. Do đó, cần áp dụng phổ biến hơn vì giảm thiểu nguy cơ cho bệnh nhân không phải đến cơ sở y tế nhiều lần Ngoài ra, đây là giải pháp khá đơn giản, không tốn kém nên đề nghị các địa phương, Bệnh viện tỉnh làm sao triển khai kỹ thuật cho các tuyến huyện để có thể quản lý bệnh nhân tại địa phương. Điều này cũng tương tự như với một số bệnh nhân ghép thận trong vùng dịch không thể đến các trung tâm tuyến trên để quản lý ghép thận, nhưng các bệnh viện tuyến tỉnh đảm nhận việc đó nhờ sự hỗ trợ hội chẩn trực tuyến…

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Nhi… đã đưa ra những ý kiến trao đổi để đảm bảo an toàn trong việc quản lý và điều trị bệnh nhân thận trong đại dịch Covid-19.

VIỆT THANH

Print
Tags: Y tế

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top